Đặc sản cá hồi Sa Pa

Trước đây, khách du lịch đến Sa Pa đã quen thuộc với các địa danh nổi tiếng như: Khu du lịch Hàm Rồng, khu trạm khắc đá cổ Hầu Thào, Thác bạc, Cầu Mây hay các làng văn hóa, làng nghề và thưởng thức hoa trái mang hương vị xứ ôn đới cận nhiệt đới như đào, lê, táo, mận... Nay đến với Sa Pa, du khách đã có thêm một sản phẩm du lịch đặc trưng khác mang hương vị riêng, đó là cá hồi và thăm quan địa danh nuôi cá hồi lớn nhất tại miền Bắc Việt Nam.

Trên cùng hành trình tham quan Thác Bạc hay mạo hiểm với cuộc leo núi, chinh phục đỉnh Fansipan hùng vỹ, ngay dưới chân "nóc nhà Đông Dương” này là mái nhà lý tưởng của những chú cá hồi vân nổi tiếng trời Âu. Vào những ngày đầu năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu Nước lạnh Sa Pa (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I - Bộ Thủy sản) được thành lập với hoạt động chính là nghiên cứu việc sinh sản và phát triển của cá hồi vân - một trong nhiều họ thuộc loại cá hồi.

Sau hơn một năm nghiên cứu và nuôi thử nghiệm, mùa xuân năm 2006 lứa cá đầu tiên nhập từ Phần Lan về nuôi thử nghiệm đã thành công, mang thứ thực phẩm thượng hạng từ xứ Âu Châu cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của thị trường Việt Nam, đồng thời tạo cho Sa Pa một điểm tham quan mới, hấp dẫn với những du khách muốn khám phá, tìm hiểu về loài cá này, cũng như ứng nhu cầu thưởng thức hương vị độc đáo của các món ăn được chế biến từ cá hồi. Hiện nay, trong các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng ở Sa Pa như Victoria, Châu Long, Bamboo... và nhiều khách sạn, nhà hàng lớn tại Hà Nội, cá hồi vân đã có trong thực đơn và nhanh chóng trở thành một món ẩm thực hấp dẫn với nhiều đối tượng khách du lịch trong và ngoài nước.

Với các món ẩm thực đa dạng được chế biến từ cá hồi như: gỏi, lẩu, cháo, trứng cá hấp, cá hun khói, salad rau xanh ăn kèm cá hồi tẩm sốt cam và tiêu xanh, cá hồi nhồi dưa chuột… đã mang đến cho du khách hương vị hấp dẫn khó quên của món ẩm thực có một không hai tại Sa Pa. Bên cạnh đó, theo nhận xét của nhiều đầu bếp nổi tiếng tại các nhà hàng Sa Pa và Hà Nội thì chất lượng và màu sắc của cá hồi Sa Pa không thua kém so với bất cứ loại cá hồi nào được nhập khẩu và đang sử dụng tại Việt Nam.

 

Theo anh Chu Quang Kiệm, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu Nước lạnh Sa Pa cho biết, hiện nay Trung tâm có 3 khu riêng biệt, mỗi khu nuôi một thế hệ cá hồi khác nhau: Khu 1 là nơi ươm và ấp trứng với 12 bể con (dung tích trung bình mỗi bể là 2,5m3/bể) và 2 bể to mỗi bể có dung tích 60m3. Sau khi cá hồi đã đủ tuổi được chuyển sang nuôi ở khu 2, đây là khu nuôi cá ở tuổi trưởng thành. Khu 2 gồm 3 bể, mỗi bể có dung tích 60m3. Khu 3 là nơi nuôi cá hồi đã trưởng thành và chuẩn bị xuất chuồng, khu 3 gồm 5 bể với dung tích 250m3/bể. Ngoài ra còn có 3 khu chuyên làm các thí nghiệm sinh học như: khu làm sinh sản, khu nuôi…

Nếu muốn thăm quan toàn bộ quy mô và tìm hiểu một số đặc tính sinh sản, phát triển của cá hồi, các công đoạn chăm sóc cá hồi và tự mình lựa chọn một chú cá để thưởng thức hương vị thì du khách phải dành cả nửa ngày, thậm chí cả ngày mới có thể tìm hiểu được hết về nơi này. Hiện nay, “ngôi nhà” của cá hồi vân tại chân đỉnh Fansipan đã thu hút rất nhiều đối tượng khách du lịch đến thăm quan và thưởng thức. Cũng theo anh Kiệm, trung bình mỗi ngày Trung tâm đón từ 15 - 20 lượt khách, riêng ngày thứ 7 và chủ nhật lượng khách đến thăm quan và thưởng thức diễn ra cả ngày.


Du khách đến đây sẽ không dấu được sự ngỡ ngàng và thích thú trước những con cá hồi, sự hiếu kỳ và thích khám phá của du khách đã được đáp ứng. Đặc biệt với những du khách nước ngoài, nếu cảnh quan thiên nhiên và văn hóa các dân tộc bản địa luôn mang đến cho họ nhiều điều thú vị thì với cá hồi, sự ngạc nhiên và thích thú còn ý nghĩa hơn thế. Họ không thể tưởng tượng ra được giữa đất nước Việt Nam với đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa lại có thể tận mắt thưởng ngoạn và thưởng thức món ăn độc đáo của loài cá da trơn chỉ sống ở các nước ôn đới và hàn đới. Với nhiều món ăn hấp dẫn được chế biến từ cá hồi, du khách đến đây có thể vừa thăm quan, vừa tự tay lựa chọn một chú cá ưng ý để thưởng thức, và hương vị cá ở đây chẳng khi nào không tươi nguyên.


Cùng với các giá trị độc đáo về thiên nhiên và văn hóa các dân tộc thiểu số, cá hồi đã có sức thu hút mạnh mẽ với đông đảo khách du lịch mỗi dịp đặt chân đến Sa Pa. Đây là hương vị mới của Sa Pa dành cho bất cứ ai yêu mến và gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây.


Theo vanhoalaocai.vn

Tin Liên Quan

Thực hiện quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu tại huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa

Đó là mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch Triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh Lào Cai.

Bánh chưng cốm của người Thái

Vùng đất Thẳm Dương (Văn Bàn) không chỉ nổi tiếng với giống nếp đệ nhất “nữ hoàng” Khảu Tan Đón, còn có món bánh chưng cốm đang được cấp ủy, chính quyền cùng đồng bào dân tộc Thái nơi đây xây dựng trở thành thương hiệu riêng.

Làng làm bánh chưng Ún Tà vào tết

Đến làng Ún Tà, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) những ngày tháng Chạp. Từ đầu làng, chúng tôi đã nghe tiếng máy cắt ống cây nứa, tiếng lách cách chẻ ống lam, đặc biệt là mùi gạo nếp thơm nức của những mẻ bánh chưng vừa luộc sẵn sàng phục vụ khách hàng chuẩn bị đón tết.

Dúa chỏ - Món quà vặt của vùng cao

Cách trung tâm huyện Bắc Hà khoảng 10 km, xã Hoàng Thu Phố có 5 thôn, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quần thể cây chè di sản và bất cứ du khách nào đến Hoàng Thu Phố cũng được người dân mời thưởng thức món “dúa chỏ” (bánh nếp đường)...

Tạo sự đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu

Việc mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát...

Bản Hồ mùa cốm mới

Khi tiết thu se lạnh, những ruộng lúa nếp bắt đầu chắc hạt, người dân xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) háo hức bước vào vụ cốm mới. Những hạt cốm màu xanh ngọc, dẻo thơm càng cuốn hút du khách đến với vùng đất này.