Tết là ấm áp, tết là đoàn viên

Khi hàng cây trải qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, ủ mầm xanh trong lớp giá sương chờ nắng lên mà bật cánh. Khi cuốn lịch nhà nhà dần vơi ngày cũ, ông trút tiếng thở khẽ, vậy là một năm đã qua. Khi đàn chim báo xuân ríu rít gọi nhau về chái nhà xưa để đơm mùa xây tổ ấm. Đó là lúc nàng xuân đã đến với thế gian, phủ lên vạn vật, cảnh sắc màu nhựa sống, báo hiệu năm mới đang về.

 

Ảnh minh họa.

Ngày nối ngày, tháng lại tháng, cuộc sống xoay vòng, dòng người xuôi ngược, nhiều người thở than chưa kịp làm những việc đặt ra mà năm đã qua, tết về đến nhà chẳng hiểu sao chỉ thấy mệt. Đấy là những lúc lòng người thấm gió sương, lo lắng vì cuộc sống cơm áo, gạo tiền mới buông lời khẽ trách. Còn những lúc tĩnh lòng, nhớ về khoảng trời xưa cũ với cái tết giản đơn, hay chỉ đơn giản là đặt mình vào câu chuyện của những người con xa quê, mới hiểu sao câu nói vui như tết.

Ấy là nụ cười trẻ thơ, chạy tung tăng trong sân nhà trong bộ đồ mẹ sắm, cha mua.

Ấy là nghe tiếng xe dừng trước ngõ, ông buông chén trà, tất tả chạy ra. Niềm vui phủ che đi tiếng thở dài giấu suốt bao ngày qua, trằn trọc “sao mãi chưa thấy con về quê ăn tết?”

Ấy là cành đào anh mua chốn rẻo cao công tác, chằng buộc kỹ càng để về bày biện trong nhà cho thêm phần ấm áp.

Ấy là tấm bánh thảo thơm chị gói trong bao khéo léo, đong đầy để kính dâng lên bàn thờ gia tiên.

Tết là để vui, thứ niềm vui nhỏ nhoi mà bao người kiếm tìm giữa vòng xoáy hối hả của cuộc đời, để biết mùa yêu thương cũng là mùa tết. 

Ảnh minh họa.

*     *     *

Năm mới đã cận kề, tờ lịch 29 tháng Chạp dần đi về phía ngày cũ như tiếng gọi nhói lòng, cựa quậy trong lồng ngực: Tết rồi, về thôi!

Về với ngõ nhỏ của làng quê, về với khói bếp mẹ ngóng chờ đỏ lửa. 

Về với mái nhà chở che sương gió, vỗ về ta suốt dọc đời người.

Về để mẹ, để cha thôi những ngóng trông, mỏi mòn đợi con, chờ cháu trong từng trang lịch đếm ngày về tết.

Về để nghe tiếng cười rúc rích trong đêm trông nồi bánh tết, hỏi han nhau những lời giản dị, đơn sơ mà thổn thức, ấm lòng.

Về để nghe tiếng con thơ gọi mẹ, gọi cha, để nhìn dáng hình người thương vương màu lam lũ.

Về để thấy chẳng nơi đâu yên an, ấm áp bằng nhà.

*     *     *

Suốt dọc đời người, ngấm sương, tắm nắng, vất vả, gian truân phủ bạc tóc, mòn vai, nhưng tết đến xuân về lại thu vén để trở về tổ ấm. 

Tết chẳng đi đâu xa, tết là về với mẹ cha, tết là để về nhà, nhìn nhau nhiều thêm một chút.

Ngoài kia mưa xuân gieo rắc để nhắc mầm sống nảy mầm, còn tết nhắc người ta biết nhớ về quê cha đất mẹ, biết trân trọng tình thân. 

Cây đào cha trồng góc vườn đã bung hoa, trái bưởi mẹ chăm nơi cầu ao đang chờ tay hái. Còn chờ gì nữa những người con nơi xa, mau mau nhịp chân để trở về nhà để tất cả những vòng xoay hối hả của 365 ngày trong năm được biến tan, gói gọn trong mong ước kịp chuyến xe để về sum vầy, quây quần bên mâm cơm gia đình chiều 30 tết.

Tất cả những thở than, háo hức của cả năm cũng chỉ để giúp ta thêm hiểu, tết là ấm áp, tết là đoàn viên.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Người Tày xã bản Hồ giữ nghề truyền thông

Nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lào Cai: Bảo tồn lễ hội, phong tục tập quán xã hội tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch

Năm 2024, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu: Lập 03 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị ít nhất 01 lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024

Từ ngày 15/4 đến hết ngày 19/4/2024, Lào Cai phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai. Trong đó, ngày 15/4 là ngày phát động đồng bộ thực hiện mặc trang phục truyền thống các dân tộc trên phạm vi toàn tỉnh.

Nét đẹp văn hóa của chợ tình Sa Pa

Không chỉ có tiềm năng từ thiên nhiên ban tặng, Sa Pa còn giàu về văn hóa, lối sống, phong tục và con người. Điển hình trong đó không thể không nhắc đến chợ tình Sa Pa.