Tết trên bản người Nùng U

Khi hoa mận, hoa đào trên những dãy núi đá vôi ở vùng cao Bắc Hà chớm nở cũng là lúc người dân ở các bản làng chộn rộn đón mùa xuân mới. Ở mảnh đất Sông Lẫm, xã Tả Củ Tỷ, Tết Nguyên đán là tết quan trọng nhất trong năm nên người Nùng U chuẩn bị rất chu đáo.

Tục mổ lợn ăn Tết

Trong niềm vui đón năm mới, ở Sông Lẫm - nơi có 100% người Nùng U sinh sống - nhà nhà tất bật chuẩn bị đón Tết, trong đó phần việc không thể thiếu là mổ lợn ăn Tết.

Tiết trời se lạnh, những làn sương mù giăng mắc núi rừng, dưới sân trước ngôi nhà sàn truyền thống còn thơm mùi gỗ mới, cả gia đình già làng Lù Xuân Quang nhộn nhịp mổ lợn. Vừa làm, ông Quang vừa kể về phong tục mổ lợn của người Nùng U cho chúng tôi nghe: Người dân ở bản Nùng U thường chuẩn bị Tết từ 26 đến 30 tháng Chạp. Các nhà lần lượt mổ lợn, nhà kinh tế khá thì mổ con to, nhà không có điều kiện thì mổ con nhỏ để làm lễ và mời anh em, họ hàng ăn bữa cơm tất niên, chúc mừng nhau thành quả một năm đã qua, đón năm mới với mong ước nhiều điều tốt lành sẽ đến.

Vui hát giao duyên.

Mổ lợn xong, mọi người làm một mâm cỗ Tết thịnh soạn. Mâm cỗ được bày trước ban thờ ở giữa nhà, lễ vật gồm các đặc sản do gia đình tự làm ra như thịt lợn, gà, rượu, xôi… Già làng Lù Xuân Quang mặc trang phục truyền thống thắp hương rồi đọc bài cúng trời đất, thần linh và gia tiên. Ban thờ của gia đình người Nùng U thường có 3 bát hương, ở giữa thờ trời đất, bên phải thờ thần linh và bên trái thờ tổ tiên. Khi các nghi lễ kết thúc cũng là lúc cả gia đình quây quần bên mâm cơm để nâng chén rượu và mỗi người gắp một miếng thịt lợn ăn lấy may, sau đó mời khách cùng chung vui.

Xuân Canh Tý 2020 này, niềm vui lớn nhất của Sông Lẫm là số hộ nghèo trong thôn đã giảm từ 17 xuống còn 9 hộ, trong đó phần lớn các hộ tự viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Cùng với đó, 6 hộ khó khăn đã phấn đấu làm được nhà mới khang trang hơn. Nhấp ngụm rượu ngô, anh Lù Seo Ngán bảo: Năm nay gia đình thoát nghèo nhờ trồng rừng và vừa được khai thác, gia đình phấn khởi mổ con lợn 90 kg để ăn Tết!

Niềm vui của người dân Sông Lẫm như được nhân đôi khi cả thôn được ăn cỗ khao vì gia đình anh Lù Xuân Cương và gia đình anh Lèng Seo Vần mới mua được mỗi hộ một ô tô tải, trị giá hơn 300 triệu đồng/chiếc. Đây là hai chiếc ô tô đầu tiên trong thôn, góp phần phục vụ vận chuyển hàng hóa cho bà con.

Vui ngày hội xuân

Hoạt động vui nhất trong ngày Tết của người Nùng U là đi hội xuân. Dưới ánh nắng xuân ấm áp ở vùng cao, chiều 30 Tết, các thanh niên trong thôn đã lựa chọn một cây nêu thẳng, đẹp đưa về dựng tại thửa ruộng ở trung tâm thôn, đây là nơi tổ chức hội xuân của bản Nùng U. Dưới sự chỉ đạo của già làng Lù Xuân Quang và Trưởng thôn Lù Seo Thành, mọi việc được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Sau khi chúc Tết người thân, chòm xóm vào mùng 1 Tết và tham gia lễ cúng rừng tại khu rừng cấm ở đầu thôn, sáng mùng 2 Tết, mọi người trong bản mặc những bộ trang phục đẹp nhất để đến lễ hội. Điều khiến chúng tôi ấn tượng là người Nùng U ở Sông Lẫm vẫn giữ được bản sắc văn hóa trong trang phục truyền thống. Trang phục của nam và nữ đều màu chàm đen. Trang phục nữ tuy không nhiều hoa văn nhưng các họa tiết rất tinh tế, nhất là cổ áo được trang trí bằng dây chuyền bạc với nhiều hình thù đẹp mắt. Để có được những bộ quần áo mới, phụ nữ Nùng U phải trồng bông, kéo sợi, dệt vải và nhờ người đàn ông khỏe mạnh trong gia đình kéo bạc chế tác đồ trang trí.

Lễ hội xuân ở bản Nùng U được tổ chức trong 2 ngày: Mùng 2 và mùng 3 Tết. Đây là lúc người dân hòa mình vào tiếng hát, âm thanh của các loại nhạc cụ dân tộc, của những trò chơi dân gian như đánh én, kéo co, đẩy gậy, đánh quay… Đặc biệt, trong dịp này có chương trình hát dân ca Nùng U. Là người biết nhiều bài dân ca của dân tộc, nghệ nhân Lù Thị Ỉnh cầm chiếc nhị vừa kéo nhẹ nhàng, vừa cất tiếng hát vui về ngày xuân mới: “Tháng Chạp lá cây rụng/Tháng Giêng lá cây chồi/Các lá cây chồi ra/Loài hoa nở khắp rừng...”. Dù đã ở tuổi 66 nhưng tiếng hát của nghệ nhân Lù Thị Ỉnh vẫn lay động người nghe.

Hội xuân không chỉ là nơi vui chơi mà còn để thanh niên nam nữ trong vùng hát giao duyên, tìm hiểu nhau, kết đôi lứa…

Chị em người Nùng U chơi đánh én ngày đầu xuân.

Để cuộc sống thêm no ấm

Kết thúc lễ hội ngày mùng 3 Tết, buổi sớm mùng 4 trên rẻo cao Sông Lẫm trời vẫn lạnh và đầy sương mù. Trên những thửa ruộng bậc thang, nhiều người đã vác cày, cuốc ra ruộng khai xuân. Người người, nhà nhà tích cực lao động để mong một năm mới mùa màng bội thu.

Nói về đồng bào Nùng U ở Sông Lẫm, ông Phàn Văn Dồn, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Củ Tỷ cho hay: Sông Lẫm có 61 hộ, 305 khẩu, 100% là dân tộc Nùng U. Người dân ở đây rất cần cù và biết tận dụng mọi điều kiện để phát triển kinh tế. Điều duy nhất còn khó ở Nùng U đó là chưa có đường đến trung tâm thôn và cũng chưa có điện lưới quốc gia để sử dụng. Nhưng không vì thế mà làm vơi đi sự năng động của người dân trong lao động sản xuất cũng như tình yêu quê hương, bám đất, bám làng để phát triển kinh tế.

Người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Cùng với việc khai thác hiệu quả rừng thảo quả đã trồng lâu năm tại địa phương, bà con Nùng U đang tích cực trồng rừng, trồng chè và chăn nuôi gia súc.
Chia tay Sông Lẫm, chia tay đồng bào Nùng U, chúng tôi xuôi Bắc Hà. Dọc đường, đào rừng đã khoe sắc bên những ngôi nhà sàn trên sườn núi. Tiếng cười nói của các chị, các mẹ râm ran dưới hiên nhà. Ngoài sân, các em nhỏ xúng xính quần áo mới hồn nhiên vui đùa, tạo nên bức tranh tuyệt đẹp về mùa xuân trên rẻo cao.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.