Chìa khóa duy trì sự phát triển bền vững

Chính phủ Nhật Bản đang quyết liệt triển khai các chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ sinh và thu hút thêm lao động nước ngoài, trong nỗ lực tìm giải pháp cho tình trạng thiếu hụt lao động do dân số già hóa nhanh chóng.
Chìa khóa duy trì sự phát triển bền vững

Nhà máy sản xuất ô-tô tại Fukushima, Nhật Bản. Ảnh Reuters

Viện Nghiên cứu dân số và an sinh xã hội quốc gia Nhật Bản ước tính, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 30% dân số nước này vào năm 2025 và 35,3% năm 2040. Trong khi đó, số lượng trẻ sơ sinh đang ở mức thấp kỷ lục. Theo đó, số trẻ sinh ra tại Nhật Bản trong năm 2019 là khoảng 864 nghìn trẻ, giảm 54 nghìn trẻ so năm trước đó, bất chấp những nỗ lực của chính phủ trong việc hỗ trợ các bà mẹ sinh và nuôi dưỡng con, cũng như bảo đảm việc làm cho thế hệ trẻ… Năm 2019 là năm thứ 13 liên tiếp dân số Nhật Bản tiếp tục giảm.

Thực trạng đáng lo ngại nêu trên gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế, đồng thời đặt ra bài toán khó cho các nhà lãnh đạo “đất nước mặt trời mọc” trong việc duy trì hệ thống lương hưu, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và giải quyết bài toán thiếu hụt lao động. Nhật Bản đang phải nỗ lực trang trải chi phí an sinh xã hội ngày càng lớn do số lượng người già gia tăng. Dự kiến, mức chi dành cho an sinh xã hội chiếm hơn một phần ba trong tổng chi ngân sách tài khóa năm 2020 của Nhật Bản, tăng 1,73 nghìn tỷ yên so năm 2019. Trong bài phát biểu trước Quốc hội mới đây, Thủ tướng Nhật Bản S.Abe nhận định, việc cải cách hệ thống an sinh xã hội là thách thức lớn, cần được ưu tiên giải quyết sớm.

Để khắc phục tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng do dân số già hóa nhanh chóng, thời gian qua, Nhật Bản đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Chính phủ Thủ tướng S.Abe đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sinh lên 1,8% vào cuối tài khóa 2025, bằng các biện pháp hỗ trợ phụ nữ cân bằng cuộc sống gia đình và công việc, cũng như giảm gánh nặng tài chính trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua các dự luật khuyến khích doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động kéo dài thời gian làm việc đến 70 tuổi và dự kiến trình lên Quốc hội xem xét thông qua để có thể có hiệu lực từ tháng 4-2021. Ngoài ra, kể từ tháng 1-2020, Nhật Bản tạo điều kiện để những người lần đầu tới nước này và có tư cách lưu trú ngắn hạn trong vòng ba tháng cũng có thể tham gia thi tuyển xin việc, thay vì chỉ giới hạn đối với những người ở trung và dài hạn. Bên cạnh đó, từ năm 2019, quốc gia châu Á này cũng triển khai hệ thống thị thực mới, khuyến khích thu hút lao động nước ngoài. Đây là bước đi đánh dấu sự chuyển đổi cơ bản trong chính sách nhập cư của Nhật Bản, sang mở cửa chào đón lực lượng lao động nước ngoài.

Những giải pháp quyết liệt nêu trên của Chính phủ Nhật Bản đã mang đến những kết quả khả quan bước đầu. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tổng số lao động nước ngoài đến nước này trong 10 tháng đầu năm 2019 tăng 13,6% so cùng kỳ năm trước đó và là mức cao nhất theo thống kê kể từ năm 2008. Đây là năm thứ 12 liên tiếp số lao động nước ngoài tại Nhật Bản tăng. Các nhà hoạch định chính sách đặt mục tiêu, trong vòng 5 năm kể từ năm 2019, Nhật Bản có thể thu hút được 345 nghìn lao động nước ngoài làm việc trong 14 lĩnh vực đang thiếu lao động nghiêm trọng như hộ lý, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ ăn uống, khách sạn…

Với những chính sách tích cực gần đây nhằm mở rộng cánh cửa chào đón lao động nước ngoài, Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ sớm giải quyết được bài toán thiếu hụt lao động của nền kinh tế và giảm bớt gánh nặng dân số già lên hệ thống an sinh xã hội. Giới chuyên gia nhận định, đây là thách thức lớn và cũng là chìa khóa quan trọng để nền kinh tế Nhật Bản duy trì sự phát triển bền vững.

Theo Báo Nhân dân

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...