Tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, khôi phục sản xuất

UBND tỉnh vừa có công văn số 1883/UBND-TH, về quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2020 ở mức cao nhất.

Công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở tình hình thực tế, thường xuyên rà soát, điều chỉnh kế hoạch công tác năm 2020; chủ động sắp xếp lại thứ tự ưu tiên lựa chọn các nhiệm vụ trọng yếu cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Phục hồi và phát triển ngành du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm sau khi dịch bệnh Covid – 19 được khống chế.

Nội dung cụ thể mà UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đó là: Tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, khôi phục sản xuất, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

1. Phục hồi và phát triển ngành du lịch

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến tại thị trường ngoài nước, trong đó ưu tiên xúc tiến tại thị trường Trung Quốc sau khi công bố hết dịch. Tăng cường công tác truyền thông. Toàn ngành cần thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa; tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành các chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch. Xây dựng các sản phẩm du lịch mới phù hợp.

- Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, thực hiện các chiến dịch quảng bá trên các nền tảng truyền hình, mạng xã hội với nội dung, thông điệp khẳng định Lào Cai là điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với du khách…

- Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tái phát, đảm bảo môi trường du lịch, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ các khu vực kinh doanh, có biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách và nhân viên tại các cơ sở kinh doanh; phối hợp với các đơn vị chức năng thu gom rác thải đảm bảo hợp vệ sinh và bảo vệ môi trường…

- Đề xuất UBND tỉnh các giải pháp về hỗ trợ tài chính đối với du lịch cộng đồng và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin, liên kết phát triển du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh.

2. Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu

Sở Công thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh:

+ Bảo đảm thông quan hàng hoá được thuận lợi, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.

+ Rà soát tình trạng hoạt động của các kho, bãi trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là các kho đông lạnh) để phục vụ cho hoạt động lưu giữ hàng hoá trong trường hợp chưa kịp thông quan.

+ Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, đàm phán với phía Trung Quốc về đề xuất mở một đến hai cửa khẩu phụ hoặc lối mở để cư dân biên giới thực hiện trao đổi, tiêu thụ nông sản; mở các cặp cửa khẩu song phương Bản Vược - Bá Sái, Mường Khương - Kiều Đầu; cho phép xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế đường sắt; cải cách thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thông qua tại cặp Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành - Bắc Sơn.

+ Khi dịch bệnh được kiểm soát ở mức an toàn cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và con người tại cửa khẩu để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giao thương; chủ động, tích cực triển khai các thoả thuận được các cơ quan giữa hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc); tổ chức hội đàm, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng của Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn, rào cản trong xuất, nhập khẩu; đẩy nhanh tiến độ thiết lập các cặp chợ biên giới giữa Lào Cai - Vân Nam; nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo cho các doanh nghiệp trong nước để tránh ồn ứ tại cửa khẩu, đồng thời chuẩn bị tốt hàng hóa kịp thời tổ chức các hoạt động giao thương.

+ Đẩy mạnh các biện pháp về thanh toán, tín dụng, đảm bảo nguồn vốn phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại của dịch bệnh Covid-19...

+ Triển khai ngay các giải pháp để tổ chức thực hiện nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư, nhiên liệu bằng đường bộ qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

+ Xây dựng quy trình, thủ tục, tổ chức quản lý tốt hoạt động tại cửa khẩu phụ, lối mở sau khi đã thống nhất với phía Trung Quốc và được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

+ Điều chỉnh các hoạt động xúc tiến thương mại xuất khẩu hàng hóa hướng tới các thị trường mới để giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị: Sở Công thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, xử lý linh hoạt, đảm bảo việc xuất, nhập khẩu hàng hóa tại biên giới được nhanh chóng, thuận lợi.

- Ban Quản lý Khu kinh tế chủ trì hoàn thiện các thủ tục và thực hiện cải tạo, sửa chữa Nhà liên ngành Trung tâm Quản lý quốc tế Lào Cai - Cửa khẩu đường bộ số I theo hướng phát triển thành cửa khẩu kiểu mẫu.

3. Phát triển thương mại nội địa

Sở Công thương chủ trì:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về dịch bệnh tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh (tập trung tuyên truyền đến các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại, đến các khu vực chợ, trung tâm bán lẻ, cửa hàng tiện ích,...) nhằm ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn, đảm bảo các hoạt động thương mại diễn ra ổn định, bình thường. Huy động một số doanh nghiệp tổ chức các đợt bán hàng lưu động, cung ứng sản phẩm hàng hóa đến vùng dịch theo hướng dẫn của cơ quan chức năng (tập trung các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu). Khuyến khích thương nhân tổ chức kinh doanh hình thức cửa hàng tiện ích với quy mô nhỏ gọn trong các khu dân cư để giảm tập trung đông người, giúp quản lý chặt chẽ chất lượng hàng hóa. Tuyên truyền, khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử.

- Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và các thị trường ngoài Trung Quốc để tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm sản xuất tại địa phương (phốt pho vàng, nông lâm sản). Tổ chức làm việc với các đơn vị chế biến hoa quả (đóng hộp, sấy khô); các đơn vị thu mua xuất khẩu chính ngạch (đối với sản phẩm chuối); các đơn vị thu mua cung ứng hoa quả tại các chợ đầu mối lớn trong nước để tiêu thụ sản phẩm.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh thương mại phối hợp với các doanh nghiệp ngoài tỉnh tiếp nhận tiêu thụ sản phẩm hàng hóa (nhất là các mặt hàng thực phẩm nông sản) đảm bảo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, cung ứng cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian không xuất khẩu được.

Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện ngăn chặn kịp thời lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng, chống dịch.

4. Đối với ngành vận tải

Sở Giao thông vận tải - Xây dựng chủ trì:

Xây dựng phương án khai thác tuyến vận tải để áp dụng tạm thời trong thời gian còn dịch Covid-19, trong đó tạm thời điều chỉnh cắt giảm số lượng chuyến/lượt xe trên tuyến, hết thời gian thực hiện cắt giảm chuyến/lượt xe tạm thời, đơn vị vận tải tiếp tục thực hiện phương án khai thác tuyến như cũ.

Tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động vận tải qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu. Xây dựng các phương án vận chuyển hàng hóa, máy móc, thiết bị, nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.

5. Tháo gỡ khó khăn và phát triển ngành công nghiệp

Sở Công thương:

+ Đẩy mạnh khai thác khoáng sản, sẵn sàng chuẩn bị nguyên liệu cho sản xuất tăng cao sau dịch bệnh (đảm bảo theo kế hoạch đã giao). Tiếp tục duy trì sản xuất các sản phẩm công nghiệp chế biến, thủy điện theo kế hoạch.

+ Tháo gỡ các khó khăn để các dự án công nghiệp lớn được đưa vào hoạt động trong năm theo đúng tiến độ: Nhà máy luyện đồng Bản Qua, các nhà máy thủy điện.

+ Phối hợp với các doanh nghiệp và các cơ quan chuyên môn của Bộ Công thương tìm kiếm, giới thiệu nguồn cung các loại nguyên liệu, máy móc, thiết bị thiếu hụt (nguồn nhập khẩu trước đây tại Trung Quốc) tại thị trường trong và ngoài nước; thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Lào Cai. Phối hợp với các cơ quan phía Trung Quốc triển khai ngay các giải pháp để tổ chức thực hiện nhập khẩu cho máy móc, thiết bị, vật tư, nhiên liệu bằng đường bộ qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai để đảm bảo tiến độ thời gian, giảm chi phí.

+ Tham mưu UBND tỉnh đề nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu quặng sắt, deluvi đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

- Các đơn vị sản xuất công nghiệp:

+ Xây dựng lại kế hoạch sản xuất, tối ưu công nghệ; sắp xếp lại lao động; tiết giảm chi phí… Chủ động nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu từ Trung Quốc về nước bằng đường biển để giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Tích cực tìm kiếm nguồn nguyên liệu thiếu hụt thay thế nguồn cung từ Trung Quốc.

+ Trong thời gian sản xuất gặp khó khăn do dịch bệnh chủ động triển khai công tác bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, đào tạo tập huấn cho lao động, triển khai diễn tập ứng phó sự cố hóa chất (đối với doanh nghiệp sản xuất hóa chất)… để sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất khi khó khăn qua đi.

+ Chủ động nắm bắt tình hình thị trường để chủ động chuẩn bị nguyên nhiên vật liệu, vật tư, thiết bị đảm bảo sản xuất thường xuyên. Tổ chức tốt sản xuất, sẵn sàng chuẩn bị lực lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường khi phục hồi trở lại.

6. Phát triển ngành nông nghiệp

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương:

- Tập trung thúc đẩy sản xuất với mục tiêu: (1) Đẩy mạnh sản xuất đảm bảo hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đã giao, cung cấp đủ nông sản cho thị trường; (2) Tập trung, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, không để lây lan, đẩy mạnh tái đàn, giảm giá thịt lợn; (3) Chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho sản xuất và tiêu thụ nông sản khi hết dịch, các địa phương phải khai thác tiềm năng, thế mạnh để bứt phá.

- Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về giống, phân bón cho sản xuất vụ mùa đảm bảo hoàn thành kế hoạch. Chủ động đẩy nhanh thời vụ gieo cấy lúa, tăng vụ trên diện tích đất ruộng 1 vụ, ruộng 2 vụ. Tăng cường chỉ đạo mở rộng sản xuất các loại cây trồng khác đảm bảo đạt và vượt kế hoạch giao về diện tích, năng suất, sản lượng; áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, hữu cơ để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Mở rộng diện tích trồng rau xanh nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

- Đối với các sản phẩm hàng hóa tập trung (chuối, dứa, chè), chú trọng yếu tố thị trường, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường, chế biến. Trước mắt tạo điều kiện xây dựng nhà máy chế biến dứa, chuối tại huyện Mường Khương, xưởng chế biến nông sản tại Bát Xát; các nhà máy chế biến tinh dầu sả, quế... Tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân áp dụng các biện pháp trong sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nông sản như: phơi khô, sấy khô, chế biến tinh bột, đóng hộp,... để bảo quản, tích trữ.

- Ưu tiên phát triển các giống cây ăn quả đặc sản địa phương, cấp mã số vùng trồng; đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo phục tráng, phát triển cây ăn quả có năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch để phục vụ nội tiêu và xuất khẩu quả tươi cũng như đảm bảo nguyên liệu cho chế biến; tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến nông sản.

- Bảo vệ hiệu quả đàn vật nuôi, tái đàn lợn; ngăn chặn dịch cúm trên đàn gia cầm và các dịch, bệnh khác. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo vùng, đẩy mạnh tiến độ và quy mô tái đàn; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất để tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Phát triển đàn gia súc, gia cầm đảm bảo vượt 5% đến 6% so kế hoạch năm 2020 đã giao.

- Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác; triển khai hiệu quả Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tiếp tục xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, xác nhận sản phẩm an toàn và xúc tiến thị trường, quảng bá các sản phẩm an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn với người tiêu dùng. Thường xuyên cập nhật thông tin giá cả, thị trường; tạo điều kiện tốt nhất cho các công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ nông sản.

Cũng tại văn bản này, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đúng các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh... trong việc đẩy nhanh tiến độ thanh toán các nguồn vốn được giao, khẩn trương đưa nguồn vốn đầu tư công vào nền kinh tế, góp phần kích cầu nền kinh tế. Yêu cầu phấn đấu đến hết năm 2020, giải ngân 100% kế hoạch đã giao.

 

http://baolaocai.vn/kinh-te/tao-thuan-loi-cho-san-xuat-kinh-doanh-khoi-phuc-san-xuat-z3n20200505093328693.htm

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai: Đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông

3 tháng đầu năm 2024, Lào Cai đã triển khai đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) cho Nhân dân.

Văn Bàn chú trọng công tác quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên

Chiều 17/4, tại trụ sở Tỉnh ủy, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên về kết quả triển khai Nghị quyết đại hội Đảng...

Mường Hum tìm giải pháp tạo nguồn kết nạp đảng viên

Trong công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng. Đối với Đảng bộ xã Mường Hum, huyện Bát Xát, trước những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, nhiều giải pháp đang được thực hiện để đạt mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Lào Cai phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024

Cuộc thi được tổ chức nhằm góp phần hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách, khơi dậy niềm đam mê, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ Lào Cai, đặc biệt là phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Hiệu quả trong quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh

Thực hiện quy chế phối hợp trong bảo vệ rừng giữa tỉnh Lào Cai với các tỉnh giáp ranh đã góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.