Nét riêng Si Ma Cai, Lào Cai

Từ cao nguyên trắng Bắc Hà, ngược lên chưa đầy 30 km là đến với mảnh đất biên cương Si Ma Cai. Con đường như dải lụa vắt quanh triền núi đưa chúng ta đến vùng đất lưu dấu ngựa thần để khám phá những nét văn hóa rất riêng.

"Dập dìu sắc màu chợ phiên..."

Nét đặc trưng đầu tiên của Si Ma Cai đó là chợ phiên, chợ không chỉ là nơi trao đổi hàng hoá, mà còn có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Chợ phiên họp vào chủ nhật hằng tuần, bắt đầu từ sáng sớm cho đến tận chiều, là nơi diễn ra các hoạt động mua bán. Người đi chợ có khi chỉ mang 1 con gà, 1 con ngan, con lợn cắp nách, dắt theo sau là con chó hay ít lương thực, rau quả để bán, đôi khi cũng là vài ba cây mía, cái lồng chim… Những thiếu nữ Mông xuống chợ với xúng xính váy áo, cùng chiếc ô xòe rộng trên tay. Chợ phiên còn là dịp để phụ nữ Si Ma Cai có dịp khoe tài may vá, thêu thùa qua những sản phẩm thổ cẩm của mình. Sau khi bán hàng, họ mua những vật dụng cần thiết và thưởng thức các món ăn được bán ở chợ. Chợ là nơi trao tình bằng hữu, trao cái bắt tay rồi chạm chén bên nồi thắng cố dậy mùi và chia sẻ nỗi tâm giao.

Chiều xuống, khi hoàng hôn phủ lên sườn non màu tím của núi rừng, vẳng đâu đây tiếng mõ trâu về bản, ấy là lúc các chàng trai vắt mình trên lưng ngựa để nàng "rước về dinh". Đó là hình ảnh thường thấy sau mỗi buổi chợ phiên và có lẽ chỉ vùng cao mới có.

Hương vị ẩm thực vùng cao

Nếu như Bắc Hà nổi tiếng với đặc sản rượu Bản Phố, thì Si Ma Cai có rượu Mản Thẩn, Sín Chéng cũng được xếp hạng và có thương hiệu riêng. Rượu Si Ma Cai được nấu bởi kỹ thuật truyền thống bao đời của đồng bào Mông, tạo nên sự tinh túy nhất trong hương vị rượu ở đây. Đến với Si Ma Cai, ai cũng muốn được thưởng thức các món ăn được chế biến từ thịt gà đen, theo cách gọi của dân bản là gà "okê". Loại gà này rất dễ phân biệt bởi lông đen tuyền, toàn bộ da, thịt và xương đều đen, gà thường được nuôi thả tự nhiên trên các triền đồi nên thịt rất thơm ngon. Thịt lợn hun khói cũng là món đặc sản của vùng cao Si Ma Cai. Loại thịt này có thể dự trữ lâu ngày, được chế biến cùng với món dưa cải cay thì thật thú vị. Si Ma Cai còn hút lòng thực khách bởi các món ăn ngon mang đậm bản sắc dân tộc như xôi ngũ sắc, canh óc đậu…

Nhà tường trình bên sườn non

Đối với người Mông ở Si Ma Cai, nói đến kiến trúc cổ xưa thì nhà ở cũng là một nét văn hóa còn giữ nguyên giá trị, đó là nhà trình tường đất phù hợp với đặc điểm khí hậu và địa hình ở đây. Nhà trình tường của người Mông Si Ma Cai được làm rất công phu. Theo truyền thống, thì từ tháng 10 -11 âm lịch, sau khi thu hoạch mùa xong, đồng bào Mông bắt tay vào làm nhà. Nhà trình tường ở Si Ma Cai có kiến trúc độc đáo, cột được làm bằng gỗ, mái lợp ngói, tường làm bằng đất nên mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Khi công việc làm nhà bắt đầu thì cả thôn đến giúp hoặc làm đổi công, đây là thể hiện tinh thần đoàn kết và tính cố kết cộng đồng cao. Nhờ quy trình làm rất kỳ công nên nhà trình tường rất bền.  

Lễ hội truyền thống

Các dân tộc ở Si Ma Cai có nhiều lễ hội thể hiện được bản sắc riêng của dân tộc mình, như Gầu Tào, xuống đồng và cúng rừng. Trong đó, cúng rừng là lễ hội thể hiện ý thức tâm linh và ý thức tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên. Lễ cúng rừng đầu xuân là một trong những nghi lễ rất quan trọng nên đồng bào chuẩn bị chu đáo, cẩn thận. Theo nghi lễ, sau khi cúng xong, trong 3 ngày sau đó người dân không được động thổ, dùng dao, cuốc, xẻng đào đất hay chặt bất cứ thứ cây gì, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Suy nghĩ này xuất phát quan niệm thần rừng rất thiêng và sẽ phù hộ, che chở cho người có cái tâm trong sáng và biết bảo vệ thiên nhiên. Đến Si Ma Cai hôm nay, ngay giữa trung tâm huyện là khu rừng với các loại cây xanh có tên "Rừng Cấm", đây là nơi thường diễn ra các lễ hội cúng rừng đầu năm.

Người Mông Si Ma Cai còn có lễ hội Gầu Tào rất đặc trưng, thường tổ chức sau tết cổ truyền của dân tộc. Trong lễ hội thường có hát đối đáp nam nữ giao duyên, tỏ tình bằng hát ống, dùng khèn lá, đàn môi gọi nhau tâm sự. Trong các lễ hội này thường được các chàng trai thể hiện tinh thần thượng võ qua trò chơi võ đá. Lễ hội được tổ chức trên bãi sân rộng bằng phẳng tại các thôn, bản thu hút mọi người dân tham gia.

Tục cưới xin

Đám cưới ở đây theo tục lệ cổ truyền từ bao đời nay. Theo tục lệ kéo vợ của người Mông, sau 3 ngày kéo được vợ về thì đại diện gia đình nhà trai sang nhà cô gái xin cưới (nếu bố mẹ cô gái không tiếp thì đồng nghĩa với việc không đồng ý). Khi sang nhà gái, nhà trai đem theo một chai rượu, một gói thuốc lào và tự tay rót rượu, vê thuốc lào mời từng người trong gia đình cô gái. Lễ ăn hỏi thường được nhà gái yêu cầu gồm: Rượu và một đôi gà (một trống, một mái). Lễ cưới nhà trai chuẩn bị gồm: Tiền mặt (tùy từng gia đình), một con lợn, một chiếc ô. Đây là phong tục mang nét đặc trưng của dân tộc Mông ở Si Ma Cai còn được giữ đến ngày nay.

Ngày ngày qua đi, Si Ma Cai chuyển mình để bắt kịp với nhịp sống mới, nhưng con người và mảnh đất nơi đây vẫn còn giữ nguyên những nét văn hóa mang đậm sắc thái rất riêng của mình./.

(Theo dulichvn.org.vn)

Tin Liên Quan

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Người Tày xã bản Hồ giữ nghề truyền thông

Nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lào Cai: Bảo tồn lễ hội, phong tục tập quán xã hội tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch

Năm 2024, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu: Lập 03 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị ít nhất 01 lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024

Từ ngày 15/4 đến hết ngày 19/4/2024, Lào Cai phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai. Trong đó, ngày 15/4 là ngày phát động đồng bộ thực hiện mặc trang phục truyền thống các dân tộc trên phạm vi toàn tỉnh.

Nét đẹp văn hóa của chợ tình Sa Pa

Không chỉ có tiềm năng từ thiên nhiên ban tặng, Sa Pa còn giàu về văn hóa, lối sống, phong tục và con người. Điển hình trong đó không thể không nhắc đến chợ tình Sa Pa.