Hàng không tìm hướng "cất cánh" trở lại

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), chính phủ các nước trên thế giới đã cấp hơn 123 tỷ USD hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua khủng hoảng. Bản thân các hãng cũng nỗ lực cải thiện tình hình hoặc tìm hướng đi mới để có thể "cất cánh" trở lại.

Máy bay của Hãng hàng không Lufthansa (Ðức). Ảnh TRAVELWEEK

Nghành vận tải hàng không thế giới bị tê liệt trong bối cảnh hầu hết các quốc gia đóng cửa biên giới từ đầu tháng 3 vừa qua nhằm ngăn chặn đà lây lan của đại dịch Covid-19. Mặc dù không có số liệu chính xác về số công ty có nguy cơ phá sản, IATA cảnh báo, nhiều hãng hàng không có thể rơi vào tình trạng này nếu các chính phủ không phản ứng kịp thời và đúng mức, hoặc nếu tình hình không được cải thiện khi các tuyến bay nội địa được nối lại vào tháng 6 theo kế hoạch đề ra, và tháng 7 đối với các tuyến bay quốc tế. IATA dự báo, ngành hàng không chỉ có thể phục hồi như trước khủng hoảng vào năm 2023.

Hãng hàng không lớn nhất Mỹ la-tinh LATAM, công ty sáp nhập từ LAN của Chi-lê và TAM của Bra-xin đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ sau khi hoạt động kinh doanh của hãng sụt giảm mạnh. Tập đoàn hàng không LATAM và các chi nhánh tại Chi-lê, Pê-ru, Ê-cu-a-đo và Cô-lôm-bi-a đã bước vào tiến trình tái cơ cấu tự nguyện theo Ðiều khoản 11 bảo hộ phá sản tại Mỹ. Ðiều khoản này cho phép một doanh nghiệp không có khả năng thanh toán các khoản nợ được tái cơ cấu mà không phải chịu sức ép từ các chủ nợ. Trước đó, hãng hàng không của Cô-lôm-bi-a Avianca, hãng hàng không lớn thứ hai ở Mỹ la-tinh, cũng đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ để được tái cơ cấu khoản nợ do ảnh hưởng của đại dịch. Theo IATA, dự báo doanh thu của các hãng hàng không Mỹ la-tinh sẽ thiệt hại 15 tỷ USD.

Hãng hàng không lớn nhất của Nga Aeroflot cho biết, lượng hành khách trong tháng 4 vừa qua của hãng giảm tới 95% so cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ Nga đã công bố khoản hỗ trợ khẩn cấp khoảng 316 triệu USD cho các hãng hàng không của nước này đang chịu tác động của đại dịch. Theo Tổng thống Nga V.Pu-tin, khoản tiền hỗ trợ được trích từ quỹ dự trữ, nhưng chỉ khi chính phủ công bố sắc lệnh chính thức thì các hãng hàng không mới có thể nộp đơn xin hỗ trợ. Tại Nga, trong lĩnh vực giao thông thì ngành hàng không chịu thiệt hại nặng nề nhất. Số lượng các chuyến bay quốc tế đã giảm khoảng 90%, trong khi các chuyến bay nội địa cũng giảm khoảng 88%. Trong khi đó, Lufthansa, hãng hàng không lớn nhất châu Âu của Ðức, thông báo khoản lỗ 1,2 tỷ ơ-rô. Chính phủ Ðức đã đạt được nhất trí về những điều khoản cuối cùng trong gói cứu trợ dành cho hãng hàng không này. Thủ tướng Ðức và các bộ trưởng nhất trí mua lại 25% cổ phần của hãng, cũng như tiếp tục hỗ trợ thêm vốn. Lãnh đạo Lufthansa trước đó thừa nhận đang tiến hành đàm phán với Chính phủ Ðức về khoản cứu trợ chín tỷ ơ-rô nhằm bảo đảm cho hoạt động của hãng trong tương lai.

Nhiều hãng hàng không phải tìm hướng đi mới để tồn tại, đó là vận chuyển hàng hóa thay vì vận chuyển hành khách. Trong lịch sử hàng không, chưa bao giờ máy bay chỉ dùng để chở hàng như trong thời gian xảy ra dịch Covid-19. Khi hàng nghìn chuyến bay phải hủy thì vận chuyển hàng hóa cũng trở nên khó khăn và giá gửi hàng bằng đường hàng không tăng vọt khiến các hãng buộc phải nghĩ tới chuyển đổi tạm thời các khoang chở khách trống thành khoang chở hàng. Nhiều hãng hàng không ở Mỹ đã triển khai theo hướng này. Hãng American Airlines chưa bao giờ thiếu khách đến mức chỉ chở hàng trong suốt hơn 30 năm hoạt động, nhưng giờ cũng phải bay 140 chuyến chở hàng mỗi tuần. Hãng hàng không Lufthansa của Ðức cũng nắm bắt cơ hội và chuyển đổi dòng máy bay chở khách Airbus A330 sang chở hàng. Hồi tháng 4, hãng đã bay nhiều chuyến chở trang thiết bị y tế từ Trung Quốc tới Phranh-phuốc (Ðức).

https://nhandan.org.vn/tin-tuc-the-gioi/hang-khong-tim-huong-cat-canh-tro-lai-609373/

Theo Báo Nhân dân

Tin Liên Quan

Động lực thúc đẩy sự phát triển của EU

Liên minh châu Âu (EU) vừa nối lại các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Philippines, ký tuyên bố chung về quan hệ Ðối tác chiến lược toàn diện với Ai Cập và khởi động quá trình đàm phán nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ với Thụy Sĩ. Mở rộng mạng lưới thỏa thuận hợp tác với các nước góp...

Châu Phi tăng tốc số hóa

Tốc độ số hóa chậm chạp đang ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại một số nước châu Phi. Theo các chuyên gia, châu lục này cần nắm bắt những tiến bộ mới nhất trong công nghệ kỹ thuật số nhằm thúc đẩy phát triển. Tăng cường chuyển đổi số được coi như “chìa khóa” để khai thác...

Nga: Tổng thống tái đắc cử V. Putin nêu ưu tiên trong nhiệm kỳ mới

Theo hãng tin TASS, phát biểu tại trụ sở chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh đến những ưu tiên trong nhiệm kỳ mới sau khi ông giành được số phiếu ủng hộ cao nhất trong cuộc bầu cử tổng thống nước này.

Tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng rác thải

Sau một năm đàm phán, Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt thỏa thuận hạn chế rác thải bao bì trên toàn khối. Cùng với EU, nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực ngăn chặn những tác hại nghiêm trọng về y tế, môi trường và kinh tế mà núi rác thải khổng lồ có thể gây ra.

Tiếng nói đoàn kết từ Mỹ Latin và Caribe

Thúc đẩy tinh thần đoàn kết, hợp tác để chống đói nghèo và biến đổi khí hậu là trọng tâm chính của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC) vừa diễn ra tại Saint Vincent và Grenadines. Hội nghị là không gian đối thoại quan trọng, giúp củng cố mối quan hệ giữa các...

Nguy cơ khủng hoảng lương thực lan rộng nhiều nơi trên thế giới

Các tổ chức quốc tế cảnh báo khoảng 58,1 triệu người đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng ở vùng Sừng Lớn của châu Phi. Tuy nhiên, nỗi lo mất an ninh lương thực không chỉ hiện hữu ở châu Phi, mà còn là “bóng ma” ám ảnh nhiều nơi trên thế giới.