Động lực thúc đẩy nông dân các dân tộc Lào Cai

Trong 5 năm qua (2015 - 2020), phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới 100% cơ sở hội, chi hội và hội viên nông dân, từ đó có sức lôi cuốn, cổ vũ mạnh mẽ hội viên vươn lên trong lao động, sản xuất, giảm nghèo và làm giàu bền vững.

 

Người dân thu hái nấm hương.

Các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tổ chức gần 60.000 buổi tuyên truyền cho hơn 1,8 triệu lượt hội viên nông dân; 52 hội nghị đối thoại để các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trực tiếp trao đổi về kinh nghiệm, cách làm, cách quản lý với 4.000 lượt nông dân nghèo và cận nghèo. Hội đã tham mưu cho các cấp ủy đảng, phối hợp với chính quyền, các sở, ngành tổ chức 38 hội nghị đối thoại trực tiếp, giúp hơn 3.200 nghìn lượt hội viên tiếp cận các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh về khuyến khích, ưu đãi phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, hội đã phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh xây dựng hàng trăm phóng sự, hàng nghìn bài viết biểu dương tập thể, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu để nông dân toàn tỉnh học tập kinh nghiệm. Hoạt động tuyên truyền đã hỗ trợ hội viên thay đổi nhận thức và hành vi, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư theo khẩu hiệu: “Tự thân vận động, phát huy mọi khả năng hiện có của gia đình, liên kết giúp nhau làm giàu và đoàn kết xây dựng nông thôn mới”.

Các cấp hội đã phối hợp và đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay, thành lập và duy trì hoạt động 1.148 tổ liên kết vay vốn, tổ tiết kiệm và vay vốn cho 31.100 hộ nông dân vay với tổng dư nợ 1.322 tỷ đồng. Hội Nông dân tỉnh cho vay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được 26 tỷ đồng, triển khai 28 dự án, mô hình sản xuất hiệu quả, giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động nông thôn. Các nguồn vốn nêu trên đã đáp ứng được nhu cầu của hội viên để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa.

Bám sát nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, hội nông dân các cấp đã chủ động tham gia thực hiện Đề án “Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp” với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể ở từng hội cơ sở. Trong 5 năm qua, sản lượng các loại nông sản đều tăng. Nổi bật nhất là năm 2019, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 340.000 tấn, tăng 58.200 tấn so với năm 2015. Các vùng sản xuất cây trồng và vật nuôi theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao cũng dần hình thành.

Nông dân xã Cốc San, thành phố Lào Cai chăm sóc dưa.

Hội cũng tích cực vận động và tổ chức cho hội viên đưa tiến bộ kỹ thuật, cây giống, con giống mới… vào sản xuất; hưởng ứng phát triển sản xuất định hướng theo vùng, theo mô hình tổ, nhóm, tổ hợp tác, kinh tế trang trại, gia trại và tham gia chuỗi giá trị bằng cách liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã; hướng dẫn thành lập 152 mô hình tổ hội nghề nghiệp liên kết trong sản xuất. Giá trị sản xuất đã đạt 80 triệu đồng/ha (tăng 1,6 lần so với năm 2015), nâng tỷ lệ tán che phủ rừng lên 56% (tăng 2,7% so với năm 2015)… Nông nghiệp Lào Cai có thêm nhiều sản phẩm mới với giá trị kinh tế và khả năng tiêu thụ cao, cải thiện  đời sống cho nông dân.

Quá trình triển khai phong trào thi đua gắn liền với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nên có thuận lợi là sự cải thiện không ngừng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là giao thông và hệ thống thủy lợi, giúp nông dân mở rộng sản xuất, mua vật tư và tiêu thụ nông sản.

Tại thời điểm cuối năm 2019, toàn tỉnh có 15.793 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 521 hộ so với năm 2015, chiếm 12,74% tổng số hộ nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, có 51 hộ có thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng/năm; 194 hộ có thu nhập từ 800 triệu đồng trở lên; 12.801 hộ có thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm trở lên. Toàn tỉnh có gần 360 trang trại do hộ sản xuất giỏi làm chủ.

Là tỉnh vùng cao biên giới có trên 75% dân số là nông dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 66,2%, phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tác động mạnh đến suy nghĩ và hành động của nông dân. Đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi như: bà Hoàng Thị Chắp (xã Cốc San, thành phố Lào Cai), ông Nguyễn Văn Thính (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng), ông Nông Văn Lương (xã Tả Van, thị xã Sa Pa)… cùng hàng nghìn hộ nông dân tiêu biểu khác đã góp phần tạo đột phá về cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn, đưa thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 80 triệu đồng/năm, tăng 35 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và đến cuối năm 2019 còn 11,46%, tương đương 19.708 hộ.

Trong triển khai thực hiện phong trào thi đua, Hội Nông dân tỉnh luôn xác định “cán bộ nào phong trào ấy”, đội ngũ cán bộ phải đủ tiêu chuẩn, có trình độ, kỹ năng chắc và quan trọng là hết lòng với công tác hội, có uy tín với cộng đồng, khả năng đổi mới phương pháp vận động, tuyên truyền. Phong trào phát triển tốt đã tác động mạnh đến xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện, nâng số hội viên toàn tỉnh lên 99.677 người.

Kết quả thắng lợi của phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 5 năm qua đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện vượt mức nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra, đồng thời giúp tổ chức hội khẳng định vị thế. Đón nhận nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội quán triệt, xây dựng thành chương trình cụ thể của từng cấp, đưa nghị quyết vào nội dung phong trào thi đua gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững của tỉnh, mục tiêu là phát triển sản xuất bền vững và không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên và nông dân nói chung, khẳng định nông dân tiếp tục là lực lượng quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh dẫn đầu trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Để tiếp tục đồng hành với nông dân giảm nghèo, làm giàu bền vững, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương, các tổ chức kinh tế - xã hội hỗ trợ nhiều nhất cho hội viên nông dân. Chủ động phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh tham mưu, đề xuất ban hành, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất. Chú trọng tuyên truyền, vận động thực hiện theo chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh; vận động và tổ chức hội viên tham gia ứng dụng công nghệ cao, phát huy các lợi thế về tự nhiên và lao động để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có giá trị kinh tế cao. Xây dựng tổ chức hội vững mạnh và đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất để tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào trong giai đoạn mới với đòi hỏi cao hơn.

Theo Đinh Minh Hà/baolaocai.vn (http://baolaocai.vn/kinh-te/dong-luc-thuc-day-nong-dan-cac-dan-toc-lao-cai-z3n20200721080241716.htm)

Tin Liên Quan

Lào Cai: Đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông

3 tháng đầu năm 2024, Lào Cai đã triển khai đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) cho Nhân dân.

Văn Bàn chú trọng công tác quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên

Chiều 17/4, tại trụ sở Tỉnh ủy, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên về kết quả triển khai Nghị quyết đại hội Đảng...

Mường Hum tìm giải pháp tạo nguồn kết nạp đảng viên

Trong công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng. Đối với Đảng bộ xã Mường Hum, huyện Bát Xát, trước những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, nhiều giải pháp đang được thực hiện để đạt mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Lào Cai phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024

Cuộc thi được tổ chức nhằm góp phần hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách, khơi dậy niềm đam mê, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ Lào Cai, đặc biệt là phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Hiệu quả trong quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh

Thực hiện quy chế phối hợp trong bảo vệ rừng giữa tỉnh Lào Cai với các tỉnh giáp ranh đã góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.