Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản 2013

Ngày 5/9, tại Hà Nội, đã diễn ra "Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản 2013". Đây là sự kiện trọng điểm hướng tới kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2013).
Sự kiện này do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Thời báo Kinh tế Nhật Bản - Nikkei Business Publications (Nikkei BP) phối hợp tổ chức, cùng sự hỗ trợ từ Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)

 

 

Đại diện hai nước tham gia đối thoại tại Diễn đàn (Ảnh: K.D)

 

Tham dự Diễn đàn có đồng chí Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI và ông Arata Takebe - đại diện lãnh đạo Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt của Quốc hội Nhật Bản. 

 

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản nhấn mạnh: Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản có bước phát triển sâu rộng, toàn diện. Nhật Bản hiện là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời là đối tác thương mại song phương lớn thứ 3 tại Việt Nam với kim ngạch năm 2012 đạt 25 tỉ USD. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế Việt Nam – Nhật Bản vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, vì vậy, hai bên cần khai thác để có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau.

 

Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được hình thành từ rất lâu đời, qua 40 năm (1973-2013) quan hệ ngoại giao chính thức được thiết lập, Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam và là thị trường thu hút khách du lịch hàng đầu từ Việt Nam. Trong những năm qua, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng Nhật Bản vẫn là nước có nhiều viện trợ và đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư của Nhật Bản không chỉ dẫn đầu về số lượng mà còn dẫn đầu về chất lượng và hiệu quả. Đặc biệt, tiềm năng của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam còn rất lớn vì Nhật Bản đang trong quá trình chuyển dịch đầu tư và Việt Nam tiếp tục được đánh giá là thị trường tiềm năng.

 

Cụ thể, trong năm 2011, có 234 dự án đầu tư mới của Nhật Bản được cấp phép tại Việt Nam, năm 2012, con số đó lên tới 317. Trong năm 2011, các dự án FDI của Nhật Bản chiếm 25% tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Năm 2012, con số đó tăng lên gấp đôi. Nhật Bản cũng là quốc gia cung cấp nguồn vốn ODA nhiều nhất cho Việt Nam với hơn 70% nguồn vốn ODA Nhật Bản được sử dụng cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông hay nhà máy điện. Việc Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam còn góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho thị trường trong nước, ví dụ, hơn 100 công ty sản xuất của Nhật Bản tại Khu công nghiệp Thăng Long đã giúp tạo công ăn việc làm cho hơn 60.000 người dân địa phương – ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

 

 

Diễn đàn thu hút trên 400 đại diện doanh nghiệp tham dự (Ảnh: K.D)

 

Ông Yasuaki Tanizaki - Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng: Trong mối quan hệ hợp tác kinh tế, hợp tác thông qua đầu tư là một trong những yếu tố chủ chốt nhằm tăng cường, thắt chặt mối quan hệ kinh tế nói chung. Là một quốc gia công nghiệp hoá với khả năng về tài chính và thế mạnh công nghệ, Nhật Bản luôn tìm kiếm các cơ hội đầu tư quốc tế. Với nguồn đầu tư từ Nhật Bản ngày càng được tăng cường, Việt Nam sẽ được tiếp sức để phát triển mạnh mẽ hơn, cuộc sống của người dân Việt Nam có thể được củng cố tốt hơn.

 

Ông Daisuke Hiratsuka, Phó Chủ tịch thường trực Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) chia sẻ: Tôi tin tưởng rằng sau diễn đàn này cùng với sự chuyển dịch của Nhật Bản thì hai nước sẽ có bước phát triển mới. Những thông điệp mạnh mẽ tại Diễn đàn về tình hình kinh tế của Việt Nam, cải thiện môi trường đầu tư, tái cấu trúc tài chính, ngân hàng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tìm ra giải pháp trong từng lĩnh vực cụ thể… sẽ tạo mối quan hệ kinh tế mới giữa hai quốc gia.

 

Cũng tại Diễn đàn đã diễn ra phiên đối thoại với nội dung: Tái cấu trúc nền kinh tế ở Việt Nam và cơ hội tăng cường nguồn vốn FDI từ Nhật Bản. Tại phiên đối thoại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây, tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Số dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam năm 2012 là 317 dự án, ghi nhận kỷ lục cao nhất trong 2 năm liên tiếp (năm 2011 là 234 dự án). Ông Vinh cũng nêu ra 3 vấn đề Việt Nam cần phải quan tâm, gồm: Một là, cải cách về thể chế; hai là, xây dựng hệ thống khung pháp luật để tạo sức bật cho nền kinh tế Việt Nam; ba là, cần xây dựng hạ tầng giao thông đô thị tốt để thu hút đầu tư.

 

Ở khía cạnh khác, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho rằng, trong hai năm vừa qua, hệ thống ngân hàng Nhà nước đã đạt được những kết quả nhất định như: Chỉ đạo, xử lý 8 ngân hàng yếu kém; cổ phần hóa 4 ngân hàng quốc doanh lớn... Từ nay đến năm 2015 sẽ xử lý dứt điểm những tổ chức tín dụng yếu kém. Đồng thời, cho phép các ngân hàng nước ngoài đầu tư vào các ngân hàng cổ phần Việt Nam, trong đó khuyến khích các ngân hàng Nhật Bản và từng bước tạo lập môi trường an toàn trong hệ thống ngân hàng – Thống đốc khẳng định./.

(theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Sự kiện “Tuần Văn hoá – Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Từ ngày 27/4 - 3/5, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức “Tuần Văn hóa - Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024.

Phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1005/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu: Quân và dân Khu Tây Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Tây Bắc là địa bàn chiến lược cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng an ninh. Nhân dân Tây Bắc có truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường. Khu Tây Bắc được thành lập ngày 17/7/1952, gồm bốn tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, với diện tích 44.300 km2, dân số 440 nghìn người.

Thủ tướng dự gặp mặt, tri ân những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Sáng 17/4, tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự cuộc gặp mặt, tri ân đầy ý nghĩa và xúc động với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Bài học đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại lịch sử, tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân cả nước; biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; đồng...

Viettel khai trương Trung tâm dữ liệu có công suất tiêu thụ điện 30MW

Đây là Trung tâm dữ liệu (DC) thứ 14 của Viettel và là DC đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế công suất cao, với 60.000 máy chủ, 2.400 rack, 21.000m2 mặt sàn, tổng công suất điện 30MW.