WHO, UNESCO và UNICEF họp bàn biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ tại trường học

Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 15-9 đã tổ chức họp báo trực tuyến về vấn đề mở cửa lại trường học trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan trên toàn cầu.

Giáo viên đeo khẩu trang khi giảng giải về chủng virus corona mới tại một lớp học ở Berlin, Đức. (Ảnh: Getty Images)

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, kể từ khi đại dịch bùng phát, việc tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của Covid-19 đối với trẻ em luôn là vấn đề ưu tiên.

“Sau chín tháng thế giới đối mặt với đại dịch Covid-19, dù vẫn còn nhiều câu hỏi nhưng chúng ta đang bắt đầu có một bức tranh rõ ràng hơn. Chúng ta biết rằng trẻ em và thanh niên có thể bị lây bệnh và truyền bệnh sang người khác. Chúng ta biết rằng, virus (SARS-CoV-2) có thể cướp đi tính mạng của trẻ em, nhưng trẻ nhỏ có xu hướng mắc bệnh dạng nhẹ hơn và có rất ít ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19 là trẻ em, thanh niên”, ông Ghebreyesus nói.

Số liệu thống kê cho thấy, chưa đến 10% số ca bệnh được báo cáo vào 0,2% số ca tử vong là người dưới 20 tuổi. Song ông Ghebreyesus cho rằng, cần nghiên cứu thêm các yếu tố làm tăng nguy cơ gây ra các ca bệnh nặng và tử vong ở trẻ nhỏ và thanh niên. Người đứng đầu WHO lưu ý, những ảnh hưởng lâu dài mà Covid-19 gây ra đối với cơ thể người vẫn còn là ẩn số. 

Trường học là một phần của cộng đồng. Trên thực tế, trường học kết nối các cộng đồng. Các biện pháp nhằm làm giảm nguy cơ lây lan Covid-19 trong cộng đồng cũng sẽ làm giảm nguy cơ này trong trường học. Tổng Giám đốc WHO kêu gọi: “Bảo đảm an toàn cho trẻ em tại trường học không chỉ là công việc của riêng nhà trường, chính phủ hay gia đình. Đó là công việc của tất của chúng ta, chúng ta phải cùng nhau hành động”. Ông cho rằng, việc kết hợp đúng đắn các biện pháp có thể giúp trẻ em được an toàn.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho rằng, các quốc gia có thể mở lại trường học một cách an toàn với các quy định mới. Theo bà, việc này đòi hỏi phải “xem xét lại vai trò và công tác giảng dạy của giáo viên”. Bà Azoulay nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là giáo dục và y tế cần phối hợp chặt chẽ để bảo đảm vấn đề ưu tiên là mở cửa trường học một cách an toàn.

“Khi chúng ta giải quyết vấn đề giáo dục, quyết định chúng ta đưa ra hôm nay sẽ ảnh hưởng đến thế giới ngày mai”, Tổng Giám đốc UNESCO cho biết.

Tại cuộc họp báo, Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho rằng, thực trạng hoạt động của trường học bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra “tình trạng khẩn cấp giáo dục toàn cầu”, có thể khiến 24 triệu trẻ em phải bỏ học. 

Trong giai đoạn cao điểm của đại dịch, 192 quốc gia đã đóng cửa trường học, 1,6 tỷ học sinh không thể tham gia các lớp học trực tiếp. Đến nay, hơn 870 triệu học sinh, tương đương 50% số học sinh, sinh viên trên thế giới, vẫn chưa thể quay lại trường học. 

Bà Fore nêu số liệu, hơn 460 triệu học sinh trên toàn cầu không thể truy cập internet, sử dụng máy tính hoặc thiết bị di động để học trực tuyến trong lúc trường học phải đóng cửa.

“Nghỉ học càng lâu, trẻ càng có ít cơ hội quay lại trường học. Đó là lý do chúng tôi luôn hối thúc các chính phủ ưu tiên mở cửa trở lại trường học khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ”, bà Fore nói. Giám đốc điều hành UNICEF nhấn mạnh, ngoài giáo dục, các trường học trên thế giới còn cung cấp cho các em học sinh nguồn dinh dưỡng và cơ hội được tiêm phòng.  

Trước đó, ngày 14-9, UNESCO, UNICEF và WHO đã cùng công bố tài liệu gồm 10 trang, hướng dẫn các chính phủ mở cửa trở lại và điều hành trường học trong bối cảnh đại dịch tiếp diễn. 

Tài liệu này hướng dẫn chi tiết hàng loạt biện pháp mà các cộng đồng, trường học, lớp học và cá nhân nên cân nhắc khi quyết định có mở lại trường học hay đến trường hay không. Trong đó, có một số biện pháp chính sách như động viên học sinh ở nhà nếu các em cho rằng mình đã tiếp xúc với virus SARS-CoV-2, khuyến khích trường học bảo đảm lớp học trong nhà có hệ thống thông gió phù hợp.

https://nhandan.org.vn/tin-tuc-the-gioi/who-unesco-va-unicef-hop-ban-bien-phap-bao-dam-an-toan-cho-tre-tai-truong-hoc-616949/

Theo Báo Nhân dân

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...