Niềm vui nông thôn mới

Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm kể từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, dù còn khó khăn nhưng Lào Cai đã gặt hái được nhiều thành công, diện mạo vùng cao, vùng nông thôn ngày càng khởi sắc.

Nông thôn mới giúp vùng cao Tả Phời – Hợp Thành (thành phố Lào Cai) ngày phát triển.

 

Đổi thay diện mạo nông thôn

Đưa chúng tôi đi tham quan thôn Xuân Tư, xã Gia Phú (Bảo Thắng) vào một ngày nắng đẹp, ông Phan Thanh Cảnh, Trưởng thôn giới thiệu: Trước đây, tuyến đường liên thôn là đường đất ngoằn ngoèo, người dân qua lại vất vả vì mưa lầy, nắng bụi. Khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân trong thôn đã đồng lòng hiến hơn 2.000 m2 đất và đóng góp tiền, ngày công với tổng trị giá khoảng 240 triệu đồng để bê tông tuyến đường dài 2,4 km.

 

Con đường vào thôn Xuân Tư, xã Gia Phú (Bảo Thắng) được bê tông hóa góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Tuyến đường được đổ bê tông ở thôn Xuân Tư đã nâng tổng số km đường được bê tông hóa của xã Gia Phú lên 42 km, góp phần giúp xã đạt tiêu chí giao thông và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 7/2020.

Ngoài Xuân Tư, nhiều tuyến đường ở các thôn, bản vùng cao của tỉnh cũng đã và đang được bê tông hóa hoặc mở rộng mặt đường, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Đến nay, 100% xã trong tỉnh đã có đường nhựa, đường bê tông đến trung tâm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Không chỉ những con đường được kiên cố hóa, nhiều phòng học, trường học, nhà văn hóa… cũng được xây dựng mới, sửa sang rộng rãi, khang trang.

 

 

Người dân thôn Khe Bá, xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) vệ sinh đường làng.

Nhà văn hóa thôn Tỉn Thàng, xã La Pan Tẩn (Mường Khương) là một trong những công trình mang ý nghĩa lớn đối với người dân địa phương. Ngay sau khi được cán bộ thôn tuyên truyền, vận động, cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, 100% hộ trong thôn đã thống nhất ủng hộ mỗi hộ 2 triệu đồng và ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa thôn có tổng trị giá hơn 300 triệu đồng…

Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa đặc trưng của Lào Cai, tạo nên nhiều vùng quê trù phú. Người dân trong tỉnh đã tận dụng và phát huy lợi thế về khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng của từng vùng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, như vùng trồng quế ở xã Nậm Đét (Bắc Hà); vùng trồng cây ăn quả ôn đới ở xã Lùng Thẩn (Si Ma Cai); vùng trồng quýt ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, thị trấn Mường Khương (Mường Khương); vùng trồng các loại cây dược liệu ở Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Thái Niên, Phong Hải, Gia Phú (Bảo Thắng)… Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông lâm - nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh được phát triển; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng mở rộng; Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” cũng được triển khai mạnh mẽ. Đến nay, tỉnh đã công nhận 51 sản phẩm đạt chuẩn OCOP... góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân khu vực nông thôn.

Góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ngay từ khi triển khai đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận và tham gia nhiệt tình của các cấp, các ngành và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong công tác xã hội hóa thực hiện các công trình công cộng.

Gia đình ông Triệu Kim Thọ ở thôn Khe Bá, xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) là một trong những hộ đi đầu trong việc hiến đất làm đường giao thông cho thôn (tính đến nay, gia đình ông đã hiến hơn 500 m2 đất đồi và đất vườn). Ông Triệu Kim Thọ bộc bạch: Đường được đổ bê tông thì có lợi cho tất cả mọi người, trong đó có gia đình tôi nên vì lợi ích chung, tôi sẵn sàng ủng hộ. Trong thời gian tới, nếu thôn cần hiến thêm đất để làm đường hoặc xây dựng các công trình công cộng, tôi vẫn sẵn lòng ủng hộ.

Gia đình ông Triệu Kim Thọ chỉ là một trong số hàng nghìn gia đình nông dân trên địa bàn tỉnh tích cực hiến đất làm các công trình công cộng, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, cùng với một phần hỗ trợ từ Nhà nước, tỉnh đã huy động được nhiều nguồn trong Nhân dân. Hơn 10 năm qua, tổng nguồn lực huy động từ các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư của tỉnh đạt hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó cộng đồng dân cư ủng hộ hơn 900 tỷ đồng (gồm tiền, vật liệu và ngày công lao động).

 

Mô hình nuôi lợn sinh sản của anh Đinh Văn Hùng, thôn Cốc Sâm 1, xã Phong Niên (Bảo Thắng).

Gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh còn tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua khác, như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Phong trào “5 không 3 sạch”; Phong trào “Giữ gìn an ninh trật tự nông thôn”; Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu”… Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh có 51/127 xã duy trì đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến hết năm 2020, tỉnh có 54/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

“Để có kết quả này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo phương châm: Dễ làm trước, khó làm sau; nơi nào được sự đồng thuận cao của Nhân dân làm trước; không đầu tư dàn trải, triển khai các nội dung, công việc theo thứ tự ưu tiên và huy động mọi nguồn lực từ xã hội hóa... Trong triển khai thực hiện, các địa phương đã tạo được khối đại đoàn kết toàn dân để chung tay xây dựng nông thôn mới”, ông Bùi Công Khanh, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Lào Cai cho biết.

http://baolaocai.vn/bai-viet/9124/nim-vui-nng-thn-mi

Theo Báo Lào Cai

Tin Liên Quan

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 10,77% trở lên đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh

Đó là mục tiêu được tỉnh Lào Cai đặt ra đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh trong năm 2024.

3 dự án về nông nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư

Quý I/2024, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 3 dự án về nông nghiệp.

Lào Cai phát triển vùng nguyên liệu chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới

Năm 2024, tỉnh Lào Cai tiếp tục tập trung nguồn lực nhằm xây dựng ổn định và nâng cao chất lượng vùng cây ăn quả ôn đới gắn với sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông nghiệp. Tăng cường quảng bá phát triển mở rộng các mô hình sản xuất gắn với du lịch nông nghiệp, phục vụ nhu cầu du khách góp phần...

Triển khai công bố hiện trạng rừng tỉnh Lào Cai năm 2023

Để đảm bảo số liệu hiện trạng rừng phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp và công tác kiểm tra, giám sát ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 1522/UBND-NLN chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương triển khai một số nội dung về công bố hiện trạng rừng tỉnh...

Tích cực chuyển đổi cây trồng trên đất sản xuất kém hiệu quả

Thời gian qua, nông dân các địa phương trong tỉnh tích cực chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây trồng chủ lực, tiềm năng, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và giá trị sản xuất nông nghiệp.

Lào Cai thúc đẩy khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Nhằm thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ hỗ trợ triển khai một số mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vùng đồng bào đồng bào dân tộc...