Sản phẩm OCOP Lào Cai vươn ra thế giới

Trong số hơn 50 sản phẩm OCOP, sản phẩm chè Shan hữu cơ Bản Liền, Bắc Hà là sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao duy nhất của tỉnh Lào Cai. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên của địa phương đạt các tiêu chuẩn để xuất khẩu vào Châu Âu, Châu Mỹ.

Xã Bản Liền cách trung tâm huyện Bắc Hà gần 30 km, xung quanh được bao bọc bởi núi non hùng vĩ. Thiên nhiên không chỉ ban tặng cho nơi này cảnh quan  tươi đẹp, khí hậu mát mẻ mà thổ nhưỡng còn vô cùng thích hợp để phát triển một loại cây “đặc sản” cho giá trị kinh tế cao.

Bản Liền nổi tiếng là xứ sở của chè tuyết Shan cổ thụ. Chính người dân nơi đây cũng không biết những đồi chè cổ thụ này có từ bao giờ. Nhà nào cũng có vài ba cây chè từ đời cha ông để lại. Đồi chè cổ thụ ở đây phát triển thuận tự nhiên, cứ xanh tốt quanh năm, hấp thụ những tinh túy của đất trời để tạo nên vị trà Shan đậm đà, không lẫn vào đâu được. Nước trà tuyết Shan Bản Liền có màu xanh mát, mới uống có vị chát mà uống xong lại thấy vị ngọt.

Huyện Bắc Hà đã sớm nhận ra giá trị quý giá từ đồi chè cổ thụ nên thành lập Hợp tác xã Chè Bản Liền. Từ đây, Hợp tác xã đã tập hợp người dân cùng tham gia chăm sóc và thu hoạch. Quy trình chăm sóc, thu hái và chế biến, người dân phải tuân thủ đầy đủ 25 tiêu chuẩn ngặt nghèo do các tổ chức quốc tế quy định.

Nhờ đó, Chè Bản Liền đã đạt Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu; tiêu chuẩn Canada và Mỹ; Chứng nhận Chè hữu cơ thương mại bình đẳng... Đạt được những tiêu chuẩn trên, sản phẩm chè Shan hữu cơ Bản Liền như có được tấm “visa” để vươn ra thế giới. 

Sản phẩm chè Shan cổ thụ Bắc Hà tham gia Hội chợ nông nghiệp các sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc.

Cây chè đã giúp người dân thoát nghèo, nhiều hộ đã có thu nhập từ 100 - 250 triệu đồng/năm. Ước một năm, người dân trong xã có thể thu khoảng 16 tỷ đồng từ bán chè búp tươi. Chính vì vậy, hơn 300 hộ tham gia sản xuất chè đều tự giác tuân thủ các quy định về trồng, chăm sóc và thu hái, chế biến chè, luôn ý thức giữ gìn thương hiệu chè Bản Liền.

Mỗi năm, hợp tác xã thu mua khoảng 400 tấn chè búp tươi của bà con. Sau đó, chế biến thành các sản phẩm hồng trà, trà sấy, trà đen, trà trắng, trà bánh… xuất khẩu khoảng 100 tấn khô sang 10 nước châu Âu, châu Mỹ./.  

Thu Hiền

Tin Liên Quan

Đặc sản Lào Cai tại Lễ hội đền Thượng năm 2024

Lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, địa lý đã giúp Lào Cai sở hữu nhiều sản phẩm nông sản chất lượng, hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Đến với Lễ hội đền Thượng năm 2024, du khách có cơ hội được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng do chính tay đồng bào các dân tộc Lào Cai tạo ra.

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn từ OCOP

Sau 6 năm triển khai, Chương trình OCOP đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bát Xát chú trọng phát triển sản phẩm OCOP theo hướng bền vững

Trong 163 sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai thì huyện Bát Xát có 12 sản phẩm. Đến nay, 12/12 sản phẩm đã được giới thiệu lên Sàn Thương mại điện tử của tỉnh và trong nước.

Sản phẩm OCOP Lào Cai trưng bày tại Chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2023”

Chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2023” diễn ra từ ngày 21 đến 24/12, tại Nhà thi đấu Phú Thọ (Thành phố Hồ Chí Minh), do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, với sự tham gia của 42 tỉnh, thành phố trong cả nước, quy mô 700 gian hàng.

Lào Cai có 184 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên

Tính đến hết năm 2023, tỉnh Lào Cai có 184 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 13 sản phẩm 4 sao và 171 sản phẩm 3 sao.

HỘI CHỢ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VIỆT - TRUNG (LÀO CAI) LẦN THỨ 23, NĂM 2023: Mãn nhãn với sản phẩm OCOP của Lào Cai

Hàng chục sản phẩm OCOP từ các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Lào Cai đang được giới thiệu, bán tại Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 23, năm 2023 thu hút đông khách hàng tìm đến mua.