Châu Á - Thái Bình Dương lên ngôi

Ngày 4/1/2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Mỹ sẽ chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu từ Châu Âu - Đại Tây Dương tới Châu Á -Thái Bình Dương. Tiếp đó là hàng loạt hoạt động ngoại giao và quân sự của Mỹ và nhiều nước khác hướng tới khu vực này. Chiến lược tái cân bằng lực lượng của Mỹ.

Mỹ đã có nhiều hoạt động nhằm tăng cường quan hệ liên minh quân sự với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippin và Thái Lan, trong đó, liên minh Mỹ-Nhật Bản là cốt lõi của cả hệ thống an ninh trong khu vực.

Mỹ bố trí lại lực lượng quân sự ở Nhật Bản, mở thêm căn cứ quân sự ở Australia, tăng các cuộc diễn tập quân sự phối hợp với các đồng minh và đối tác trong khu vực, như cuộc diễn tập mang tên “Rắn hổ mang vàng” lần thứ 30 ở tỉnh Chiềng Mai, đông bắc Thái Lan tháng 2/2012; cuộc diễn tập phối hợp giữa không quân Mỹ, Nhật Bản, Australia trên đảo Guam tháng 2/2012; cuộc tập trận Mỹ - Indonesia tại phía Nam Biển Đông đầu tháng 7/2012; cuộc tập trận Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc trên vùng biển về phía Nam bán đảo Triều Tiên tháng 6/2012; cuộc tập trận Mỹ - Hàn Quốc tháng 6/2012.
 

Châu Á - Thái Bình Dương lên ngôi

Đặc biệt, Mỹ diễn tập hải quân có quy mô lớn nhất thế giới ở Châu Á-Thái Bình Dương mang tên “RIMPAC-2012” (Rim of the Pacific Exercise) tại vùng biển Hawaii dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ từ ngày 29/6 tới 3/8/2012. Tham gia cuộc tập trận Hải quân lớn nhất thế giới này có Hải quân 22 quốc gia, 42 tàu chiến, hơn 200 máy bay và khoảng 25 ngàn binh sĩ.

Tại RIMPAC-2012, lần đầu tiên Nga và Ấn Độ tham gia. Nga điều tới đây chiến hạm chống tàu ngầm mang tên “Đô đốc Panteleev” và 2 tàu bảo đảm hậu cần. Còn Trung Quốc là cường quốc nằm trên vành đai Thái Bình Dương lại không được mời tham gia. RIMPAC-2012 là cơ hội cho hải quân các nước thử nghiệm và “trình làng” các công nghệ quân sự mới. Đây cũng là dịp để Hải quân Mỹ giới thiệu với các nước tham gia về công nghệ sử dụng nhiên liệu sinh học trên các chiến hạm, công nghệ truyền thông tin bằng “lade-xanh". Nếu thành công, công nghệ “lade-xanh" sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả liên lạc truyền thông giữa tàu ngầm và các tàu nổi mà còn đem lại khả năng điều khiển từ xa hiệu quả hơn đối với các vũ khí trang bị của hải quân.

Với lý do đối phó với “mối đe doạ tên lửa hạt nhân” từ phía Triều Tiên, Mỹ xúc tiến xây dựng lá chắn tên lửa ở Đông Á. Theo dự kiến, “lá chắn tên lửa” của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương sẽ bao gồm hệ thống thứ nhất liên kết Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc và hệ thống thứ hai kết nối Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Mỹ cũng tăng cường tham gia các diễn đàn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và thực hiện các chuyến ngoại giao con thoi để tăng ảnh hưởng ở Châu Á-Thái Bình Dương, trước hết là tại các tổ chức và diễn đàn ở khu vực như Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement), ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) v.v.. để can dự ngày càng sâu hơn vào khu vực này.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 11/2012 ở Phnom Penh, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tham dự Diễn đàn cấp cao Đông Á và cuộc gặp nhóm các nước tham gia TPP trong đó có Mỹ và một số thành viên ASEAN, cho thấy Mỹ đặc biệt coi trọng TPP trong việc phát triển lợi ích kinh tế ở Châu Á-Thái Bình Dương.
 

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tham dự Diễn đàn cấp cao Đông Á


Nhân dịp này, Tổng thống Barack Obama thăm chính thức 3 nước Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới Myanmar. Cùng lúc, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu kéo dài gần một thập kỷ qua đối với hàng hóa từ Myanmar. Theo đó, Mỹ sẽ mở cửa đối với hầu hết các sản phẩm của Myanmar, ngoại trừ đá quý - vốn bị coi là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tham nhũng và bạo lực ở nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton cũng thăm nhiều nước trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tới Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand, Việt Nam và Ấn Độ, còn Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton tới 5 quốc gia CA-TBD, trong đó có Indonesia và Trung Quốc.

Tại Đối thoại chiến lược Sanggri-La năm 2012 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thông báo, tới năm 2020, Hải quân Mỹ điều chỉnh tương quan lực lượng hải quân bố trí tại Thái Bình Dương và Đại Tây Dương từ tỷ lệ 50-50 sang tỷ lệ 60-40, ưu tiên cho khu vực Thái Bình Dương. Mỹ “cài đặt lại” quan hệ với một số nước trong khu vực như Ấn Độ, New Zealand, đặc biệt là với Myanmar và một số quốc gia khác, nhằm tạo dựng không gian chiến lược cho Mỹ phát huy ảnh hưởng và cơ động triển khai lực lượng khi cần thiết.

Nga quan tâm hơn tới Châu Á-Thái Bình Dương

Ngày 7/5/2012, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Nga V.Putin ký sắc lệnh "Về các biện pháp thực hiện chính sách đối ngoại của Liên bang Nga", trong đó có sự điều chỉnh chiến lược hướng tới Châu Á-Thái Bình Dương. Đó là, tham gia các quá trình liên kết khu vực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội tại các khu vực Đông Siberia và Viễn Đông; đề xuất các sáng kiến nhằm xây dựng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương một cơ cấu an ninh và hợp tác mới; nghiên cứu soạn thảo các đề nghị bổ sung để đưa vào Chương trình nghị sự của các Diễn đàn Đông Á và Diễn đàn đối thoại đối tác Nga- ASEAN; củng cố và làm sâu sắc thêm đối tác tin cậy công bằng và sự hợp tác chiến lược với Trung Quốc, đối tác chiến lược với Ấn Độ và với Việt Nam; phát triển hợp tác hai bên cùng có lợi với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... 

Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2012) được tổ chức tại Vladivostok (Liên bang Nga), tháng 9/2012 thể hiện chiến lược của Nga thu hút đầu tư của các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vào khai phá và phát triển khu vực Siberia và Viễn Đông tới năm 2020. APEC 2012 ở Vladivostok cho thấy Nga đang thực hiện cuộc “hành trình sang Châu Á-Thái Bình Dương ”

Australia hướng tới “Thế kỷ châu Á"

Chính phủ Australia công bố kế hoạch chiến lược dài hạn và toàn diện mang tên "Sách trắng Australia trong Thế kỷ châu Á" vào ngày 28/10/2012. Chiến lược đề ra 25 mục tiêu trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, thương mại, an ninh khu vực và văn hoá, nhằm đưa quốc gia này vào nhóm 10 nước giàu có nhất thế giới vào năm 2025.

Sách trắng của Australia đưa ra nhận định, mặc dù Australia sẽ duy trì mối quan hệ liên minh chiến lược với Mỹ, nhưng sẽ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, kể cả quân sự. Australia cho rằng họ có thể cân bằng mối quan hệ quốc phòng với Mỹ trong khi vẫn ủng hộ sự phát triển quân sự của Trung Quốc. Do đó,  Australia sẽ tăng cường quan hệ với Trung Quốc và các nền kinh tế đang trỗi dậy khác của châu Á, thay vì các nước “già nua” ở châu Âu, để đưa Australia trở thành 1 trong 10 quốc gia giàu có nhất thế giới vào năm 2025.

Châu Âu cũng hướng về

Các vị nguyên thủ các nước châu Âu đều có mặt tại Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 9 (ASEM-9) tại Viêng Chăn, Lào: Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Herman Van Ropuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cùng các vị nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ nhiều nước châu Âu. ASEM-9 là minh chứng về “cuộc hành trình” của “lục địa già” tới châu Á - nơi được mệnh danh là “lục địa trẻ” với nghĩa tại đây tập trung đa số các nền kinh tế mới nổi đang tạo nên đầu tàu cho sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Tại ASEM-9, lãnh đạo các nước thành viên ASEM có chung quan điểm trong nhiều vấn đề như tất cả các đối tác ASEM chung sống hòa bình, bảo đảm an ninh và ổn định lâu dài cho các dân tộc, loại trừ chiến tranh ra khỏi đời sống nhân loại, không sử dụng vũ lực; không can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và nhất trí đẩy mạnh hợp tác về phát triển bền vững; bảo đảm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế ổn định; phát triển xã hội và bảo vệ môi trường đồng thời cam kết thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các đối tác ASEM.
Trước khi tới tham dự ASEM-9, Thủ tướng D.Medvedev đã có cuộc trả lời phỏng vấn giới báo chí Việt Nam, trong đó ông khẳng định, Việt Nam sẽ là cầu nối của Nga tới các nước Đông Nam Á. Còn lãnh đạo các nước EU cho rằng, hợp tác với ASEAN sẽ tạo điều kiện và là cơ hội giúp liên minh này vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.

Biển động tại nhiều nơi ở Châu Á-Thái Bình Dương

Các cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông trở nên căng thẳng.  Trung Quốc ráo riết tiến hành nhiều vụ khiêu khích đối với các nước láng giềng nhằm khẳng định và thực thi chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Ở Biển Đông, trong tháng 4/2012, Trung Quốc gây hấn với Philipin tại khu vực bãi đá mà phía Philippin gọi là Scarborough, còn phía Trung Quốc gọi là Hoàng Nham.

Trung Quốc đã có nhiều hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc tìm cách hợp thức hóa việc chiếm giữ bất hợp pháp các đảo của Việt Nam như thành lập thành phổ Tam Sa để quản lý cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.  Ngày 23/6/2012, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc thông báo mời thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ở khu vực này, Việt Nam đang có các hoạt động hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí với các công ty của Nga và Mỹ. Những hành động đó đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, lợi ích quốc gia của Việt Nam, vi phạm Công ước của LHQ về luật biển năm 1982 (UNCLOS), và gây căng thẳng thêm cho tranh chấp ở Biển Đông.

Trên Biển Hoa Đông, Trung Quốc chủ động gây hấn với Nhật Bản trong cuộc tranh chấp chủ quyền đối với đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), sau khi chính quyền Nhật Bản quốc hữu hóa đảo Senkaku. Quan hệ giữa hai nước xấu đi tới mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua. Ở Trung Quốc đã có các hoạt động chống Nhật Bản rộng khắp chưa từng có như đập phá các cửa hiệu và phá hoại các cơ sở sản xuất của các công ty Nhật Bản trên lãnh thổ Trung Quốc. 

Tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng trở nên căng thẳng liên quan tới chuyến thăm đảo Dokdo (phía Nhật Bản gọi là Takeshima) của Tổng thống Lee Myung-bak vào ngày 10/8/2012. Phía Nhật Bản muốn đưa vấn đề tranh chấp ra Tòa án tư pháp quốc tế giải quyết nhưng Hàn Quốc kiên quyết từ chối và khẳng định nhóm đảo này thuộc lãnh thổ của họ kể từ khi giành được độc lập. Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiến hành các cuộc diễn tập hải quân. 

Các nước Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc đều quan tâm nhiều hơn tới Châu Á-Thái Bình Dương . Liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có yên bình hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho các nước? Hay khu vực này sẽ phải chịu những thử thách mới do sự tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn?Đó là điều mà dư luận các nước trong khu vực đều quan tâm theo dõi trong năm 2013./.


Đại tá Lê Thế Mẫu

(theo vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...