Bánh rợm của người Giáy ở Lào Cai

Với đồng bào dân tộc Giáy những chếc bánh chưng, bánh khảo, bánh bỏng và bánh rợm là món không thể thiếu được trong mâm đồ cúng vào mỗi dịp lễ tết ... Các loại bánh này được người Giáy dâng lên tổ tiên là để báo cáo thành quả lao động trong một năm qua, đồng thời cầu xin tổ tiên ban cho sức khỏe, sự may mắn, có một vụ mùa bội thu.

Để chuẩn bị làm các món bánh cúng tổ tiên, từ nguyên liệu sẵn có như lúa, ngô, khoai, sắn, đậu, lạc… khi làm bánh, người Giáy chuẩn bị rất kỹ càng và cẩn thận. Họ quan niệm những đồ dâng lên tổ tiên phải thật sạch sẽ và thành kính như vậy mới được ghi nhận và không bị trách mắng.

Bánh rợm của người Giáy còn có tên gọi là “háu pẻng”, loại bánh thường được làm vào dịp tết Thanh minh (mùng 3 tháng 3 âm lịch) hoặc ngày xá tội vong nhân (rằm tháng 7 âm lịch) hằng năm. Tuy nhiên ngày nay, bánh rợm được nhiều gia đình người Giáy gói thường xuyên, bày bán tại các chợ và trở thành món ăn hấp dẫn được nhiều người yêu thích. Bánh được gói bằng lá chuối, bên trong có bột gạo nếp và nhân. Người Giáy gọi tên bánh rợm khác nhau, phụ thuộc vào loại nhân bên trong, nếu bánh rợm có nhân đỗ  thì gọi là "poòng đàu", bánh rợm có nhân lạc thì gọi là "poòng tùa nèm".

Trong mâm cỗ cúng ngày Rằm tháng 7 của người Giáy không thể thiếu những chiếc bánh bánh rợm.

Các công đoạn để làm ra chiếc bánh rợm của người Giáy không đơn giản, cần chuẩn bị lá chuối khô, ngâm gạo nếp, nghiền ra làm vỏ bánh, làm nhân bánh, rồi mới đến khâu gói và hấp bánh.

Lá chuối sau khi lấy về sẽ được phơi khô, bảo quản cẩn thận ở nơi khô ráo, tránh ẩm mốc. Theo kinh nghiệm của người làm bánh lâu năm, muốn có được chiếc bánh rợm thơm từ lớp vỏ chuối thì bánh phải được gói bằng lá chuối rừng. Những chiếc lá chuối rừng to bản, lành lặn, sau khi được cắt xuống sẽ dóc bỏ phần cuống, lấy 2 dải lá 2 bên, lau sạch bằng khăn ướt rồi đem phơi cho úa, như vậy lá mới mềm, có độ dai, khi gói và hấp, bánh mới có mùi thơm.

Phần vỏ bánh làm từ bột gạo nếp, ngon nhất là gạo nếp nương được xay bằng cối xay đá truyền thống. Sau khi xay bột, nước bột đó được đổ vào chiếc túi may bằng vải xô treo trên một cái sào vắt ngang cho nước trong túi bột nhỏ xuống, cuối cùng còn lại lớp bột mềm và mịn. Cách làm này tuy kỳ công nhưng bột sẽ rất mềm và dẻo.

Nhân bánh rợm của người Giáy có 2 loại: Nhân mặn và nhân ngọt. Người Giáy thường dùng hạt đỗ xanh hoặc lạc để làm nhân. Với loại nhân mặn, người ta thường làm bằng lạc hấp chín, giã nhuyễn rồi xào với hành mỡ thật thơm, nêm mắm, muối vừa đủ. Nếu muốn làm nhân ngọt thì cho đường vào lạc, đồng thời trộn thêm một chút vào vỏ bánh, sau đó nắm thành từng quả tròn vừa lòng bàn tay. Với loại nhân đỗ cũng làm tương tự.

Sau khi chuẩn bị xong nhân thì đến khâu gói bánh. Bột bánh được vo thành hình tròn và cho nhân vào giữa bột sau đó đặt vào mặt trái lá chuối, gói lại. Bánh gói xong được xếp vào chõ đồ cơm và mang đi hấp, chỉ khoảng 30 phút là bánh đã chín.

Cũng theo kinh nghiệm của người Giáy, bánh rợm sau khi được hấp chín cần gắp ra, xếp dàn ra mâm hoặc rổ để nhanh nguội và ráo nước, như vậy bánh mới không bị ướt, nhão, mất đi mùi vị thơm nồng của lá chuối, bột gạo nếp và nhân.

Bánh rợm cũng như các loại bánh của đồng bào Giáy đều được làm từ các nguyên liệu do chính họ làm ra, có như vậy mới thể hiện được sự tôn kính đối với ông bà, tổ tiên. Cách làm bánh truyền thống được người Giáy truyền từ đời này qua đời khác và đến nay vẫn được gìn giữ như một nét văn hóa của dân tộc mình./.

Ánh Nguyễn

Tin Liên Quan

Thực hiện quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu tại huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa

Đó là mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch Triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh Lào Cai.

Bánh chưng cốm của người Thái

Vùng đất Thẳm Dương (Văn Bàn) không chỉ nổi tiếng với giống nếp đệ nhất “nữ hoàng” Khảu Tan Đón, còn có món bánh chưng cốm đang được cấp ủy, chính quyền cùng đồng bào dân tộc Thái nơi đây xây dựng trở thành thương hiệu riêng.

Làng làm bánh chưng Ún Tà vào tết

Đến làng Ún Tà, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) những ngày tháng Chạp. Từ đầu làng, chúng tôi đã nghe tiếng máy cắt ống cây nứa, tiếng lách cách chẻ ống lam, đặc biệt là mùi gạo nếp thơm nức của những mẻ bánh chưng vừa luộc sẵn sàng phục vụ khách hàng chuẩn bị đón tết.

Dúa chỏ - Món quà vặt của vùng cao

Cách trung tâm huyện Bắc Hà khoảng 10 km, xã Hoàng Thu Phố có 5 thôn, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quần thể cây chè di sản và bất cứ du khách nào đến Hoàng Thu Phố cũng được người dân mời thưởng thức món “dúa chỏ” (bánh nếp đường)...

Tạo sự đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu

Việc mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát...

Bản Hồ mùa cốm mới

Khi tiết thu se lạnh, những ruộng lúa nếp bắt đầu chắc hạt, người dân xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) háo hức bước vào vụ cốm mới. Những hạt cốm màu xanh ngọc, dẻo thơm càng cuốn hút du khách đến với vùng đất này.