Độc đáo đàn Hó Tơ của người Hà Nhì

Vào dịp tết, người Hà Nhì ở huyện Bát Xát thường sử dụng nhiều loại nhạc cụ độc tấu nên các bản nhạc vui tươi mừng đón năm mới, trong đó có đàn Hó Tơ (đàn tròn).

 

Đàn Hó Tơ - nhạc cụ truyền thống của người Hà Nhì.

Hó Tơ là loại nhạc cụ truyền thống của nam giới dân tộc Hà Nhì, thường được sử dụng trong các dịp lễ, tết đầu năm, lễ hội cầu mùa. Đàn Hó Tơ được làm bằng loại gỗ tốt lấy ở rừng, bầu đàn hình tròn (nơi phát ra âm thanh) và mỏng để âm thanh kêu thanh thoát và vang xa. Cần đàn làm bằng loại gỗ cứng dày khoảng 6 cm, dài khoảng 80 cm, ở đầu cần tạo độ cong làm dáng cho đàn, có 4 nút gỗ vặn chỉnh dây đàn. Đàn tròn là loại đàn có 4 dây bằng dây cước hoặc dây phanh xe đạp, 4 dây nối liền chỗ bầu đàn trên mặt đàn chạy thẳng ở giữa kéo lên đến đầu cần đàn. Mặt đàn rộng tròn 40 cm, độ dày 1,5 - 2 cm, mặt đàn càng mỏng âm thanh nghe càng vang vọng. Trên mặt đàn, thợ đàn trang trí 8 hình tròn đối xứng cân từng cặp, các hình tròn trang trí viền ngoài có độ to nhỏ khác nhau trông rất đẹp mắt. Thợ đàn còn làm 2 quả bông len nhỏ với nhiều màu sắc buộc ở mặt đàn trông thật ấn tượng và hấp dẫn, bắt mắt người thưởng thức đàn. Ở giữa mặt đàn tròn có 1 lỗ hở nhỏ là nơi phát ra âm thanh. Dây treo đàn làm bằng sợi vải bông bện lại, khi đánh đàn, người chơi đàn thường dùng dây đàn đeo qua cổ, đặt đàn ở bên phải bụng để đánh. Dụng cụ gảy đàn là móng tay giả được làm bằng nhựa hoặc cật trúc.

Biểu diễn đàn Hó Tơ cho lớp trẻ hát dân ca.

Tiếng đàn Hó Tơ khi cất lên cũng là tiếng lòng của người chơi đàn muốn nói. Lúc tâm trạng buồn, người chơi đánh bản nhạc buồn làm day dứt người nghe. Qua tiếng đàn thổ lộ tâm tư, tình cảm của người chơi đàn, mọi người có thể biết được người chơi đàn là con nhà nghèo hoặc mồ côi cha mẹ, có cuộc sống nghèo khổ, khó khăn…

Lúc vui, bạn đến chơi nhà, bên mâm rượu cạnh bếp lửa hồng, chủ đàn gảy bài đàn mời rượu có tiết tấu nhanh, vui nhộn, làm cho cả chủ và khách đều vui cười, thật hay, thật đầm ấm, tình bạn càng chan chứa nỗi lòng. Lời tiếng đàn nói rằng:

Tôi mời bạn uống một ly, tôi cũng uống một ly
Mong cho người Hà Nhì sẽ
hạnh phúc
Mong cho tình bạn của chúng ta mãi mãi bền lâu
Mời bạn chén rượu ngon, chén rượu ngọt, chén rượu đầy
Chan chứa tình cảm và tình bạn của bạn bè chúng ta…

Những đêm trăng sáng hoặc vào đêm lễ hội Khô già già (cầu mùa) tháng 6 âm lịch, tiếng đàn được tấu lên. Thợ đàn gảy làm nhạc đàn đệm cho bài Ba sa ma (hát đón trăng). Khi hát, người già chỉ tay lên mặt trăng để các cháu cùng nhìn lên thấy mặt trăng, vừa đóng vai người hỏi và vừa đóng vai làm bà mặt trăng trả lời. Tiếng đàn, tiếng hát vang lên đều chứa ý nghĩa sâu xa nhằm giáo dục đạo đức, dạy cách lễ phép cho con cháu, có hiếu thảo với cha mẹ thân sinh dưỡng dục. Dạy cách làm người, trong đời lớn lên ai cũng được trải qua hoặc nghe ông, bà đệm nhạc hát bài hát này.

Đàn Hó Tơ được sử dụng trong những dịp lễ, tết của dân tộc Hà Nhì.

Dân ca của người Hà Nhì gồm hát đồng dao A đù lu (những bài hát gắn với các trò chơi dân gian của thanh, thiếu niên), hát nghi lễ, hát chúc tết Ga tho tho, hát múa Ba sa ma (đón trăng), hát giao duyên, hát mười hai tháng, hát tết, hát tình bạn, hát mời rượu, hát về nguồn cội Hà Nhì... Có thể hát đơn hoặc hát tập thế, khi hát có nhiều bài dùng nhạc cụ đệm nhạc để bài hát thêm hay và sinh động hơn. Nhạc cụ đệm cho hát của người Hà Nhì gồm có nhị, đàn tròn Hó Tơ, sáo dọc... trong đó, đàn tròn Hó Tơ sử dụng đánh đệm nhạc cho hầu hết các bài dân ca Hà Nhì. Đàn tròn kết hợp với nhị đánh nhạc đệm cho các bài múa đón trăng, múa ngày tết Ga tho tho, múa sư tử... tạo không khí phấn chấn, hấp dẫn người xem và nghe.

Đàn tròn Hó Tơ rất đặc trưng trong âm nhạc của người Hà Nhì và vẫn thường xuyên được sử dụng trong ngày lễ, tết, ngày hội của dân tộc Hà Nhì.

http://baolaocai.vn/bai-viet/11330/doc-dao-dan-ho-to-cua-nguoi-ha-nhi

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Người Tày xã bản Hồ giữ nghề truyền thông

Nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lào Cai: Bảo tồn lễ hội, phong tục tập quán xã hội tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch

Năm 2024, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu: Lập 03 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị ít nhất 01 lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024

Từ ngày 15/4 đến hết ngày 19/4/2024, Lào Cai phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai. Trong đó, ngày 15/4 là ngày phát động đồng bộ thực hiện mặc trang phục truyền thống các dân tộc trên phạm vi toàn tỉnh.