Sả Zava - cây xóa đói giảm nghèo của người dân xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng

Trải qua nhiều loại cây trồng, đến thời điểm này đồng bào Mông ở Khẩu Cồ mới tạm yên tâm khi tiếp cận đến cây Sả Zava. Sả hợp đất, hợp khí hậu nên lớn nhanh, phát triển rất tốt, đầu ra thuận lợi và quan trọng hơn là hiện tại đã có một sơ sở chiết xuất tinh dầu Sả ngay tại địa phương, khiến bà con nhân dân ở đây thêm phần hào hứng với cây trồng mới này. Bàn con nông dân ở Nhóm Khẩu Cồ, thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng giờ đây xem Sả là "cây hy vọng" để xóa đói giảm nghèo.

 

Trước đây, trên những triền đồi ở Khẩu Cồ bà con cơ bản chỉ biết đến những cây trồng như củ đao riềng, ngô nhưng đến vụ không ai thu mua. Củ đao bỏ chất đống mà người dân không có tiền. Nghèo, túng thiếu, không còn cách nào khác, người dân Khẩu Cồ đành đến nơi xa làm thuê, làm mướn. Rồi hy vọng lại tới khi được chính quyền và doanh nghiệp vận động trồng cây Sả.

Mới bắt đầu trồng được hơn 1 năm nay, thế nhưng 17ha Sả đã đem về cho bà con nhân dân ở Khẩu Cồ một hy vọng mới. Anh Vàng A Sở, người dân ở Nhóm Khẩu Cồ, thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng chia sẻ: “Trồng cây Sả này tốt hơn trồng ngô, lúa và đao riềng. Trồng ngô với lúa cần đến nhiều công. Nếu trồng ngô thì một năm còn thu được 2 vụ, còn trồng lúa thì một năm 1 vụ. Đao riềng thì khổ nỗi không được giá, khó tìm người thu mua. Bây giờ trồng cây Sả này yên tâm hơn một chút là người ta thu mua đều, giá cả cũng hợp lý và thậm chí họ còn mở cả chỗ chiết xuất tinh dầu xả ở thôn. Quan trọng nữa là mình không mất tiền vốn ban đầu nên nếu cứ thuận lợi như này thì ai cũng muốn trồng thêm nhiều Sả”.

Cây Sả trồng tại Bảo Thắng cho thu nhập cao

Qua các vụ trồng Sả ZaVa, thấy Sả hợp đất, thu về trong thời gian ngắn, bán thuận lợi mà việc chăm bón thì không vất vả như những cây trồng trước đây. Chị Sùng Thị Bla –  ở Nhóm Khẩu Cồ, thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm vui vẻ cho biết: “Trồng cây Sả này không cần dùng phân bón, chỉ làm cỏ khi mới trồng thôi. Trồng được 3 tháng đã cho thu hoạch rồi và sau đó cứ 1 tháng lại được thu một lần. Tính ra thu hoạch một năm thì chắc chắn là hơn hẳn những cây trồng khác rồi”

Được chính quyền địa phương vận động và được Doanh nghiệp ký kết cung cấp giống Sả, hướng dẫn trồng và cam kết thu mua nên những lứa Sả đầu tiên bà con nhân dân đã tiêu thụ thuận lợi. Hiện tại, một xưởng chiết xuất tinh dầu Sả cũng đã được trang bị đủ điều kiện để trực tiếp thực hiện sản xuất tinh dầu ngay tại địa phương. Trồng Sả mỗi tháng sẽ được thu một đợt, do vậy, việc thu hoạch đúng thời điểm rất cần đến nhiều công lao động của bà con nhân dân, đây cũng là thuận lợi để giảm bớt tình trạng người dân bỏ đi nơi khác tìm kiếm việc làm.

Hiện nay, với trên 17ha Sả và một tháng thu một đợt thì nếu chỉ có bà con trực tiếp trồng, rồi đi thu và chở đến nơi tiêu thụ thì không thể kịp. Do đó, có nhiều bà con ở các thôn, xã khác như xã Bản Sen, Bản Lầu, Bản Phiệt… cũng tìm được việc làm từ việc chuyển đổi loại cây trồng này. Là một người chuyên đến làm thuê để kiếm thêm thu nhập mỗi khi đến kỳ thu Sả, chị Phạm Thị Ngà cho biết: “Công việc này nói chung là cũng phù hợp với phụ nữ vì đi cắt thì cũng như cắt lúa thôi. Cũng được tư vấn là gặt bằng thì lứa sau sẽ mọc đều hơn. Chúng em nếu không có việc gì thì cũng đi làm thường xuyên, đều đặn hơn. Ở Bản Cầm cũng có mà ở Bản Sen cũng xuống, bà con ai đi được thì gọi nhau đi, ai đi ngày nào thì được trả công ngày đấy thôi. Hôm nay gặt, ngày mai lại thu và chở đem xuống nhà máy cân rồi nhận tiền”.

Việc liên kết với Doanh nghiệp để trồng Sả như hiện tại, bà con nhân dân có lợi là không mất vốn mà chỉ bỏ công trồng, chăm sóc và thu hoạch. Doanh nghiệp cam kết thu mua với giá cả hợp lý để bà con nhân dân yên tâm trồng và bỏ ý định đi nơi khác kiếm tìm việc làm. Đây cũng là một cách để giữ chân bà con nhân dân yên tâm phát triển kinh tế tại địa phương. Ông Phạm Tiến Lữ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bản Cầm, huyện Bảo Thắng cho biết: “Chương trình liên kết xây dựng mô hình trồng cây Sả để tạo công ăn việc làm cho bà con nhân dân. Bắt đầu từ năm ngoái đến năm nay việc trồng sả đã ổn định được giá cả thị trường nên bà con nhân dân đang tập trung đưa diện tích lên đến 30, 40ha vào trồng tại thôn Bản Cầm. Trồng sả năm đầu có vất vả là phải làm cỏ, rồi vun trồng; tuy nhiên cây sả này lại trồng và được thu trong 10 năm; càng về sau thì chất lượng và giá trị hiệu quả lại càng cao lên, tương đương với mỗi năm cũng cho thu nhập cao lên. Như năm nay 1ha thu vào 10 triệu, nhưng sang năm sẽ cho thu về từ 12- 15 triệu/1ha/tháng. Nếu giá cả thị trường tăng lên được thì tất cả các Công ty sẽ mua với giá cao lên”.

Đã trải qua bao nhiêu năm vất vả, tiếp cận với nhiều loại cây trồng mà từ ngày xưa tới giờ bà con vùng cao (nhất là bà con dân tộc Mông) chưa mấy khi trồng. Thành công bước đầu ở Khẩu Cồ cho thấy bà con nhân dân cũng rất nhanh nhạy trong nhận thức, thay đổi cây trồng, vật nuôi.

Cũng giống như Khẩu Cồ, khắp nơi ở Lào Cai, bà con đồng bào dân tộc Mông cũng đã có sự thay đổi trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi như: trồng chuối, trồng dứa, các cây dược liệu: Atiso, Đương quy, cây Hồi, hoặc trồng cây Quế. Khi đã thấy hiệu quả, bà con học theo rất nhanh. Từ vụ đầu tiên năm 2018, nhóm Khẩu Cồ mới trồng được 5ha Sả, thì sang năm 2020, diện tích này tăng lên tới trên 17 ha và sẽ còn được mở rộng trong năm tới. Doanh nghiệp liên kết với bà con ngoài cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, cũng đã nhanh chóng đầu tư lò chưng cất tinh dầu ngay tại chỗ.

Những nghi ngại, lo lắng ban đầu nay đã được thay thế bằng niềm tin to lớn: Cây Sả sẽ giúp người Khẩu Cồ thoát nghèo ngay trên đồng đất của mình. Khẳng định về việc này, Ông  Hoàng Văn Thái - Chủ tịch UBND xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng nói: "Năm nay chúng tôi tiếp tục triển khai trồng cây Sả lấy dầu trên địa bàn xã Bản Cầm. Cụ thể là ở nhóm Khẩu Cồ, thôn Bản Cầm thì chúng tôi đánh giá hiệu quả thu nhập cao hơn so với cây ngô và một số các cây trồng khác. Cây ngô thì chỉ thu từ 30 – 40 triệu đồng/ha. Còn đối với cây Sả thì thu 80 triệu/ha. Công lao động và kỹ thuật cũng không có gì phức tạp lắm nên bà con nhân dân đã thấy phù hợp với đồng đất địa phương. Năm đầu tiên đưa cây sả vào trồng bà con vẫn còn lo lắng về kỹ thuật và đầu ra của sản phẩm nhưng đến nay bà con cũng đã tin tưởng, yên tâm vì đã có cơ sở thu mua sản phẩm cho bà con nhân dân. Bên cạnh đó, nơi chế biến cũng ở ngay tại địa bàn của xã, rất thuận tiện cho bà con trong khâu vận chuyển. Thông qua Hợp tác xã liên kết thu mua tiêu thụ sản phẩm cho bà con nhân dân, đến thời điểm này bà con nhân dân đã yên tâm trồng cây Sả”.

Giờ đây, với trên 17ha Sả và sẽ còn mở rộng diện tích trồng hơn thế trong những năm tới bà con nhân dân ở Khẩu Cồ thực sự đã yên tâm vì có việc làm và thu nhập thường xuyên, từ đây có thể hy vọng xóa được đói, giảm được nghèo./.

Quỳnh Hoa

Tin Liên Quan

Xã Tân Thượng phát động Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ III năm 2024

Với chủ đề “Sách và khát vọng phát triển”, chiều 16/4, UBND xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn đã tổ chức Lễ phát động Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ III năm 2024.

Si Ma Cai tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân

Si Ma Cai xác định cây, con chủ lực của huyện đó là cây Lê, Mận, dược liệu và 3 con trâu, bò, lợn đen là thế mạnh của địa phương để tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Sức trẻ trong xây dựng nông thôn mới

Với sức trẻ, nhiệt huyết, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã xung kích đi đầu, góp phần cùng với đảng bộ, chính quyền và người dân các địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2023, Nhân dân Bảo Yên đóng góp hơn 11 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Chiều 16/1, huyện Bảo Yên tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới và Nghị quyết 10-NQ/TU năm 2023, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

Huyện đoàn Bát Xát giành giải Nhất Hội thi “Tuổi trẻ Lào Cai tham gia xây dựng nông thôn mới” năm 2023

Huyện đoàn Bát Xát giành giải Nhất Hội thi “Tuổi trẻ Lào Cai tham gia xây dựng nông thôn mới” năm 2023

Vì lợi ích của cộng đồng thì nên làm

Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình cần đến sự tình nguyện đóng góp công sức, tiền của người dân. Thời gian qua, ở một số địa phương của tỉnh Lào Cai đã có không ít hộ dân chủ động, tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, tài sản trên đất để xây dựng các công trình phúc lợi. Ông Hoàng...