“Mùa con trai hát gọi con gái”

Ðất trời có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với những loài cỏ cây, hoa trái đặc trưng của từng vùng miền. Riêng Lào Cai, mảnh đất non cao còn có thêm “mùa con trai hát gọi con gái”, đó là mùa yêu thương, mùa của lòng người, đúng như nhạc sỹ Phùng Chiến đã từng cảm xúc qua lời nhạc: “Ơi Sa Pa, nơi gặp gỡ đất trời. Bốn mùa hoa trái và mùa con trai hát gọi con gái. Đắm say bao tình…”.

Qua năm, qua tháng, với trái tim chứa chan, mùa yêu thương ấy không chỉ có ở Sa Pa, mà còn ở khắp chốn, nơi 25 dân tộc anh em quần cư bên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ. Mùa yêu thương ấy không chỉ là một mà hòa quyện trong bốn mùa của thiên nhiên, đất trời, để cùng dệt nên những sắc màu hạnh phúc.

Bạn có thấy không? Những mùa xuân, trai gái cùng nhau hò hẹn, ước nguyện bao điều tốt lành cho một năm sung túc, đủ đầy. Những ngày hạ cùng ươm màu ấm no bên lưng đồi, ngọn suối. Rồi mùa thu, mùa đông cùng gặt hái những thành quả qua mùa lúa trĩu hạt, mùa ngô căng tròn…

“Mùa con trai hát gọi con gái” thắm đượm trong mùa đầu năm.

Đất trời giờ đang chạm những ngày xuân với những trong trẻo đầu năm mới. Không gian xuân là chiếc áo tinh khôi với đủ hương sắc. Đó là sắc thắm của muôn nghìn loài hoa, là hương thơm của muôn ngàn cây trái. Tất cả hòa quyện, tạo thành một không gian êm ái, lắng đọng. Đây còn là thời điểm bắt đầu của một mùa vụ mới. Những hạt ngô, hạt lúa được tra đều trên nương trong làn mưa xuân ấm áp, hứa hẹn cho một vụ mùa bội thu.

Mùa này mọi năm, khắp núi rừng rộn vang tiếng trống hội. Đây Lễ hội Pút tồng của người Dao đỏ, kia Lễ hội Gầu tào của người Mông, rồi Lễ hội Lồng tồng... Người người nô nức du xuân và cầu cho một năm mới bình an, muôn sự hanh thông, mùa màng no ấm. Hòa chung với dòng người trẩy hội là những chàng trai, cô gái đang tuổi đôi mươi, họ mong đến để tìm gặp người thương, để kết thành đôi. Khắp núi rừng, tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng đàn môi cứ văng vẳng, thiết tha, khiến những con tim càng thêm xốn xang, háo hức đợi chờ đến ngày hội.

Đi qua không biết bao nhiêu nương đồi, ngọn suối, ánh mắt ấy, bàn tay ấy đang mong lắm được gặp người yêu thương, tìm về nơi hò hẹn.

Mùa xuân này, vì dịch bệnh nên các lễ hội đành lỡ hẹn. Nhưng trên khắp sườn núi, lưng đèo, tiếng chim rừng vẫn ngân vang, ríu rít. Tiếng đàn môi vẫn xao xuyến, thiết tha. Mùa yêu thương, “mùa con trai hát gọi con gái” giờ là tiếng lòng gửi trao qua từng ánh mắt, họ cùng đón xuân trong an toàn và cùng nhau cầu cho một năm mới hạnh phúc, bình an, cùng căng đầy khí thế vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục đón những mùa xuân vui. Để những mùa sau, sau nữa luôn là mùa yêu thương!

http://baolaocai.vn/bai-viet/209682-mua-con-trai-hat-goi-con-gai

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.