Lễ cưới truyền thống của người Dao họ

 Lễ cưới truyền thống của người Dao họ ở Lào Cai hiện vẫn gìn giữ, bảo tồn được bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục và lễ nghi cổ truyền, trong đó có nhiều nét riêng về phong tục, lễ nghi, mang tính giáo dục sâu sắc, với đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn” như lễ so tuổi, lễ xin dâu, lễ hát đối, lễ hợp duyên…

Nghi lễ hợp hôn trong buồng kín của cô dâu.

Ngày nay, nam nữ dân tộc Dao họ được tự do yêu đương nhưng hai bên gia đình vẫn làm lý so tuổi xem có hợp mệnh hay không. Lý so tuổi thể hiện nguyện vọng cuộc sống sau hôn nhân sẽ thuận lợi, trăm năm hạnh phúc. Nhà trai phải mời được đôi ông thầy làm mối am hiểu phong tục, lý lẽ, là thầy cúng cao công càng tốt và biết hát đối giỏi. Nghi thức đón ông mối chính, mối phụ về được gia đình chuẩn bị long trọng vào đêm trước ngày cưới. Hai ông được mời ngồi trên ghế, chú rể bưng khay đựng bát tim gan lợn, đôi đũa đến mời ông mối chính, sau đó lạy ba lạy. Ông mối phụ được mời bát có chiếc đầu gà và đôi chân gà, chú rể quỳ lạy 3 lạy. Sính lễ nhà trai chuẩn bị gồm 12 kg bánh rán, một bình rượu bên ngoài có cắt hình giấy màu tạo thành dây diềm, treo 4 con cá gấp bằng giấy trắng, treo thêm 2 đồng xu ở hai bên cạnh tượng trưng cho 2 đôi mắt của chim đại bàng, 4 con gà, trong đó có 2 con trống thiến lễ ông bà ngoại nhà gái. Sính lễ mang sang nhà gái còn có thuốc lá, thuốc lào, miến dong, 12 gói muối có một số gói sẽ gói thêm ít tiền lẻ. Đặc biệt, lễ vật không thể thiếu là một chiếc vòng tay bạc, ít tiền lẻ gói vào giấy hồng, bọc bên ngoài bỏ vào một chiếc túi thổ cẩm. Các lễ vật đều gói buộc bên ngoài bằng một lớp lá dong, một lớp giấy hồng thể hiện sự may mắn, tốt lành của đám cưới.

Đoàn nhà trai đi sang đón dâu gồm 11 người, số lượng người đi là số lẻ, khi đón dâu về là số chẵn, có cặp có đôi. Trước khi đi, thầy cúng, ông mối làm lễ tại bàn thờ gia tiên, ra ngoài cửa ông mối làm phép vào chiếc ô đón dâu, túi đựng lễ mang sang nhà gái ở hiên nhà, sau đó làm phép cho cả đoàn đón dâu bằng cách đứng giơ ô hướng lên trời và lầm rầm lời phép, tay bắt quyết. Trước khi đi cùng đoàn, chú rể mặc trang phục truyền thống, mẹ trao vòng cổ, vòng tay, sau đó đi quỳ lạy ông bà, bố mẹ trước khi đi đón dâu.

Nghi lễ dẫn dâu từ buồng đến lễ ở bàn thờ tổ tiên ở nhà gái.

Đến cổng nhà gái, bên nhà gái cử hai người giỏi hát đối ra đứng chăng dây bằng hai sải khăn màu, thử thách tài của ông mối ứng đối các bài xin vào cổng. Hai cô gái chỉ thu khăn chặn đường khi ông mối hát đủ bài, đặt tiền vào sải khăn. Đến cửa, đoàn nhà trai đứng ngoài, hát đối với ông thầy cả của đoàn nhà gái, hát đối xin vào cửa, chú rể lúc này lấy khăn mặt cầm tay, một tay cầm quạt che mặt, trước chú rể, nhà gái đặt một chiếc khay có 2 chén nước sạch, một đôi đũa, một cây đèn dầu. Nghi lễ xin vào cửa phải được thầy cả của nhà gái đồng ý sau khi làm các bước tẩy uế làm sạch cho cả đoàn đón dâu, tẩy hết bụi bẩn, không sạch sẽ đi theo chú rể trước khi vào nhà.

Đặc sắc nhất trong đám cưới và cũng là lễ nghi quan trọng nhất đó chính là nghi lễ hợp duyên cô dâu và chú rể trong buồng kín tại nhà gái. Tại buồng có chiếc mẹt đặt một ngọn đèn dầu, hai chén nước, một đôi đũa, sợi chỉ tượng trưng cho dây tơ hồng, bát gạo, một bát đặt mấy miếng gan lợn. Chú rể được ông mối dắt bước chân dẫm lên 3 tấm bùa chú viết chữ cắt theo hình người rải xuống nền đất. Cô dâu, chú rể ngồi trên giường, đầu giường để chiếc ô đón dâu, đôi câu đối đỏ. Ông mối chính lấy một ít bột màu đen, một ít gạo ở bát bỏ vào hai chiếc chén miệng làm phép, tay bắt quyết chỉ vào hai chén nước, xong đưa cho cô dâu, chú rể uống. Uống xong, ông mối đưa cho mỗi người một miếng gan để ăn. Đôi đũa được ông mối buộc sợi chỉ chặt như sự gắn kết bền chặt của đôi vợ chồng. Kết thúc nghi lễ xe duyên, cô dâu được dắt đi ngồi ở buồng kín, chú rể vẫn phải ngồi trong chiếc giường này với cây đèn dầu thắp sáng.

Quà cưới của cô dâu.

Nghi lễ xin đón dâu được thực hiện vào giờ tốt. Bố mẹ vợ ngồi lên chiếc ghế, chú rể quỳ lạy bố mẹ vợ, trên khay có đặt 2 chén rượu. Bố mẹ vợ căn dặn mọi điều cho chú rể và ông mối như một nghi thức bàn giao con gái cho ông mối đưa về nhà chồng. Lúc này, bên nhà gái có bao nhiêu cháu nhỏ, con của anh em họ hàng đều đứng chặn ở cửa, quây kín để chờ ông mối phát hồng bao. Ra ngoài cửa thì ông mối còn mất thêm hai chiếc hồng bao cho hai em bé khiêng đôi gà mà bố mẹ vợ cho vợ chồng chú rể về làm giống.

Quan niệm truyền thống của người Dao họ qua nhiều đời nay, nhà trai chuẩn bị sính lễ cho nhà gái thường là số 12 thể hiện công lao hoài thai, công sức nuôi dưỡng mà nhà gái đã chăm sóc, nuôi nấng cô dâu. Nhà gái chuẩn bị một chiếc bánh dày với 12 núm vú tượng trưng cho các bà mụ, các tháng mang nặng đẻ đau. Ra về, đoàn nhà trai được nhà gái đánh dấu đen trên mặt bằng cách dính nhọ nồi lên cằm, trán, má.

Bánh dày núm vú là bánh nghi lễ trong đám cưới, thể hiện công ơn của người mẹ.

Lễ cưới truyền thống của dân tộc Dao họ thường diễn ra trong 3 ngày, đêm nhà trai ngủ tại nhà gái sẽ hát đối suốt đêm. Ngày nay, thời gian cưới đã rút ngắn xuống 1 ngày nên các thủ tục cũng đã có phần nào bị mai một. Tuy nhiên, có nhiều lễ nghi, thủ tục mang tính chất quan trọng, bắt buộc, nghi thức hát đối đáp, trang phục truyền thống vẫn được cộng đồng Dao họ giữ gìn, coi trọng.

http://baolaocai.vn/bai-viet/211324-le-cuoi-truyen-thong-cua-nguoi-dao-ho

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.