Mùa cây bồ kết rừng đỏ lá

Mỗi mùa đều được đánh dấu bằng sự biến đổi màu sắc của lá, màu của mùa hoa đơm bông. Chớm hè cũng là lúc kết thúc của mùa hoa gạo, nhưng lên vùng cao Lào Cai thời điểm này, rất dễ gặp trên những triền thung có loại cây tán lá đỏ rực nổi bật giữa cây rừng xanh ngắt. Hôm trời trong xanh, nắng đẹp thì loại cây ấy đẹp hơn rất nhiều - thoạt nhìn từ xa, nhiều người nghĩ là cây phong lá đỏ, nhưng tìm hiểu ra mới biết, đó là loại bồ kết rừng đến mùa đỏ lá.
Cây bồ kết rừng ở vùng cao đến mùa đổi màu lá đỏ.

Chúng tôi có dịp đến các bản làng của đồng bào dân tộc Tày ở Liêm Phú (Văn Bàn), Nghĩa Đô (Bảo Yên) và Bản Liền (Bắc Hà), thích thú khi được ngắm nhìn những cây lá đỏ nơi lưng núi, nổi bật giữa nền trời xanh thăm thẳm. Năm nào cũng vậy, “đến hẹn lại lên”, cứ vào lúc bà con vùng cao chuẩn bị xuống giống làm vụ mùa cũng là lúc lá của cây bồ kết rừng đổi màu.

Theo đồng bào Tày ở Lào Cai, cây bồ kết rừng có tên gọi là “mạy coóng”, được ví như chiếc đồng hồ thiên nhiên báo hiệu vụ sản xuất chính của nhà nông ở vùng cao. Còn ở vùng thấp như Bảo Yên, Văn Bàn thì đây là thời điểm chuẩn bị cho mùa lúa chín. Cây bồ kết rừng thường mọc trên đồi cao, xen lẫn trong đồi trồng cọ hoặc trồng quế của nhiều gia đình, được bà con dùng đóng đồ vật trong nhà, còn quả thi thoảng vẫn có người già bảo cháu con hái về phơi khô rồi đun nước gội đầu…

Thường thì nhiều loại cây chuyển lá đỏ vào mùa thu đông, như cây lá phong, cây bàng… nhưng cây bồ kết rừng lại chọn tiết trời cuối xuân, đầu hạ để đổi màu. Mùa cây lá đỏ kéo dài chừng một tháng đến một tháng rưỡi. Theo người dân ở những vùng có cây bồ kết rừng thì trước khi lá cây hết màu đỏ sẽ chuyển dần sang màu đỏ cam, màu cam và rồi xanh trở lại. “Nhìn đỏ rực thế kia thôi, chừng nửa tháng nữa quay lại, ai cũng sẽ nghĩ là cây lá đỏ tự nhiên biến mất, bởi lúc ấy, toàn bộ lá cây đã đổi sang xanh rồi” - một người dân ở Liêm Phú chỉ lên phía cây bồ kết rừng đang mùa đỏ lá và nói với chúng tôi như thế.

Trong vòng tuần hoàn thời gian có một mùa lá đỏ xuất hiện cũng tạo nên sức hút cho những ai thích trải nghiệm, khám phá nét đẹp văn hóa bản làng vùng cao. Ông Lâm A Nâng, chủ nhân của Bản Liền Forest homestay ở xã Bản Liền (nơi có nhiều cây lá đỏ) cho biết: Cây lá đỏ ở Bản Liền được bình chọn là 1 trong 10 điểm check-in thú vị của miền “cao nguyên trắng”. Những năm gần đây, cứ vào tháng 4, tháng 5, nhiều đoàn khách đặt nghỉ tại homestay của gia đình để ngắm cây lá đỏ. Nhiều du khách thích thú khi chụp ảnh bên cây lá đỏ lúc bình minh hoặc hoàng hôn ở Bản Liền.

Năm nào cũng vậy, khi những cây bồ kết rừng ở vùng cao vào mùa đỏ lá cũng là lúc trên những tràn ruộng bậc thang, bà con vào vụ canh tác, lấy nước đổ ải, chuẩn bị mùa cấy lúa 1 vụ. Cứ thế, sự xuất hiện của những cây lá đỏ tạo nên vẻ đẹp riêng của bản làng vùng cao Lào Cai. Tuy thời gian của mùa lá đỏ không dài nhưng cũng là một mùa trong năm khiến không ít người háo hức chờ đợi. Năm nay, do dịch Covid-19 bùng phát, nhiều lữ khách phương xa hò hẹn lên trải nghiệm vùng cao mùa cây bồ kết rừng đỏ lá phải gác lại, hẹn chờ chuyến đi năm sau…

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Người Tày xã bản Hồ giữ nghề truyền thông

Nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lào Cai: Bảo tồn lễ hội, phong tục tập quán xã hội tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch

Năm 2024, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu: Lập 03 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị ít nhất 01 lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024

Từ ngày 15/4 đến hết ngày 19/4/2024, Lào Cai phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai. Trong đó, ngày 15/4 là ngày phát động đồng bộ thực hiện mặc trang phục truyền thống các dân tộc trên phạm vi toàn tỉnh.

Nét đẹp văn hóa của chợ tình Sa Pa

Không chỉ có tiềm năng từ thiên nhiên ban tặng, Sa Pa còn giàu về văn hóa, lối sống, phong tục và con người. Điển hình trong đó không thể không nhắc đến chợ tình Sa Pa.