Lào Cai: Xây dựng nông thôn mới thực chất, bền vững, không chạy theo thành tích

Đây là những nội dụng quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 – 2025.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai vừa có Chỉ thị số 13/CT/TU về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 – 2025.

Người dân và cộng đồng dân cư là chủ thể xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương.

Chỉ thị nêu rõ, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự năng động, sáng tạo, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận tham gia của toàn thể Nhân dân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành và duy trì 61/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tiêu chí bình quân đạt 15,15 tiêu chí/xã (tăng 11,82 tiêu chí so với năm 2010); thành phố Lào Cai được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 1 xã được UBND tỉnh công nhận đạt “Xã nông thôn mới nâng cao”; huyện Bảo Thắng đã hoàn tất hồ sơ trình Trung ương đề nghị thẩm định, công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng bền vững, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả một số nội dung trọng tâm sau:

1. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài nhằm huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội và nhân dân cùng tham gia.

2. Tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân trong tỉnh về vai trò, trách nhiệm, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tiếp tục triển khai sâu rộng, thiết thực phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua về xây dựng nông thôn mới do tỉnh phát động.

Xác định người dân và cộng đồng dân cư là chủ thể; xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại; gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường, quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững; người dân nông thôn có khát vọng khởi nghiệp, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững.

Xây dựng nông thôn mới phải thực chất, không chạy theo thành tích; tập trung, đẩy mạnh phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.

3. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến huyện, xã gắn với rà soát, củng cố, nâng cao năng lực bộ máy giúp việc của Ban Chỉ đạo theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Tiếp tục phân công các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh trực tiếp giúp đỡ các xã; thành viên Ban Chỉ đạo huyện, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp huyện giúp đỡ xã, thôn, bản.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bảo đảm hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; chú trọng cơ chế, chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học - công nghệ, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, phát triển công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu hút nhiều lao động. Nâng cao chất lượng quy hoạch và thực hiện quy hoạch theo hướng gắn quy hoạch hạ tầng với quy hoạch sản xuất, bố trí dân cư.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ phát triển liên doanh, liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, với quy mô sản xuất hàng hóa. Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các Hợp tác xã nông nghiệp phát triển, nhất là các hợp tác xã có mô hình liên doanh, liên kết. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp vào vùng nông thôn, đặc biệt đầu tư vào chế biến nông sản.

Tập trung xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm, hàng năm về xây dựng nông thôn mới bảo đảm rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phân công rõ trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành, từng đơn vị và cá nhân. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm túc việc sơ kết, tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương nghiêm túc thực hiện công nhận xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, bảo đảm chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích, không nợ đọng xây dựng cơ bản, không huy động quá sức dân.

Tiếp tục huy động, bố trí, lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới hàng năm và cả giai đoạn. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, bảo đảm đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải lãnh phí; ưu tiên đầu tư cho các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới hàng năm và cả giai đoạn; chú trọng duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí các xã đã về đích nông thôn mới.

4. Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đảng đoàn HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc và đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

5. Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, lựa chọn những nội dung thiết thực để phối hợp vận động, khích lệ các tổ chức, cá nhân chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tham gia giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

6. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, quán triệt, định hướng các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chỉ thị và phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới. Lựa chọn những cách làm mới, sáng tạo, các gương điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới để tuyên truyền đến các địa phương áp dụng và nhân rộng.

7. Ban Dân vận các cấp phối hợp, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong xây dựng nông thôn mới. Chủ động, sáng tạo trong xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới để nhân rộng ra các địa phương trên địa bàn tỉnh.

8. Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc căn cứ Chỉ thị và tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị chỉ đạo chính quyền, ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc trực tiếp cho Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị. Định kỳ 6 tháng, hàng năm, giữa và cuối nhiệm kỳ có báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị gắn với báo cáo kết quả thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 về Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo theo quy định.

http://baolaocai.vn/bai-viet/212457-lao-cai-xay-dung-nong-thon-moi-thuc-chat-ben-vung-khong-chay-theo-thanh-tich

theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai quan tâm bảo tồn và phát triển làng nghề

Từ nay đến năm 2030, tỉnh Lào Cai sẽ quan tâm phát triển 06 nhóm ngành nghề nông thôn với mục tiêu phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Rộn ràng Ngày hội đọc sách tại trường PTDTBT THCS Bản Khoang, xã Ngũ Chỉ Sơn, Sa Pa

Ngày 19/4/2024, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức Ngày hội đọc sách tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bản Khoang (xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa). Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 10,77% trở lên đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh

Đó là mục tiêu được tỉnh Lào Cai đặt ra đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh trong năm 2024.

3 dự án về nông nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư

Quý I/2024, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 3 dự án về nông nghiệp.

Lào Cai phát triển vùng nguyên liệu chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới

Năm 2024, tỉnh Lào Cai tiếp tục tập trung nguồn lực nhằm xây dựng ổn định và nâng cao chất lượng vùng cây ăn quả ôn đới gắn với sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông nghiệp. Tăng cường quảng bá phát triển mở rộng các mô hình sản xuất gắn với du lịch nông nghiệp, phục vụ nhu cầu du khách góp phần...

Triển khai công bố hiện trạng rừng tỉnh Lào Cai năm 2023

Để đảm bảo số liệu hiện trạng rừng phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp và công tác kiểm tra, giám sát ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 1522/UBND-NLN chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương triển khai một số nội dung về công bố hiện trạng rừng tỉnh...