Thổi hồn vào đam mê

Không cần chỉ dẫn, không một biển hiệu, hơn 1 năm nay, tiệm cắt tóc của anh Ma Văn Toàn ở bản Nà Đình, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) đã trở thành địa chỉ quen thuộc để những người yêu thích môn bắn nỏ truyền thống của dân tộc tụ họp. Không chỉ cắt tóc, cắt chữ, anh Toàn còn sản xuất nỏ phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.

Một thời đam mê

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghĩa Đô, cũng như các thanh niên khác trong bản, anh Ma Văn Toàn được tiếp xúc với những cây nỏ từ lúc còn 10 tuổi. Những cây nỏ gắn với tuổi thơ của anh và thanh niên trong bản và dần trở thành đam mê trong những cuộc săn bắt chim muông, thú rừng.

Bên căn nhà gỗ được cách tân từ nhà sàn truyền thống sang nhà gác xép để hợp với mặt phố, anh Toàn đang nhanh tay lau sạch bụi bám trên những cây nỏ treo trưng bày trong phòng khách. Nhấp chén nước chè dây rừng còn quện khói, anh bồi hồi nhớ lại chuyện xưa. “Ngày ấy, khi mới 10 tuổi, tôi được bố lắp cho một cây nỏ riêng để mang theo trong lúc đi chăn trâu. Để tập bắn cho chuẩn, chúng tôi thường thách đố nhau, hễ ai bắn được chim, thú rừng hoặc bắn trúng nhiều mũi tên vào bia thì hôm đó sẽ không phải đi chăn trâu, mà cả hội sẽ có trách nhiệm chăn trâu hộ. Cứ thế, niềm đam mê và kỹ năng bắn nỏ thành thạo dần”.

Anh Ma Văn Toàn làm nỏ để bán cho du khách.

Sau ngày tốt nghiệp cấp THCS, anh Ma Văn Toàn trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Hết 2 năm, anh trở về quê hương, xây dựng gia đình và lập nghiệp. Cuộc sống với gánh nặng kinh tế đặt lên vai khiến anh quên đi niềm đam mê bắn nỏ của mình cho dù sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh đã tham gia Giải bắn nỏ tỉnh Lào Cai và giành giải Nhất vào năm 2017.

Thổi hồn vào đam mê

Trong căn nhà gỗ đơn sơ ở bản Nà Đình, chiều chiều, người ta thường nghe thấy tiếng nói cười, tiếng bàn luận của các thành viên trong Câu lạc bộ bắn nỏ và sau đó là những tiếng “tách tách” mỗi khi dây nỏ chạm vào mũi tên khi họ luyện tập ở sân đền Nghĩa Đô.

Vừa hướng dẫn mọi người tập bắn, anh Toàn vừa tâm sự: Sau khi xuất ngũ về quê, mình chọn nghề cắt tóc, cắt chữ cho đám cưới, các hội nghị ở địa phương. Dù sau đó có tham gia thi đấu bắn nỏ ở tỉnh và đoạt giải nhưng do hoàn cảnh kinh tế gia đình hồi đó khó khăn nên mình chỉ coi bắn nỏ là niềm đam mê, chứ không thể theo đuổi nó mãi được.

Với bản lĩnh của anh Bộ đội Cụ Hồ, chịu khó học hỏi, nâng cao tay nghề, tiệm cắt tóc, cắt chữ của anh ngày càng được nhiều người biết đến, thu nhập ngày càng cao, cuộc sống dần ổn định. Năm 2019, anh Ma Văn Toàn ấp ủ ý tưởng thành lập Câu lạc bộ bắn nỏ xã Nghĩa Đô. Thế rồi, được sự động viên của chính quyền địa phương và anh em, bạn bè, tháng 4/2020, Câu lạc bộ bắn nỏ xã Nghĩa Đô ra đời.

“Nhiều đêm nằm suy nghĩ, thấy nhiều Câu lạc bộ bắn nỏ ở tỉnh Lào Cai cũng xuất phát điểm từ nông thôn, khi tham gia các giải của tỉnh, của khu vực giành được nhiều thành tích cao. Trong khi đó, ở Nghĩa Đô có nhiều người bắn nỏ giỏi, đam mê với nỏ, nên mình quyết định thành lập câu lạc bộ, vừa tạo sân chơi bổ ích cho mọi người, vừa tạo cơ hội giao lưu, học hỏi với các câu lạc bộ khác và quan trọng hơn là giữ gìn bản săc văn hóa dân tộc”, anh Ma Văn Toàn bộc bạch.

Để duy trì hoạt động của câu lạc bộ, anh vận động mọi người sưu tầm, đóng góp các loại cây gỗ để làm nỏ. Khi đã làm đủ số nỏ cho 30 thành viên trong câu lạc bộ, anh lại nảy ra ý tưởng sản xuất nỏ với số lượng lớn cung ứng ra thị trường, tạo nguồn thu nhập và kinh phí hoạt động cho câu lạc bộ. Hiện nay, những cây nỏ của anh làm ra không chỉ bán cho người dân địa phương mà nhiều du khách khi qua đây thường đặt mua để sử dụng và làm quà lưu niệm.

Nhờ bàn tay tài hoa, sự tỉ mỉ, cẩn thận của một người thợ cắt tóc, cắt chữ đã khiến những cây nỏ được tạo ra đảm bảo chất lượng, tính ổn định cao và quan trọng nhất là có tính thẩm mỹ và nghệ thuật điêu khắc trên thân nỏ. Anh Toàn chia sẻ: Để làm ra một cây nỏ bình thường phải mất 2 - 3 ngày, những cây nỏ đặc biệt hơn (có chạm khắc hoa văn của đồng bào người Tày) thì thời gian hoàn thiện phải đến 1 tuần.

Để nâng cao trình độ cho các “nỏ thủ” trong câu lạc bộ, ngoài luyện tập cùng nhau những lúc nông nhàn, anh Toàn còn liên hệ với các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh tổ chức thi đấu cọ sát, giao lưu và tham gia các giải thi đấu. Vừa qua, tại Giải kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2021, anh Ma Văn Toàn tham gia thi đấu và giành giải Ba. Đây là niềm vui, là động lực để anh và câu lạc bộ tiếp tục giữ lửa đam mê với môn bắn nỏ.

http://baolaocai.vn/bai-viet/212447-thoi-hon-vao-dam-me

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.