Bát Xát nỗ lực xây dựng đời sống văn hóa

Trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tổ dân phố số 4, thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát) luôn nỗ lực duy trì thành tích 20 năm liên tục đạt danh hiệu tổ dân phố văn hóa.

Ông Ngô Huy Bình, Trưởng Ban Công tác mặt trận tổ dân phố số 4 cho biết: Tổ dân phố có 222 hộ, 820 nhân khẩu với 6 thành phần dân tộc. Thời gian qua, địa phương nỗ lực thực hiện, đưa phong trào đi sâu vào cuộc sống, trong đó có việc duy trì câu lạc bộ gia đình văn hóa.  Đến nay, sau hơn 10 năm thành lập, câu lạc bộ vẫn duy trì sinh hoạt 3 tháng/lần với 37 thành viên. Việc lấy thành viên và gia đình làm nòng cốt, đi đầu trong thực hiện xây dựng đời sống văn hóa đã giúp lan tỏa nội dung của phong trào tới các hộ trên địa bàn. Hết năm 2020, tổ dân phố số 4 có 99% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Ngoài ra, mô hình đầu tiên của thị trấn ở tổ dân phố đã được nhân rộng lên 9 câu lạc bộ gia đình văn hóa tại 14 thôn, tổ dân phố.
Bát Xát là huyện vùng cao, biên giới với đông thành phần dân tộc. Nhận thức rõ tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hơn 20 năm qua, huyện luôn quan tâm làm tốt các nội dung phong trào gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành cùng ý thức, sự chủ động của người dân, phong trào đi sâu vào cuộc sống.

Lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Bát Xát được quản lý và tổ chức tốt (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021) .

Hằng năm, việc đăng ký, bình xét các danh hiệu văn hóa được các địa phương tiến hành đúng quy trình và thực hiện tốt việc biểu dương, khen thưởng, từ đó khơi dậy phong trào trong mỗi người dân, cơ quan, đơn vị. Qua thực hiện phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, nêu cao tinh thần “tương thân, tương ái”... Hết năm 2020, huyện Bát Xát có 14.585/17.012 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 86%); 163/182 thôn, tổ văn hóa (đạt 89,5%); 143/147 cơ quan, đơn vị văn hóa (đạt 97,3%).

Đặc biệt, Bát Xát là mảnh đất có nhiều lễ hội truyền thống nên nội dung thực hiện nếp sống văn hóa được quan tâm. Xác định phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có vai trò quan trọng trong việc hình thành nếp sống mới trong cộng đồng dân cư, làm lành mạnh môi trường xã hội, quan hệ ứng xử trong từng gia đình và cộng đồng, người dân và chính quyền các cấp đã nỗ lực thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xóa bỏ nhiều hủ tục, mê tín dị đoan. Đơn cử như trong việc cưới, các gia đình không còn thách cưới cao, ăn uống nhiều bữa, dài ngày mà tổ chức lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và với hương ước, quy ước thôn, bản. Hoặc như việc tổ chức các lễ hội, với nhiều lễ hội được tổ chức trong năm như lễ hội xuống đồng của dân tộc Giáy, lễ hội Khô già già của dân tộc Hà Nhì, lễ hội Pút Tồng của dân tộc Dao đỏ… đều được quản lý và tổ chức thực hiện tốt. Thông qua đó góp phần tăng tình đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, đồng thời thu hút, tạo ấn tượng với du khách trong hành trình khám phá và trải nghiệm du lịch Bát Xát.

Theo ông Đoàn Trung Hiếu, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát, tỷ lệ các danh hiệu văn hóa tăng qua từng năm và những đổi thay trong xây dựng đời sống mới ở cả vùng thấp lẫn vùng cao là minh chứng khẳng định phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lan tỏa sâu rộng. Điều này cũng cho thấy bên cạnh sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, người dân đã xác định và thể hiện rõ vai trò chủ thể trong thực hiện phong trào, góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân trên địa bàn, cùng địa phương thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.

http://baolaocai.vn/bai-viet/212411-bat-xat-no-luc-xay-dung-doi-song-van-hoa

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.