Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ: Hoài nghi và kỳ vọng

Ngày 16/6, Tổng thống Nga V.Putin và người đồng cấp Mỹ J.Biden sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Geneva (Thụy Sĩ). Việc hai lãnh đạo ngồi vào bàn đàm phán được coi là một tín hiệu hé mở triển vọng cải thiện quan hệ giữa hai cường quốc đang bị đẩy xuống mức thấp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc đặt quá nhiều kỳ vọng vào sự kiện này chỉ là “ảo tưởng”.
Ông Putin và ông J.Biden gặp mặt năm 2011 khi ông Biden là Phó Tổng thống Mỹ.

Theo thông tin từ Điện Kremlin, trọng tâm của cuộc gặp sẽ là triển vọng quan hệ song phương, các vấn đề ổn định chiến lược và những vấn đề toàn cầu cấp thiết, trong đó có cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và cách thức giải quyết các cuộc xung đột khu vực. Còn phía Nhà Trắng cho biết, tại cuộc gặp, ông J.Biden sẽ nhắc đến các vấn đề tấn công mạng, tình hình biên giới Ukraine, việc Moscow trấn áp người bất đồng chính kiến và những vấn đề vướng mắc trong quan hệ 2 nước.

Các nhà lãnh đạo Nga, Mỹ nói gì về cuộc gặp?

Nga kỳ vọng thận trọng

Phát biểu trên chương trình Moscow. Kremlin. Putin của kênh truyền hình Rossiya-1 TV, ngày 13/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin hy vọng Hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Mỹ J.Biden dự kiến diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), ngày 16/6 tới  đây sẽ không chỉ giúp khôi phục các mối liên hệ cá nhân, mà còn thiết lập cơ chế đối thoại về các vấn đề hai nước quan tâm chung.

Theo quan điểm của ông Putin thì sự kiện diễn ra trong tuần này có thể được coi là “hiệu quả”, nếu có thể thiết lập các cơ chế tương tác trong nhiều lĩnh vực vì lợi ích đôi bên. Trong đó phải kể đến vấn đề ổn định chiến lược, các cuộc xung đột cấp khu vực, các biện pháp bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và hợp tác kinh tế.

“Đây là các vấn đề mà chúng tôi có thể hợp tác hiệu quả… Nếu chúng tôi có thể tạo ra các cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực nêu trên sau Hội nghị thượng đỉnh, thì đây là một diễn biến tốt và có thể khẳng định cuộc gặp gỡ đã thực sự hữu ích” – ông Putin nói.

Một chủ đề khác được ông Putin đề cập tới là quan hệ tương tác kinh tế giữa Nga và Mỹ. Người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng, đây là một vấn đề mang lại lợi ích cho cả đôi bên. “Nhiều công ty Mỹ muốn hoạt động tại Nga song lại bị lôi kéo khỏi thị trường của chúng tôi và nhường vị trí cho các đối thủ khác. Điều này có mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ hay không?” – nhà lãnh đạo Nga bày tỏ.

Mặc dù thừa nhận Mỹ đã giảm bớt những luận điệu tiêu cực đối với Nga trong thời gian tiến tới Hội nghị thượng đỉnh, song ông Putin cho rằng, “đây không phải là điều gì đặc biệt và Moscow cũng sẽ không vì thế mà thiếu thận trọng”. Theo quan điểm của ông Putin thì điều đó chỉ thể hiện một cách tiếp cận chuyên nghiệp từ Mỹ về cuộc gặp và Nga cũng sẽ hành động tương tự.

Điện Kremlin cho biết, mục tiêu mà Tổng thống Putin theo đuổi tại cuộc gặp với ông J.Biden là ngăn chặn sự lao dốc trong quan hệ hai bên và cuộc gặp này là cách duy nhất để thực hiện điều đó. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moscow không "ảo tưởng" rằng sẽ có những kết quả đột phá hay những quyết định mang tính lịch sử được đưa ra sau hội nghị.

Mỹ không tìm kiếm xung đột, song cũng không nhượng bộ

Phát biểu trong cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) tại vịnh Carbis, hạt Cornwall, miền Tây nước Anh, ngày 13/6, Tổng thống Mỹ J.Biden đã chia sẻ nhận định của người đồng cấp Nga V.Putin rằng mối quan hệ đôi bên đang bị đẩy xuống mức thấp nhất. Tuy nhiên người đứng đầu Nhà Trắng cũng lưu ý rằng, vẫn có những lĩnh vực mà Nga và Mỹ có thể cùng hợp tác. Theo ông J.Biden, tương lai của mối quan hệ song phương phụ thuộc vào phía Nga cùng với việc Moscow có hành xử theo các chuẩn mực quốc tế thông thường hay không.

Trong một bài bình luận trên Washington Post vào tháng này, ông J.Biden khẳng định, Mỹ và các đồng minh sẵn sàng phản ứng trước "những hành động gây hại trong tương lai" của Nga nhưng Washington "không tìm kiếm xung đột" với Moscow.

Cũng trong cuối tuần trước, Nhà Trắng cho biết Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là cơ hội để Washington gửi "một thông điệp mạnh mẽ" tới Moscow. Tuy nhiên, nguồn tin không nêu cụ thể cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo sẽ diễn ra theo hình thức nào, với sự tham gia của các nhóm đàm phán nhỏ hay các nhóm đàm phán lớn, hoặc liệu đây có phải là cuộc gặp một - một không có sự tham gia của các quan chức và cố vấn hay không.

Hôm 12/6, hãng tin NBC dẫn một nguồn thạo tin cho rằng, Tổng thống J.Biden sẽ thể hiện một hình ảnh tương phản với cựu Tổng thống D.Trump trong cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Putin.

Dư luận không đặt nhiều kỳ vọng

Thuỵ Sĩ đang chuẩn bị các công tác đảm bảo an ninh, phục vụ cho cuộc gặp giữa ông J.Biden và ông Putin dự kiến sẽ diễn ra tại biệt thự La Grange. 

Theo giới phân tích, Hội nghị sắp diễn ra giữa ông Putin và ông J.Biden sẽ khó mang lại những kết quả đột phá nhằm xích lại mối quan hệ vốn đang bị kéo căng giữa hai cường quốc. Tuy nhiên, việc các nhà lãnh đạo Nga, Mỹ đồng ý cùng ngồi vào bàn đối thoại đã là một diễn biến mang ý nghĩa đặc biệt.

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai Tổng thống Biden - Putin sẽ được tổ chức tại biệt thự La Grange bên hồ Geneva. Biệt thự được xây từ thế kỷ 18 nằm trong một công viên dọc bờ trái của hồ Geneva, với những cây gỗ đỏ, những bụi hoa hồng và đài phun nước cổ, công viên mang lại một tầm nhìn tuyệt đẹp ra hồ Geneva, được ví như “một khung cảnh êm dịu cho cuộc trao đổi sôi nổi". Tuy nhiên, trái với khung cảnh êm đềm của khu biệt thự cổ, các cuộc thương thuyết giữa ông Putin và ông J.Biden được dự báo sẽ diễn ra đầy gai góc.

“Trong Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng này, Tổng thống J.Biden có cơ hội đặt ra các cột mốc cho các vấn đề quan trọng với người đồng cấp Nga… Hy vọng để cuộc gặp thượng đỉnh mang lại những kết quả dù mong manh cũng chỉ rất thấp…”– ông Mathieu Boulegue, thành viên nghiên cứu tại Chatham House, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London (Anh) dự báo.

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc Trung tâm Chính sách An ninh Geneva – ông Thomas Greminger cũng tỏ ra thận trọng rằng, ngày nay, chúng ta đang trải qua một mức độ phân cực chưa từng có kể từ Chiến tranh Lạnh. Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng xấu đi và mức độ tin cậy lẫn nhau đang ở mức thấp nhất. Do đó, đã đến lúc nối lại đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo, đặc biệt là xem xét tất cả các thách thức toàn cầu vốn không thể giải quyết thành công theo cách đơn phương.

"Tôi tin rằng, Hội nghị thượng đỉnh này thực sự là một cơ hội để nối lại một cuộc đối thoại tỉnh táo… Việc Tổng thống J.Biden và Tổng thống Putin cùng ngồi lại đối thoại đã là một kết quả tích cực… Dù còn quá sớm để mong đợi vào tương lai bình thường hóa quan hệ hai nước. Song tôi đặt kỳ vọng vào mối quan hệ hợp tác chọn lọc cùng với đối thoại trong bối cảnh đối đầu giữa đôi bên vẫn còn đang tiếp diễn” – ông Greminger nói.

Ông Mohammad-Mahmoud Ould Mohamedou, Giáo sư Lịch sử và Chính trị quốc tế tại Viện Sau đại học ở Geneva, dự báo có thể có "một giai đoạn giảm leo thang, trong đó cả Nga và Mỹ đều nhận ra sự chắc chắn và tiềm năng hợp tác trong một số khía cạnh”. Tuy nhiên, chúng ta nên chờ đợi với tâm thế không nên đặt ra những kỳ vọng quá cao hoặc phi thực tế.

Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ diễn ra trong bối cảnh hai cường quốc đang có những chia rẽ cùng bất đồng sâu sắc trong một loạt vấn đề: Từ cáo buộc can thiệp bầu cử, an ninh mạng, nhân quyền cho tới cuộc khủng hoảng Ukraine…

Đây không phải lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp nhau, song sẽ là Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi ông J.Biden trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra sau một thời gian dài quan hệ song phương đi xuống, thậm chí ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, những xa cách chưa thể xích lại gần hơn đã khiến dư luận không đặt nhiều kỳ vọng vào sự kiện lần này.

Trong khi Moscow phát thông điệp muốn đề cập tới triển vọng quan hệ song phương trong cuộc gặp, còn Washington lại muốn nói về những chủ đề gai góc. Sự “lệch tông” ngay từ cách chọn chủ đề cuộc gặp, cùng với những thông điệp rõ ràng từ lãnh đạo hai nước đã cho thấy nhiều hoài nghi vẫn chưa được cởi bỏ. Cuộc gặp mới chỉ là một sự khởi đầu để mở ra hy vọng, chứ chưa thể giúp mang lại sự kỳ vọng./.

https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/hoi-nghi-thuong-dinh-nga-my-hoai-nghi-va-ky-vong-583052.html

 

Theo dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Động lực thúc đẩy sự phát triển của EU

Liên minh châu Âu (EU) vừa nối lại các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Philippines, ký tuyên bố chung về quan hệ Ðối tác chiến lược toàn diện với Ai Cập và khởi động quá trình đàm phán nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ với Thụy Sĩ. Mở rộng mạng lưới thỏa thuận hợp tác với các nước góp...

Châu Phi tăng tốc số hóa

Tốc độ số hóa chậm chạp đang ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại một số nước châu Phi. Theo các chuyên gia, châu lục này cần nắm bắt những tiến bộ mới nhất trong công nghệ kỹ thuật số nhằm thúc đẩy phát triển. Tăng cường chuyển đổi số được coi như “chìa khóa” để khai thác...

Nga: Tổng thống tái đắc cử V. Putin nêu ưu tiên trong nhiệm kỳ mới

Theo hãng tin TASS, phát biểu tại trụ sở chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh đến những ưu tiên trong nhiệm kỳ mới sau khi ông giành được số phiếu ủng hộ cao nhất trong cuộc bầu cử tổng thống nước này.

Tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng rác thải

Sau một năm đàm phán, Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt thỏa thuận hạn chế rác thải bao bì trên toàn khối. Cùng với EU, nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực ngăn chặn những tác hại nghiêm trọng về y tế, môi trường và kinh tế mà núi rác thải khổng lồ có thể gây ra.

Tiếng nói đoàn kết từ Mỹ Latin và Caribe

Thúc đẩy tinh thần đoàn kết, hợp tác để chống đói nghèo và biến đổi khí hậu là trọng tâm chính của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC) vừa diễn ra tại Saint Vincent và Grenadines. Hội nghị là không gian đối thoại quan trọng, giúp củng cố mối quan hệ giữa các...

Nguy cơ khủng hoảng lương thực lan rộng nhiều nơi trên thế giới

Các tổ chức quốc tế cảnh báo khoảng 58,1 triệu người đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng ở vùng Sừng Lớn của châu Phi. Tuy nhiên, nỗi lo mất an ninh lương thực không chỉ hiện hữu ở châu Phi, mà còn là “bóng ma” ám ảnh nhiều nơi trên thế giới.