Đam mê theo những cánh diều

Thả diều là trò chơi dân gian truyền thống. Nhiều người làm diều, chơi diều vẫn thường đùa vui rằng, chơi diều là thú chơi “trời đày” bởi lắm công phu, vất vả và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Vậy nhưng, khi đã là niềm đam mê, yêu thích, được thả hồn bay theo những cánh diều, lắng nghe tiếng sáo diều vi vu trên cao xanh như xua tan đi bao muộn phiền mới thấy thú chơi thật ấy thú vị, hấp dẫn biết bao.

Thành viên Câu lạc bộ diều sáo Lào Cai tự làm diều theo sở thích.

Anh Đinh Công Sinh, 30 tuổi (tổ 3, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai) đã gắn bó với thú làm diều, chơi diều sáo cả chục năm nay. Chơi diều, làm diều từ khi còn là học sinh phổ thông, anh thường dùng vật liệu sẵn có, đơn giản như tre, nứa, nilon... làm diều. Những năm gần đây, thị trường nguyên, vật liệu, phụ kiện cho thú chơi diều đa dạng về mẫu mã, chủng loại nên anh chuyển sang sử dụng nhiều nguyên, vật liệu mới cho phù hợp và tiện ích. Hiện anh có 2 con diều, trong đó có 1 con diều lớn rộng 5 m được đặt tên là diều “cung trăng”.

Để có con diều ưng ý, anh tham khảo, lựa chọn mẫu diều trên mạng internet, sau đó điều chỉnh lại kích thước và một số chi tiết cho phù hợp với nhu cầu. Anh lựa chọn, đặt mua ống nhựa hợp chất cacbon để cắt, uốn, lắp đặt, tạo hình cho khung diều. Khâu này đòi hỏi người làm diều phải thật cẩn thận, chính xác từng chi tiết nhỏ bởi sai sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hình dáng, khiến diều bay thấp hoặc mất thăng bằng... Hoàn thiện khung diều, anh đặt may vải để lắp diều theo kích thước phù hợp và họa tiết yêu thích. Việc làm diều bằng nguyên, vật liệu như vậy giúp người chơi thuận lợi khi có thể tháo, lắp dễ dàng, phù hợp với những chuyến đi thả diều ở nơi xa.

Theo anh Sinh chia sẻ, làm được con diều như ý mới chỉ đáp ứng được một nửa yêu cầu của thú chơi diều sáo. Nửa còn lại là bộ sáo lắp vào diều. Trước đây, với các con diều đơn giản, anh thường tự làm sáo diều từ vỏ chai bia, vỏ lon sữa. Tuy nhiên, để sáo hay, âm vang thì phải đặt làm hoặc mua của nghệ nhân, người làm sáo diều chuyên nghiệp ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Loại sáo này, ống được làm tinh xảo, cầu kỳ từ tre, nứa, miệng sáo bằng gỗ và được trang trí thêm một số miếng kim loại mỏng trên thân ống sáo. Các loại sáo được người chơi diều yêu thích và thường sử dụng là sáo hòa đàn, sáo còi tàu, sáo hòa còi, sáo đàn bò, sáo hòa âm... Các bộ sáo này có giá từ vài triệu đồng trở lên tùy theo mẫu, số lượng ống sáo và nguyên liệu chế tạo.

Anh Sinh là 1 trong 40 thành viên của Câu lạc bộ diều sáo Lào Cai được thành lập từ cuối năm 2019, thường xuyên tổ chức các buổi thả diều, thi diều sáo. Các thành viên câu lạc bộ chủ yếu sinh sống tại thành phố Lào Cai và khu vực xã Xuân Giao, thị trấn Phố Lu (Bảo Thắng). Các con diều được đặt tên riêng, thường là dựa theo hình dáng, màu sắc diều, như diều sáo rái cá, diều sáo phong vân, diều sáo đuôi cá, diều sáo cung trăng... Đa phần các thành viên trong câu lạc bộ tự mua nguyên, vật liệu làm diều theo sở thích và chỉ đặt mua sáo diều. Theo các thành viên, để hoàn thành một còn diều có khi mất vài tháng trời. Phần lớn thành viên đang trong độ tuổi lao động nên thường tranh thủ ngày nghỉ hoặc thời gian buổi tối để làm, chơi diều sáo. Câu lạc bộ thường tổ chức các buổi “off fan” để những người trong câu lạc bộ hoặc chung sở thích chơi diều sáo tham gia thả diều, thi diều. Địa điểm tổ chức được lựa chọn nhiều là khu vực sân vận động tỉnh (phường Bình Minh, thành phố Lào Cai) hoặc cánh đồng, khu vực rộng thuộc các thôn của xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng). Tại đây, các thành viên cùng thả diều, bình phẩm hoặc tổ chức cuộc thi nhỏ về diều đẹp, sáo hay hoặc diều “câu liêm”... Việc thả diều, chơi diều sáo phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhất là hướng gió, sức gió. Người chơi diều phải khéo léo, đoán hướng gió để điều khiển dây kéo, giúp diều bay cao, bay xa, giữ được thăng bằng. Diều có “no gió” thì tiếng sáo mới trong, vang vọng.

Niềm vui bên những cánh diều.

Không cầu kỳ, mất nhiều chi phí, công sức như cách chơi diều của người lớn, đối với trẻ thơ, việc chơi diều đơn giản hơn nhiều. Với khoảng một trăm nghìn đồng, phụ huynh có thể dễ dàng lựa chọn cho con, em một bộ đồ chơi diều gồm dây diều, con diều với nhiều màu sắc sặc sỡ tại các siêu thị hoặc chợ dân sinh trên địa bàn. Những con diều này được làm khá đơn giản từ những thanh tre vót nhỏ để tạo khung diều, vải diều được in màu sắc nổi bật, họa tiết yêu thích. Nhiều gia đình cẩn thận hơn khi chọn tre, phơi khô, vót cẩn thận rồi kỳ công uốn, buộc để tạo khung rồi phủ nilon, cắt, dán các mép nối theo khung diều. Thành phẩm là những con diều nhỏ xinh, khung diều cân đối, chắc chắn hơn so với diều mua sẵn.

Những buổi chiều hè, lũ trẻ lại rủ nhau ra bãi đất trống, cùng nhau chạy, thả diều rồi cùng hò hét, cười vui. Chúng ghé lưng xuống thảm cỏ mềm, ngước mắt trông lên bầu trời trong xanh nơi có cánh diều nho nhỏ, bay bay trong gió mát rồi trò chuyện, bàn luận xem diều nào bay cao, bay thấp, diều nào đẹp hơn hay gửi gắm ước mơ trẻ thơ theo cánh diều bay phấp phới... Niềm vui của trẻ thơ đến từ những điều thật giản dị, yên bình như cánh diều nhỏ xinh kia.

http://baolaocai.vn/bai-viet/212614-dam-me-theo-nhung-canh-dieu

 

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Người Tày xã bản Hồ giữ nghề truyền thông

Nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lào Cai: Bảo tồn lễ hội, phong tục tập quán xã hội tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch

Năm 2024, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu: Lập 03 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị ít nhất 01 lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024

Từ ngày 15/4 đến hết ngày 19/4/2024, Lào Cai phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai. Trong đó, ngày 15/4 là ngày phát động đồng bộ thực hiện mặc trang phục truyền thống các dân tộc trên phạm vi toàn tỉnh.