Tạo “cú hích” cho nông nghiệp hàng hóa

“Trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, người dân chỉ thực hiện được một nửa, mới tạo ra sản phẩm nông nghiệp thô (sản phẩm chưa qua sơ chế, chế biến). Để tăng giá trị từ sản xuất nông nghiệp, phải có sơ chế, chế biến và sự tham gia của doanh nghiệp. Mường Khương xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực của từng xã, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bố trí xây dựng nhà máy chế biến để tạo liên kết sản xuất”, ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương khẳng định.
Nhà máy chế biến dứa đi vào hoạt động góp phần nâng cao giá trị sản phẩm dứa Mường Khương.       

Huyện Mường Khương có nhiều loại cây trồng hàng hóa của tỉnh với diện tích, quy mô lớn như chuối, dứa, chè… Thoát khỏi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, người dân địa phương đã từng bước tiếp cận với sản xuất tập trung theo quy trình, kỹ thuật của các bên thu mua. Các loại cây trồng hàng hóa đã mang lại nguồn thu ổn định, lâu dài cho người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất.

Loại cây trồng hàng hóa đầu tiên của Mường Khương là cây chè. Trong quá trình sản xuất chè, nông dân trực tiếp tham gia canh tác, chăm sóc, thu hái, thành quả là chè búp tươi nguyên liệu. Chè búp tươi được thu mua, chế biến bởi doanh nghiệp theo hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm được ký kết hằng năm. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, hợp đồng sản xuất sẽ ràng buộc về quy trình kỹ thuật, theo dõi, giám sát việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và ràng buộc về giá thành thu mua. Mối liên kết sản xuất này đã hình thành và phát huy hiệu quả qua hàng chục năm, góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng chè.

Để đảm bảo công bằng trong sản xuất, tăng tính cạnh tranh, tăng giá trị sản phẩm, các doanh nghiệp chế biến chè được thu hút đầu tư xây dựng thêm nhà máy. Năm 2020, thêm 1 nhà máy chè được đầu tư xây dựng, nâng tổng số doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất chè tại Mường Khương lên 4 đơn vị. Việc gia tăng sự cạnh tranh đã giúp giá chè búp tươi có thời điểm lên đến 9.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng đến 2.000 đồng/kg. Người dân cũng yên tâm sản xuất vì đầu ra được mở rộng.

Chị Tải Thị Hiền, thôn Na Hạ, xã Lùng Vai chia sẻ: Có thêm nhà máy chế biến thì người dân chúng tôi có thêm nhiều lựa chọn, thu nhập cũng cao hơn. Trước đây, chỉ có 1 nhà máy tại xã nên có những thời điểm công suất hoạt động của nhà máy quá tải, việc thu mua phải luân phiên dẫn tới chè quá lứa.

Không chỉ đối với cây chè, các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương đều được xác định sẽ thu hút sự tham gia liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân. Các sản phẩm như chuối, dứa, quýt, gạo Séng cù, ngô ngọt, rau trái vụ… đang từng bước có “bàn tay” của doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia bao tiêu, một số sản phẩm được sơ chế, chế biến sâu. Đây là tín hiệu vui, là “cú hích” cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương nhận định: Thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu, chế biến các loại nông sản là điều tất yếu, góp phần tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Thêm nhiều nhà máy sơ chế, chế biến thì giá trị các loại hàng hóa sẽ được tăng lên, người dân sẽ được hưởng lợi.

Cũng theo định hướng đó, những năm qua, huyện Mường Khương đã đánh giá, rà soát thế mạnh của từng xã, thị trấn, xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực để có hướng phát triển phù hợp. Trong đó, quan trọng nhất là sản xuất gắn với tiêu thụ, gắn với chế biến sâu, điều này nông dân không thể tự làm mà phải có doanh nghiệp tham gia.

Ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất hàng hóa. Khi tham gia liên kết với người dân, doanh nghiệp có thể hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón, kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đáp ứng tiêu chuẩn đầu ra. Doanh nghiệp có trách nhiệm liên kết tiêu thụ, điều tiết thời vụ, thu mua toàn bộ sản phẩm với mức giá đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, các cơ quan nhà nước giữ vai trò “trọng tài”. Bởi vậy, huyện Mường Khương sẽ quan tâm thực hiện vấn đề thu hút đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến các loại nông sản theo từng vùng hàng hóa của địa phương.

http://baolaocai.vn/bai-viet/213053-tao-cu-hich-cho-nong-nghiep-hang-hoa

Theo Thúy Phượng/LCĐT

Tin Liên Quan

Thực hiện quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu tại huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa

Đó là mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch Triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh Lào Cai.

Bánh chưng cốm của người Thái

Vùng đất Thẳm Dương (Văn Bàn) không chỉ nổi tiếng với giống nếp đệ nhất “nữ hoàng” Khảu Tan Đón, còn có món bánh chưng cốm đang được cấp ủy, chính quyền cùng đồng bào dân tộc Thái nơi đây xây dựng trở thành thương hiệu riêng.

Làng làm bánh chưng Ún Tà vào tết

Đến làng Ún Tà, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) những ngày tháng Chạp. Từ đầu làng, chúng tôi đã nghe tiếng máy cắt ống cây nứa, tiếng lách cách chẻ ống lam, đặc biệt là mùi gạo nếp thơm nức của những mẻ bánh chưng vừa luộc sẵn sàng phục vụ khách hàng chuẩn bị đón tết.

Dúa chỏ - Món quà vặt của vùng cao

Cách trung tâm huyện Bắc Hà khoảng 10 km, xã Hoàng Thu Phố có 5 thôn, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quần thể cây chè di sản và bất cứ du khách nào đến Hoàng Thu Phố cũng được người dân mời thưởng thức món “dúa chỏ” (bánh nếp đường)...

Tạo sự đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu

Việc mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát...

Bản Hồ mùa cốm mới

Khi tiết thu se lạnh, những ruộng lúa nếp bắt đầu chắc hạt, người dân xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) háo hức bước vào vụ cốm mới. Những hạt cốm màu xanh ngọc, dẻo thơm càng cuốn hút du khách đến với vùng đất này.