Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trên không gian mạng

Ngày 29/6, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận mở trực tuyến cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) về chủ đề “Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trên không gian mạng” do Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Chủ tịch HĐBA tháng 6/2021 chủ trì.
Phiên thảo luận mở trực tuyến cấp cao của HĐBA LHQ về chủ đề
“Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trên không gian mạng”
 
 

Tại Phiên họp, Phó Tổng Thư ký LHQ, Đại diện cấp cao về các vấn đề giải trừ quân bị Izumi Nakamisu nhận định những xu hướng tiêu cực trong lĩnh vực số có thể gây phương hại đến hòa bình, an ninh quốc tế, phát triển kinh tế bền vững, cản trở việc thụ hưởng đầy đủ quyền con người và các quyền tự do cơ bản khác; nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với những thách thức hiện nay với vai trò trung tâm của LHQ. Các nước thành viên HĐBA chia sẻ quan ngại về những hậu quả tiêu cực, phức tạp của các vụ tấn công mạng đối với an ninh, chủ quyền quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội; nhấn mạnh cần đề cao luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định môi trường không gian mạng, bên cạnh các biện pháp xây dựng lòng tin, nâng cao năng lực và phối hợp hành động giữa các quốc gia.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc đến mọi mặt đời sống quốc tế, góp phần thúc đẩy trao đổi tri thức nhân loại, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và đóng góp quan trọng vào phát triển bền vững ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ngày càng có nhiều phần tử khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia lợi dụng công nghệ để xâm nhập các hệ thống ngân hàng, tài chính, phá hoại các cơ sở hạ tầng thiết yếu, kích động bất ổn xã hội, truyền bá tư tưởng cực đoan và thông tin sai lệch tới cộng đồng; gây thiệt hại lớn đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền, an ninh, phát triển và làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia.

Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định an ninh mạng có ý nghĩa then chốt đối với hòa bình, an ninh, phát triển và thịnh vượng ở mọi cấp độ quốc gia và toàn cầu; chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia trên không gian mạng cần được tôn trọng một cách đầy đủ. Cần có giải pháp toàn cầu đối với an ninh mạng, theo đó, cộng đồng quốc tế cần thiết lập một khuôn khổ quốc tế với những quy tắc, chuẩn mực ứng xử có trách nhiệm trên không gian mạng, trên cơ sở đồng thuận và có sự tham gia rộng rãi, đầy đủ của các nước. Mọi hoạt động trên không gian mạng cần phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc cơ bản như tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Bộ trưởng bày tỏ quan ngại và phản đối sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông độc hại để tấn công các cơ sở y tế, điện, nước và lương thực; đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào việc tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng lòng tin và duy trì trách nhiệm bảo đảm an ninh trên không gian mạng.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin và truyền thông là xu hướng không thể đảo ngược và sẽ là bệ phóng của nhân loại trên hành trình vươn tới phồn vinh. Ý thức được xu thế này, Việt Nam đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số quốc gia và đang phấn đấu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP. Tại Đông Nam Á, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia các cơ chế an ninh mạng khu vực, trong đó có Chiến lược hợp tác An ninh mạng của ASEAN, đồng thời có quan hệ hợp tác song phương hiệu quả với nhiều nước và đối tác quốc tế trong lĩnh vực này. Việt Nam ủng hộ sẵn sàng hợp tác với các đối tác nhằm xây dựng một môi trường không gian mạng hòa bình, ổn định, an toàn, vì người dân và phát triển bền vững./

http://baochinhphu.vn/Quocte/Duy-tri-hoa-binh-va-an-ninh-quoc-te-tren-khong-gian-mang/436377.vgp

theo Báo Chính phủ

Tin Liên Quan

Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản: Góp phần tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết giữa hai nước

Kể từ lần đầu tiên được tổ chức năm 2008 theo sáng kiến của cố Thượng nghị sĩ Matsuda, "Lễ hội Việt Nam tại Công viên Yoyogi 2023" (Tokyo, Nhật Bản) là lễ hội lần thứ 15 và là một trong những hoạt động trọng tâm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, do...

Việt Nam là trung tâm trong quá trình xây dựng chiến lược quan hệ của Australia với Đông Nam Á

Hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Anthony Albanese cho biết Australia xác định Việt Nam là trung tâm trong quá trình xây dựng chiến lược quan hệ với khu vực Đông Nam Á.

Đường sắt Thống Nhất dẫn đầu top hành trình du lịch bằng tàu ngoạn mục nhất thế giới

Tuyến đường sắt Thống Nhất (đường sắt Bắc Nam) vừa dẫn đầu danh sách 9 hành trình du lịch bằng tàu ngoạn mục nhất thế giới do chuyên trang du lịch quốc tế nổi tiếng Lonely Planet bình chọn.

Lần đầu tiên, ấn phẩm chữ Quốc ngữ cổ ra mắt công chúng Pháp

Thư viện Đại học Ngôn ngữ và Văn minh (thủ đô Paris, Pháp) đang tổ chức trưng bày nhiều ấn phẩm chữ Quốc ngữ cổ của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên các ấn phẩm mang phông chữ tiếng Việt cổ được giới thiệu rộng rãi với công chúng Pháp.

Tổng Giám đốc IMF: Việt Nam là ngôi sao sáng và sẽ tăng trưởng gấp đôi so với mức tăng trưởng của toàn cầu

Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Giám đốc IMF nhận định Việt Nam là ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế thế giới, đánh giá cao chính sách điều hành kinh tế - xã hội của Việt Nam, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp 2 lần mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia Al Viettel giành giải Nhất cuộc thi trí tuệ nhân tạo quốc tế

Vượt qua 2.200 chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn thế giới, Nguyễn Hồng Đăng, chuyên gia của Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), đã giành giải Nhất tại cuộc thi "Phát hiện ung thư vú qua sàng lọc nhũ ảnh".