Luật Biển và 9 luật khác có hiệu lực từ 1/1/2013

Bắt đầu từ ngày đầu tiên của năm mới 2013, Luật Biển Việt Nam và 9 luật khác cùng có hiệu lực.

Được chuẩn bị từ Quốc hội khóa 12, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (giữa năm 2012) của Quốc hội khóa 13, Luật Biển Việt Nam đã được Chủ tịch nước công bố vào ngày 16/7/2012.

Đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, theo khẳng định của Luật Biển Việt Nam.

 

Với sự kiện này, lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng công ước Luật Biển năm 1982.

Gồm 7 chương, 55 điều, Luật Biển Việt Nam quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, theo khẳng định của Luật Biển Việt Nam.

Luật cũng đã quy định cụ thể nội hàm của việc đi qua không gây hại, hoạt động của tàu thuyền trong các vùng biển của Việt Nam. Đồng thời quy định rõ những hành vi mà tàu thuyền nước ngoài không được làm khi đi qua lãnh hải Việt Nam.

Cụ thể là không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cũng như của quốc gia khác. Luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào, thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam, tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam…

Theo quy định của Luật Biển Việt Nam, các cơ quan, tổ chức và mọi công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.  Nhà nước sẽ thực hiện các chính sách ưu tiên đối với nhân dân sinh sống trên các đảo và quần đảo; chế độ ưu đãi đối với các lực lượng tham gia quản lý và bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo.

9 luật khác cũng có hiệu lực từ 1/1/2013

Bên cạnh Luật Biển Việt Nam, 9 luật khác cũng có hiệu lực cùng thời điểm gồm: Luật Giáo dục đại học; Luật Công đoàn; Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Giá; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Giám định tư pháp; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước; Luật Phòng, chống rửa tiền.

Luật Giáo dục đại học gồm 12 Chương, 73 Điều thể hiện rõ quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và có các điều khoản giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo trong suốt quá trình sinh viên học tập tại trường.

Với 6 Chương, 33 Điều, Luật Công đoàn đã quy định rõ thêm trách nhiệm cơ quan nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp với hoạt động công đoàn và cơ chế giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.

Luật này cũng quy định các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Với Luật Bảo hiểm tiền gửi , Ngân hàng Nhà nước được xác định là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.

Dù còn nhiều tranh cãi khi thảo luận, luật cũng quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân mà không bảo hiểm tiền gửi của hộ gia đình tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.

Luật Giá  quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước thực hiện bình ổn giá gồm: xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm; phân NPK; thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Theo Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho cán bộ công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân.

Luật Giám định tư pháp quy định tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập hoạt động dưới hình thức văn phòng giám định tư pháp được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.

Ở Luật Quảng cáo, các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo được quy định rõ, bao gồm:  thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ, sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình vú, vú ngậm nhân tạo; thuốc kê đơn, thuốc được cơ quan nhà nước khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; sản phẩm hàng hóa có tính chất kích dục, kích động bạo lực; súng săn, đạn súng săn, vũ khí thể thao.

Luật Tài nguyên nước đã quy định cụ thể về các biện pháp phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và ứng phó và khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; quy định giám sát tài nguyên nước, các hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước, bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy; quy định hành lang bảo vệ nguồn nước, các biện pháp bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy... nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước để bảo vệ số lượng, chất lượng của nguồn nước và bảo vệ các dòng sông.

Luật Phòng, chống rửa tiền được đánh giá là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng chống rửa tiền ở Việt Nam.

Phòng, chống rửa tiền theo luật này được thực hiện chủ yếu thông qua việc thiết lập một cơ chế thu thập, xử lý các thông tin về nhận dạng khách hàng, thông tin về giao dịch bất thường, giao dịch có giá trị lớn để xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất, sàng lọc, xác định các giao dịch có nguy cơ liên quan đến hành vi rửa tiền được thực hiện thông qua các giao dịch tại các tổ chức tài chính, các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.

(theo TTXVN)

Tin Liên Quan

Sự kiện “Tuần Văn hoá – Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Từ ngày 27/4 - 3/5, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức “Tuần Văn hóa - Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024.

Phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1005/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu: Quân và dân Khu Tây Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Tây Bắc là địa bàn chiến lược cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng an ninh. Nhân dân Tây Bắc có truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường. Khu Tây Bắc được thành lập ngày 17/7/1952, gồm bốn tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, với diện tích 44.300 km2, dân số 440 nghìn người.

Thủ tướng dự gặp mặt, tri ân những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Sáng 17/4, tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự cuộc gặp mặt, tri ân đầy ý nghĩa và xúc động với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Bài học đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại lịch sử, tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân cả nước; biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; đồng...

Viettel khai trương Trung tâm dữ liệu có công suất tiêu thụ điện 30MW

Đây là Trung tâm dữ liệu (DC) thứ 14 của Viettel và là DC đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế công suất cao, với 60.000 máy chủ, 2.400 rack, 21.000m2 mặt sàn, tổng công suất điện 30MW.