Truyền thông thế giới ca ngợi “Đại tướng huyền thoại” Võ Nguyên Giáp.

Ngay sau khi thông tin Đại tướng Võ Nguyễn Giáp qua đời được truyền đi khắp thế giới, hàng loạt tờ báo lớn trên thế giới đã có các bài viết bày tỏ sự trân trọng vị danh tướng rất được yêu mến, kính trọng ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn “Nhân dân nhật báo” viết "Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà lãnh đạo quân sự quan trọng trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam đã qua đời, hưởng thọ 102 tuổi. Dù không khởi nghiệp từ quân nhân, nhưng vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhiều lần chỉ huy tác chiến thắng lợi, trong đó có chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Trong hai ngày nay, mạng Tân Hoa cũng liên tục đưa tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ca ngợi ông là vị anh hùng, là một huyền thoại ở Việt Nam, là người sáng lập ra quân đội nhân dân Việt Nam, đánh bại hai cường quốc quân sự trên thế giới. Mạng tin cũng đăng tải các ảnh tư liệu về Đại tướng - chân dung của Đại tướng, ảnh ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh những lần chỉ huy tác chiến, ảnh trên trang bìa tạp chí “Thời đại ” của Mỹ, tiếp Chủ tịch Cuba Fidel Cartro (Phi-đen Ca-xtơ-rô) và cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez (U-gô Cha-vết) tại nhà riêng ở Hà Nội.

Trang quân sự của mạng Hoàn Cầu nêu bốn điểm nổi bật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Ông là một trong những nhà sáng lập của quân đội Việt Nam; trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chỉ huy hàng loạt chiến dịch chống Pháp, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, dư luận phương Tây mệnh danh ông là “Hùm Xám Điện Biên”, và vào tháng 3/1972 Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát động cuộc tấn công “lễ Phục sinh” với quy mô lớn, khiến Mỹ bắt đầu quyết định thoát khỏi cuộc chiến tại Việt Nam; là người bạn tốt của người dân Trung Quốc, có công lớn trong việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; tạp chí “Thời đại” của Mỹ từng 3 lần đăng ảnh ông trên trang bìa, ông là nhân vật được tôn kính chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam.

Không đầy 12 giờ đồng hồ sau khi thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời được truyền đi khắp thế giới, mạng Phượng Hoàng đã mở trang riêng tập hợp hàng chục bài viết và tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông. Đài truyền hình trung ương CCTV đưa tin vào lúc 7h42’ ngày 5/10, các đài truyền hình khác cũng đã đưa tin và phát lại những thước phim về Đại tướng và gia đình ở nhà riêng.

Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, trong số ra ngày 6/10, tờ “Thương báo” ở Hong Kong đã dành 2/3 trang thời sự quốc tế đăng bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với tiêu đề “Danh tướng chống Pháp, chống Mỹ của Việt Nam Võ Nguyên Giáp, người mà kẻ địch cũng phải kính trọng đã từ trần, hưởng thọ 102 tuổi”, bài báo viết rằng trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp từ năm 1945 tới năm 1954, với cương vị Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy triển khai hàng loạt chiến dịch chống Pháp. Đặc biệt sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, danh tiếng của ông trở nên lẫy lừng. Sau đó, trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, tạp chí “Thời đại” đã ba lần đăng ảnh ông Võ Nguyên Giáp trên trang bìa (tháng 1/1966, tháng 2/1968 và tháng 5/1972). Trong số tháng 5/1972, tạp chí “Thời đại” dẫn đánh giá của người Pháp, gọi ông Võ Nguyên Giáp là “núi lửa phủ tuyết trắng”, miêu tả ông là một kỳ tài quân sự, bên ngoài phẳng lặng nhưng nội tâm sục sôi. Tờ báo dẫn lời Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận định Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "nhân vật anh hùng huyền thoại của Việt Nam".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những gương mặt chính trị vĩ đại cuối cùng của thế kỷ 20. Cha đẻ của nền độc lập cùng với Hồ Chí Minh, vị anh hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ trưởng Quốc phòng thời chiến tranh, ông là vị tướng duy nhất có thể tự hào cùng lúc chiến thắng quân đội Pháp và Mỹ.

 Nhà báo Algeria Philippe Paquet
Tờ “Minh báo” cùng ngày đưa tin "Vị anh hùng độc lập được tôn kính ở Việt Nam, ông Võ Nguyên Giáp đã từ trần, hưởng thọ 102 tuổi". Tờ báo nêu rõ ông Võ Nguyên Giáp từng lãnh đạo quân đội Việt Nam đánh bại quân đội Pháp và quân đội Mỹ. Các nhà lịch sử đã đặt ông ở vị trí ngang với các danh tướng như Montgomery (Anh), Rommel (Đức) và MacArthur (Mỹ)…
 
Tờ “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” số ra ngày 4/10 đã dành hơn nửa trang “châu Á” để đăng bài và ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gồm ảnh thành lập Đội Việt Nam Tuyên tuyền Giải phóng quân năm 1944, ảnh với Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1950, gặp Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông năm 1959, gặp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara năm 1997 và gặp gỡ phụ nữ dân tộc thiểu số ở Điện Biên Phủ năm 2004.

Theo phóng viên TTXVN tại Algeria, hãng thông tấn Nhà nước và các báo lớn của Algeria ngày 5/10 đều trích đăng thông cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, đăng ảnh và đưa đậm tin ca ngợi những công lao của Đại tướng đối với dân tộc Việt Nam, lịch sử quân sự thế giới và độc lập của các dân tộc.

Hãng thông tấn quốc gia Algeria (APS) ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "vị tướng huyền thoại", người "anh hùng của dân tộc Việt Nam". Trong con mắt của giới báo chí Algeria, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "kiến trúc sư thắng lợi của Việt Nam" trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ (báo Liberté), "người anh hùng của nền độc lập Việt Nam và chiến lược gia trận Điện Biên Phủ" (El Watan), người khiến quân Pháp "thua đậm" ở Điện Biên Phủ (El Moudjahid), một "chiến lược gia quân sự ngoại hạng" (L'Expression), "một trong những chiến lược gia quân sự quan trọng nhất trong lịch sử mà các tướng Pháp và Mỹ cũng phải thừa nhận" (Liberté).

Dư luận Algeria coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "một người bạn lớn của nhân dân Algeria" (theo APS), người đã "làm rạng danh cuộc đấu tranh của các dân tộc chống thực dân và ách thống trị của nước ngoài" (L'Expression), "đi vào lịch sử quân sự và các công trình nghiên cứu quân sự và chiến lược của thế giới (Le Temps d'Algérie) và là người "được tất cả nể trọng, kể cả các địch thủ của ông" (Horizons).

"Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những gương mặt chính trị vĩ đại cuối cùng của thế kỷ 20. Cha đẻ của nền độc lập cùng với Hồ Chí Minh, vị anh hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ trưởng Quốc phòng thời chiến tranh, ông là vị tướng duy nhất có thể tự hào cùng lúc chiến thắng quân đội Pháp và Mỹ". Tác giả Philippe Paquet  đã viết như vậy trong bài báo đăng trên tờ La Libre (Tự do) của Bỉ số ra ngày 5/10 sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời.

Trong bài báo, tác giả điểm lại những nét chính trong cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Là học sinh trường trung học Pháp Albert Sarraut (An-be Xa-rô), sau đó là sinh viên Đại học Đông Dương, ông rất giỏi tiếng Pháp nhưng sớm bộc lộ lòng căm ghét chủ nghĩa thực dân. Sau khi gia nhập Đảng Cộng sản và được cử sang Trung Quốc học tập, ông trở về nước và thể hiện sự tự tin và sắc bén trong các cuộc đàm phán với Tướng Salan (Xa-lanh).

Nhà báo Philippe Paquet nhấn mạnh: "Mọi người đều biết chính trong lòng chảo Điện Biên Phủ, số phận của Pháp ở Đông Dương đã bị quyết định vào tháng 5 năm 1954". Tác giả cũng khẳng định "chính tướng Giáp là người lật đổ chế độ ngụy quyền Nam Việt Nam do Mỹ bảo trợ để thống nhất đất nước". Kết luận bài báo, tác giả miêu tả: "Dù bận rộn nhưng Tướng Giáp luôn dành thời gian trả lời phỏng vấn báo chí và ông luôn thể hiện là một người khiêm tốn, giản dị, thậm chí rất bình thường. Vì thế ông đã đi vào lòng dân, đúng như hàng loạt điện chia buồn đăng tải dày đặc trên các mạng xã hội sau khi thông tin ông từ trần được công bố".
 
Báo chí Pháp ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 
Báo chí Pháp tôn vinh ông là “một trong những nhà chiến lược quân sự lỗi lạc nhất của Lịch sử thế giới”.
 
Ngày 4 và 5/10, các Hãng truyền thông và báo chí của Pháp đã đăng tải đậm nét thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, hưởng thọ 103 tuổi, với nhiều bài viết bày tỏ sự ngưỡng mộ, ca ngợi thiên tài quân sự của Đại tướng, tôn vinh ông là “một trong những nhà chiến lược quân sự lỗi lạc nhất của Lịch sử thế giới”, “nhà chiến lược của chiến tranh nhân dân của Việt Nam”.
 
Ngay từ chiều ngày 4/10, nhiều tờ báo lớn của Pháp đã đăng tải nhiều bài viết ca ngợi thiên tài quân sự và công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Báo “Nhân đạo” (L’Humanité) đăng bài viết của tác giả Daniel Roussel – người đã từng nhiều lần được trực tiếp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với tựa đề “Tướng Giáp – nhà chiến lược cho tự do, đã từ trần”, bài báo ca ngợi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – “huyền thoại sống của Việt Nam, là một trong những tướng lĩnh tài năng, một nhà chiến lược của chiến tranh nhân dân”.
 
Đại tướng là nhà chiến lược làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm dứt cuộc chiến tranh thực dân của Pháp ở Đông Dương năm 1954. Sau đó, buộc đế quốc Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vào năm 1973 và năm 1975, đánh bại quân đội “bù nhìn” miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước.
 
Điểm đặc biệt trong bài báo, tác giả Daniel Roussel kể về những tâm sự của Đại tướng, từ chuyện về những âm mưu của Pháp và Mỹ trong trận Điện Biên Phủ hòng “giương ra một cái bẫy” để thu hút quân đội Việt Minh “rời xa căn cứ của mình, tới lòng chảo Điện Biên để bị tiêu diệt”, tới những lời khuyên của các cố vấn Trung Quốc về việc tiến hành chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” và quyết định lịch sử nhưng khó khăn nhất trong đời Đại tướng về việc thay đổi cách đánh một cách thuyết phục để giành chiến thắng hoàn toàn trước thực dân Pháp.
 
Sau cuộc chiến tranh chống Pháp, Đại tướng cũng là một trong những người thiết kế và khởi xướng ra việc xây dựng con đường Trường Sơn huyền thoại... Tác giả khép lại bài báo với lời khẳng định của Đại tướng: “Trong lịch sử của Việt Nam, mỗi khi chúng tôi tự quyết định một chính sách độc lập và sáng tạo, chúng tôi đều đã giành thắng lợi”.
 
Báo “Người Paris” (Le Parisien) đã sử dụng tựa đề ngắn gọn, nhưng đầy ý nghĩa: “Việt Nam: tướng Giáp – “người đào mồ” chôn quân đội Pháp, đã từ trần”. Bài báo đăng hình ảnh Đại tướng, tuy đã già nhưng với gương mặt cương nghị, và cái nhìn quả quyết, đầy sức thuyết phục với hàng chú thích: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh hùng quân sự cho nền độc lập của Việt Nam và là người làm tan vỡ thế trận của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ.
 
Bài báo ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “một trong những nhà chiến lược quân sự lỗi lạc nhất” của Lịch sử. Tên tuổi và ảnh hưởng của ông đã vượt qua biên giới của lãnh thổ Việt Nam, tạo nguồn cảm hứng cho các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc từ châu Á qua châu Phi, đặc biệt là tại Algeria”.
 
Báo “Giải phóng” (Libération) thì dùng từ “huyền thoại” khi viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng thời trích dẫn nhận xét nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay: “Đằng sau mỗi chiến thắng, người ta luôn tìm thấy ở Đại tướng nguồn sức mạnh và động lực”.
 
Bài báo cũng nhắc lại những tình cảm yêu mến, sự ngưỡng mộ, sự trân trọng, ghi nhận công ơn của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đối với những đóng góp to lớn của Đại tướng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đặc biệt tại các lễ kỷ niệm 40 năm (1994) và 50 năm (2004) chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật của Đại tướng.
 
Các báo khác như báo Paris Match, báo “Chữ thập” (La Croix)... cũng đăng tải nhiều bài viết ca ngợi công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như là “nhà kiến trúc sư cho những thắng lợi của Việt Nam trước thực dân Pháp và đến quốc Mỹ” – những chiến thắng đã đưa ông trở thành “biểu tượng gần gũi”, một “hình ảnh biểu tượng cho nước Việt Nam mới”, sau Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Và như những tư liệu mà báo Paris Match còn giữ được về bài viết của phóng viên của báo đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian chiến tranh thì “ngay từ đầu, Đại tướng đã đi vào huyền thoại. Vị Tổng Tư lệnh không giống với một Tổng Tư lệnh và chia sẻ với những điều kiện sống khó khăn của binh sĩ của mình. Ông thực sự là một thiên tài quân sự về sự táo bạo không thể lường trước so với những tư duy thông thường”.
 
Bài báo nêu ngay từ năm 1944 – khi vừa trở về Đông Dương, mặc dù chưa hề trải qua các khóa học về quân sự, nhưng “những bài học lịch sử trong sách vở và kinh nghiệm thực tế trên chiến trường” đã nhanh chóng dạy ông cách tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân để giành thắng lợi trước các kẻ thù có sức mạnh và tiềm lực gấp nhiều lần.
 
Báo chí phương Tây "nghiêng mình" trước Tướng Giáp
 
“Vị tướng huyền thoại của quân đội nhân dân Việt Nam qua đời”, đây là tiêu đề được nhiều báo chí phương Tây đồng loạt đăng tải.
Hãng tin AFP đã ca ngợi Đại tướng là nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc đã dẫn dắt một quân đội Việt Nam còn non trẻ chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hùng mạnh.
 
Hãng thông tấn Pháp cũng nhấn mạnh rằng Đại tướng là anh hùng dân tộc, một người quan trọng thứ 2 sau người thầy của mình, lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh.
 
Được ví như "Napoleon đỏ", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội quân chân đi dép lốp mang những khẩu pháo băng rừng vượt suối bao vây và đánh tan quân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Chiến công vĩ đại này của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân tại bán đảo Đông Dương và trên toàn thế giới.
 
“Giống như một tia lửa lóe lên làm nổ tung cả “thùng thuốc súng khổng lồ thực dân”. Chỉ chưa đầy nửa tháng sau trận Điện Biên Phủ, cuộc chiến tranh giành độc lập của Algeria bắt đầu nổ ra trong ngày Lễ Các Thánh (1/11/1954). Điện Biên Phủ chính là khởi nguồn của cuộc chiến tranh này”, sử gia Pháp Huegues Tertrais nhận xét với hãng thông tấn AP của Mỹ.
 
Trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế năm 2004 nhân dịp 50 chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Nếu một đất nước quyết tâm đứng lên thì ý chí của nó sẽ rất mạnh mẽ. Chúng tôi rất tự hào vì Việt Nam là nước thuộc địa đầu tiên dám đứng lên và dành độc lập cho mình”.
 
Sau đó ông còn lãnh đạo nhân dân Việt Nam chiến thắng quân Mỹ, giải phóng miền nam thống nhất đất nước năm 1975.
 
Báo Skynews của Australia còn trích đăng đoạn phỏng vấn nổi tiếng của Đại tướng với kênh PBS trong đó ông nói :”Khi tôi còn trẻ, tôi luôn mong một ngày mình được nhìn thấy đất nước mình được tự do và độc lập. Đấy chính là ngày mà ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực”.
 
Theo nhà báo người Mỹ Stanley Karnow, tài năng của Đại tướng giúp ông xứng đáng có tên trong “ngôi đền Panthenon của các nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại” cùng với Quận công Wellington, Ulysses S. Grant và Tướng Douglas MacArthur. “Tuy nhiên, không giống họ, tài năng của ông là thiên bẩm chứ không phải qua trường lớp đào tạo chính quy”.
 
Tờ New York Times ngợi ca Đại tướng là người cuốn hút, đầy nhiệt huyết, có kiến thức về lịch sử quân sự uyên thâm và và một người theo chủ nghĩa dân tộc mãnh liệt biết sử dụng ảnh hưởng sâu rộng của mình để khuyến khích quân đội cống hiến hết mình cho tổ quốc.
 
Rất nhiều người ngưỡng mộ ông đã đặt ông bên cạnh các tướng lĩnh nổi tiếng như Thống chế Rommel và nhiều nhà chỉ huy quân sự vĩ đại khác của thế kỷ 20.
 
“Ông ấy học rất nhanh từ những lỗi lầm của mình và không bao giờ lặp lại chúng nữa”, Tướng Marcel Bigeard, một đại tá trẻ thuộc đội lính dù Pháp thất bại trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã bộc bạch như vậy với Peter G. Macdonald, một trong số nhiều người viết tiểu sử về Đại tướng.
Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa John McCain, một cựu phi công hải quân bị bắn và giam giữ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã bày tỏ lòng kính trọng của ông với Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua trang Twitter cá nhân của mình: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời. Ông là nhà chiến lược quân sự lỗi lạc, người đã từng nói với tôi rằng chúng tôi là “những kẻ thù danh dự”.
 
“Mong Đại tướng yên nghỉ, ông vẫn luôn là vị tướng vĩ đại nhất của chúng tôi”, là nội dung được rất nhiều người tiếc thương trước sự ra đi của Đại tướng chia sẻ trên các báo mạng quốc tế.
 
Dưới đây là những hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được phóng viên quốc tế ghi lại trong suốt sự nghiệp vẻ vang của ông:
 
Đại tướng tại tư gia ngày 4/8/2008 (Ảnh Reuters) 
 
Ngày 22/12/1944 Đại tướng đọc sắc lệnh đầu tiên cho đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại Cao Bằng (Ảnh AP) 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng ở bên ngoài Bắc Bộ Phủ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 (Ảnh AP) 
 
Đại tướng vào ngày 22/5/1954 (Ảnh AP) 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng năm 1946 (Ảnh Getty Images) 
 
Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm Đại tướng tại Hà Nội ngày 22/2/2003 (Ảnh Reuters) 
 
Đại tướng gặp Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tại Hà Nội ngày 1/8/2006 (Ảnh Reuters) 
 
Đại tướng tiếp Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo ngày 18/4/2005 (Ảnh Reuters)
(theo vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Tỉnh Đắk Nông Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập và Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh

Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004-1/1/2024) có ý nghĩa chính trị sâu sắc, là sự kiện quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Nông. Đây là chương trình trọng tâm chào mừng 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông.

Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang

Ngày 24/3/2024, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”

Khi đề cập đến những nhiệm vụ trong giai đoạn sắp tới, trong phần thứ ba của bài viết Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Ðảng và...

Kinh tế chuyển biến tích cực hơn

Hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đều đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, tạo động lực mới, khí thế mới và đà phát triển thời gian tới. Tuy nhiên để thúc đẩy tăng trưởng, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, sản xuất...

Kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch

Nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta kiên quyết đấu tranh với các tổ chức, cá nhân có hành vi lan truyền, tiếp tay, cổ súy những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ. Đồng thời, những biểu hiện thờ ơ, vô cảm, né tránh không dám đấu tranh với các quan...

Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy

Sau vụ cháy tòa nhà cao tầng trên phố Ô Chợ Dừa, Hà Nội vào sáng 12/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có Công điện số 21/CĐ-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy gửi Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.