Hoạt động đối ngoại tháng 9: Nâng cấp các quan hệ song phương

Hoạt động ngoại giao tháng 9 diễn ra sôi động với nhiều chuyến thăm quốc tế của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta, và các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo các nước nhằm nâng tầm các quan hệ song phương và triển khai những thỏa thuận đã được ký kết.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 68, ngày 27/9. Ảnh: VGP

Sự kiện ngoại giao đáng chú ý nhất tháng 9 chính là chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp và tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 68 tại Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 24-28/9.

Tiếp nối thông điệp Shangri-La

Từ ngày 26-28/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng với tiêu đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo” tại Phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 68 diễn ra tại New York, Hoa Kỳ.

Một lần nữa, thông điệp về xây dựng “Lòng tin chiến lược” lại được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu lên ở tầm mức toàn cầu. Điều đó khẳng định tinh thần trách nhiệm của Việt Nam muốn góp phần củng cố hòa bình, giải quyết các xung đột trên thế giới, đóng góp tích cực vào công việc chung của cộng đồng thế giới, với hai trụ cột chính là hòa bình và phát triển.

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tuyên bố với toàn thế giới về việc “Việt Nam đã sẵn sàng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ”. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng “Việt Nam đã và sẽ mãi mãi là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” với cam kết “không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho riêng mình mà còn góp phần tích cực bảo đảm an ninh lương thực thế giới”.

 

Bên lề Phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 68, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ các nhà lãnh đạo cao cấp của LHQ: Hội kiến Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon; gặp và làm việc với Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) Helen Clack, Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Anthony Lake, Giám đốc Chấp hành Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) Babatunde Osotimehin, qua đó, thúc đẩy quan hệ Việt Nam-LHQ nói chung và với các cơ quan chuyên môn của LHQ nói riêng.

Cũng trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Penny Pritzker; hội kiến Thủ tướng Haiti Laurent Salvador Lamothe, Thủ tướng Moldova Yuri Lianke; tiếp lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): Chủ tịch WB Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc điều hành WB Sri Mulyani Indra Wati, Tổng Giám đốc IMF Christine Largarde.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: VGP

Nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với Pháp và Singapore

Dấu mốc nổi bật trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp (từ 24-26/9) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là việc lãnh đạo hai nước ký Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt-Pháp lên đối tác chiến lược.

Trong bài phát biểu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ví quan hệ hai nước như “con tàu đang căng buồm lướt sóng” dù “trải qua nhiều bão tố, sóng gió”, con tàu ấy vẫn “không bao giờ chìm đắm" và sẽ đi tới “bến bờ của sự thành công”. Bản Tuyên bố chung được Thủ tướng hai nước ký kết tại Paris chính là văn kiện khẳng định “con tàu quan hệ hai nước đã cập bến bờ của tình hữu nghị và sự hợp tác thành công”. Đây chính là hình mẫu cho sự hợp tác Đông-Tây, giữa Pháp, một quốc gia công nghiệp hàng đầu ở châu Âu và Việt Nam, một nước đang phát triển năng động ở Đông Nam Á”.

Trong chuyến thăm chính thức Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp, làm việc với nhiều nhà lãnh đạo và chính trị gia cao cấp của Pháp: Bộ trưởng Quốc phòng Le Drain, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Pierre Laurent; đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu của Pháp… nhằm cụ thể hoá mối quan hệ nay đã bước sang một giai đoạn mới toàn diện hơn.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long. Ảnh: VGP

Việc Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thăm chính thức Việt Nam từ ngày 11-13/9; và hai bên đã tuyên bố chính thức nâng cấp quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Singapore thành đối tác chiến lược với 5 trụ cột: Làm sâu sắc thêm quan hệ chính trị tin cậy lẫn nhau; tăng cường hợp tác kinh tế; nâng cao hợp tác an ninh quốc phòng; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác (giáo dục, pháp luật, y tế, văn hóa-nghệ thuật-thể thao); và tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực là hoạt động rất đáng chú ý trong tháng 9.

Singapore là đối tác chiến lược thứ 3 của Việt Nam ở Đông Nam Á, chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy tin cậy chính trị và đẩy nhanh việc rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực, hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

 

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 7-11/9. Ảnh: TTXVN

Làm sâu sắc quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc

Từ ngày 7-11/9, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã thăm cấp Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Việc bà Park Geun Hye chọn Việt Nam là điểm công du nước ngoài thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc kể từ sau khi nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc cho thấy Việt Nam là đối tác hợp tác kinh tế quan trọng đối với Hàn Quốc.

Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Park Geun Hye đã khẳng định việc chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong chuyến công du các quốc gia ASEAN bởi Hàn Quốc luôn coi trọng mối quan hệ hữu hảo với Việt Nam và quyết tâm sẽ phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác này.

Trong thời gian chuyến thăm, Tổng thống Park Geun-hye đã hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên nhất trí phấn đấu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỷ USD vào năm 2020, đồng thời cải thiện cán cân thương mại song phương; thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc phát triển thực chất hơn.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt có cuộc gặp gỡ ngắn với báo chí. Ảnh: vov.vn

Tăng cường quan hệ với Đan Mạch và Hungary

Nhận lời mời của Nữ hoàng Margrethe II, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm cấp Nhà nước Đan Mạch từ ngày 18-20/9.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt, hai nhà lãnh đạo đã thống nhất nâng quan hệ hai nước từ đối tác chiến lược trong một số lĩnh vực thành quan hệ đối tác toàn diện.

Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương phát triển cả về bề rộng và chiều sâu trong thời gian tới trên các lĩnh vực ưu tiên như chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, khí hậu-năng lượng-môi trường-tăng trưởng xanh, giáo dục-nghiên cứu, văn hóa-giao lưu nhân dân.

 

Tổng thống Hungary Ader Janos và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ báo chí sau hội đàm. Ảnh: TTXVN

Trước đó, từ ngày 15-17/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm cấp Nhà nước tới Hungary theo lời mời của Tổng thống Hungary Ader Janos.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Tổng thống Ader Janos; hội kiến Thủ tướng Viktor Orban, Chủ tịch Quốc hội Lászlo Kover.

Hai bên nhất trí cho rằng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, quản lý nước, y tế, giáo dục và nông nghiệp sẽ là những trọng tâm mới trong quan hệ kinh tế song phương thời gian tới.

Hai bên đã ký “Hiệp định về dẫn độ tội phạm giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hungary” và “Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hungary” ; “Thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực quản lý nước” giữa hai Chính phủ; “Hiệp định về hợp tác đào tạo, nghiên cứu, pháp quy và kỹ thuật trong sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình”; Kế hoạch hợp tác văn hóa giai đoạn mới và Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thể dục, thể thao; Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Nguồn nhân lực Hungary.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong, Tổng thống Myanmar Thein Sein, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hội chợ - Hội nghị ASEAN-Trung Quốc. Ảnh: VGP

Cam kết hội nhập khu vực

Từ ngày 2-3/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự Hội chợ ASEAN-Trung Quốc lần thứ 10 (CAEXPO 10) và Hội nghị Thượng đỉnh về Thương mại và Đầu tư ASEAN-Trung Quốc (CABIS 2013) tại TP. Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang-Quảng Tây, Trung Quốc.

Đây là hoạt động tiếp tục thể hiện cam kết hội nhập khu vực của Chính phủ Việt Nam, đồng thời khẳng định sự coi trọng của Đảng và Nhà nước ta trong việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc, góp phần củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai nước.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: VGP

Trong dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa Lý Khắc Cường, hội kiến Chủ tịch Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Trần Vũ và Tỉnh trưởng Vân Nam Lý Kỷ Hằng, trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Khắc Cường nhất trí thúc đẩy hợp tác thực chất cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế-thương mại, nỗ lực hoàn thành trước thời hạn mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỷ USD vào năm 2015, đồng thời thực hiện cân bằng thương mại, giảm dần nhập siêu của Việt Nam.

Hai bên nhất trí việc cần cùng nhau duy trì hoà bình, ổn định tại Biển Đông, kiểm soát tốt tình hình trên biển, giải quyết thoả đáng mọi vấn đề thông qua đàm phán hòa bình.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Đường sắt Moscow - Ảnh: VGP

Thúc hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ với LB Nga

Trung tuần tháng 9 (từ 15-17/9), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có chuyến thăm và làm việc tại LB Nga nhằm thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nga trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ.

Trong chuyến thăm Nga, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện nhân đã dự và phát biểu tại Hội thảo “Hợp tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ - Nền tảng để phát triển bền vững đối tác chiến lược giữa Việt Nam và LB Nga”; hội kiến Phó Chủ tịch thứ nhất Duma Quốc gia Nga Melnicov, quyền Bộ trưởng Khoa học và Giáo dục LB Nga A. B Povalko; hội đàm với Phó Thủ tướng Golodest O.IU.

Chính phủ Nga đã thống nhất đồng ý chuyển giao toàn bộ công nghệ bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phía Việt Nam để Việt Nam chủ động trong công việc đặc biệt này.

Hai bên tiếp tục các biện pháp mạnh mẽ mang tính đột phá để đưa hợp tác kinh tế phát triển mạnh hơn, như sớm ký kết Thỏa thuận thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan nhằm nâng kim ngạch song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và tại Liên bang Nga; triển khai Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 với chất lượng tốt nhất, an toàn, hiệu quả và đúng tiến độ.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng Italy Angelino Alfano. Ảnh VGP

Triển khai các thỏa thuận đã ký kết với Italy và Bỉ

Nhận lời mời của Chính phủ Cộng hòa Italy và Vương quốc Bỉ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải thăm chính thức Cộng hòa Italy và Vương quốc Bỉ từ ngày 23-27/9.

Trong thời gian thăm Italy (từ ngày 23-25/9), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã hội đàm với Phó Thủ tướng Italy Angelino Alfano; gặp Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Italy Fabrizio Saccomann; Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Italy Flavio Zanonato.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Chủ tịch EC phụ trách công nghiệp và doanh nghiệp Antonio Tajani. Ảnh: VGP

Từ ngày 25-28/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thăm và làm việc tại Ủy ban châu Âu (EC), gặp gỡ cộng đồng các DN châu Âu, gặp Tỉnh trưởng West Flanders, ông Carl Decaluwe; hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế Bỉ Johanne Van de Lanotte; gặp Cao ủy Thương mại của Ủy ban châu Âu Karel De Gutch.

Chuyến thăm chính thức hai nước của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhằm khẳng định chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam; triển khai thực hiện kết quả các chuyến thăm Italy và Bỉ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với hai nước trên các lĩnh vực.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Timor-Leste Kay Rala Xanana Gusmão. Ảnh: VGP

Trong tháng 9 còn diễn ra nhiều hoạt động ngoại giao khác: Hai vị nguyên thủ sang thăm Việt Nam (Thủ tướng Timor-Leste Kay Rala Xanana Gusmao sang thăm chính thức từ 3-5/9 và Quốc vương Malaysia Apdul Halim Mu’adzam Shah cùng Hoàng hậu thăm cấp Nhà nước từ 5-8/9). Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính New Zealand Bill English (16-17/9); hai bộ trưởng Nhật Bản là Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera (15-17/9), Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Akihiro Ohta (13-14/9); Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba Rodrigo Malmierca Diaz (18-19/9); Tư lệnh Vận tải Hoa Kỳ Đại tướng William Fraser (20-23/9).

Với nhiều chuyến thăm quốc tế của lãnh đạo cấp cao Việt Nam diễn ra trong tháng 9 và những kết quả tích cực đã đạt được không chỉ nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn thể hiện rõ Việt Nam đang triển khai tích cực đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. /.

(theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Sự kiện “Tuần Văn hoá – Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Từ ngày 27/4 - 3/5, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức “Tuần Văn hóa - Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024.

Phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1005/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu: Quân và dân Khu Tây Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Tây Bắc là địa bàn chiến lược cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng an ninh. Nhân dân Tây Bắc có truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường. Khu Tây Bắc được thành lập ngày 17/7/1952, gồm bốn tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, với diện tích 44.300 km2, dân số 440 nghìn người.

Thủ tướng dự gặp mặt, tri ân những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Sáng 17/4, tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự cuộc gặp mặt, tri ân đầy ý nghĩa và xúc động với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Bài học đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại lịch sử, tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân cả nước; biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; đồng...

Viettel khai trương Trung tâm dữ liệu có công suất tiêu thụ điện 30MW

Đây là Trung tâm dữ liệu (DC) thứ 14 của Viettel và là DC đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế công suất cao, với 60.000 máy chủ, 2.400 rack, 21.000m2 mặt sàn, tổng công suất điện 30MW.