Người mở đường làm kinh tế biển

Tính việc mở đường ra biển làm kinh tế biển đảo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt chú ý đến việc kết hợp kinh tế với quốc phòng.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa) trên một con tàu hải quân tháng 3/1973. Ảnh tư liệu

Là người đã có quyết định giải phóng các đảo ở Biển Đông trước cả ngày giải phóng Sài Gòn, Đại tướng rất tha thiết với việc làm kinh tế biển đảo để đồng thời giữ vững chủ quyền của biển đảo.

Ngay từ năm 1977, ở cương vị Phó Thủ tướng, ông đã đề xuất một chiến lược về khoa học biển và kinh tế miền biển, trình bày ở Hội nghị về biển lần thứ nhất ở nước ta, tại Nha Trang ngày 2/8/1977.

Bài nói của Đại tướng đã được NXB Sự thật in thành sách năm 1977. Trong đó, Đại tướng đã phân tích tiềm năng to lớn và vị trí rất quan trọng của biển đảo nước ta đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tướng đã nêu rõ phương hướng xây dựng và phát triển kinh tế biển đảo, chỉ ra mục tiêu nghiên cứu của các ngành khoa học kỹ thuật về biển có thể làm và cần làm ở nước ta.

Đại tướng nói với các nhà khoa học: “Chúng ta cần phải nhanh chóng khắc phục sự lạc hậu trong hiểu biết về biển cả, để góp phần thúc đẩy việc khai thác tốt hơn những nguồn lợi mà biển cả sẽ đem lại cho đất nước ta.

Chúng ta nghiên cứu không phải để mà nghiên cứu, để thỏa mãn trí tò mò. Phải đi sâu vào hướng ứng dụng vào sản xuất, đời sống”.

Sau ý kiến đầu tiên ấy, Đại tướng đã đề xuất một số vấn đề về cơ cấu kinh tế miền biển.

Trước hết có nghề cá, nghề thủy sản, rồi còn có nông nghiệp biển, công nghiệp biển, nghề hàng hải, bến cảng, kho cảng, thương nghiệp thủy sản nội và ngoại thương, có công nghiệp bảo quản và chế biến thủy sản nuôi trồng và hải sản đánh bắt, có sự thực hiện cơ khí hóa ngành muối (không để diêm dân làm muối bằng chân tay vất vả như hiện nay), có việc sử dụng năng lượng thủy triều, năng lượng gió.

Đại tướng chỉ rõ: “Việc khai thác dầu khí ngoài biển Việt Nam đã là chuyện trước mắt. Việc sử dụng năng lượng thủy triều ở bờ biển nước ta chứa đựng một tiềm lực quan trọng về năng lượng là rất quý. Có thể có những kiểu máy điện thủy triều được không? Các đồng chí vật lý biển phải trả lời vấn đề này, ngành cơ khí phải đi trước một bước.

Trong việc phát triển công nghiệp nặng và giao thông, có việc đóng tàu vận tải biển, tàu đánh cá, tàu cứu hộ, tàu hút bùn, nhà máy đóng tàu đầu tiên ta đã có ở miền Bắc, từ trong lúc đang kháng chiến chống Mỹ cứu nước đấy”.

Để phát triển nhiều ngành kinh tế biển, ngay từ bài nói ở Hội nghị năm 1977, Đại tướng nhấn mạnh đến vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, nhưng đã sớm nghĩ đến cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, trong đó thành phần tư nhân được ông rất chú ý.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại hội thành lập Hội Liên hiệp Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam. Ảnh tư liệu

Chín năm sau, năm 1986, Đại hội Đảng lần VI, Đại hội của đổi mới đã thông qua chủ trương mở rộng nhiều thành phần kinh tế như Đại tướng đã đề xuất từ năm 1977, không chỉ để tồn tại hai thành phần quốc doanh và hợp tác xã.

Năm 1977, Đại tướng cũng đã đề xuất cơ cấu: Nhà nước Trung ương lập kế hoạch phát triển từng vùng (không để các tỉnh tự phát làm kế hoạch địa phương, dẫn đến tình trạng bố trí kế hoạch đầu tư chồng chéo tùy tiện). Nhà khoa học giúp đỡ địa phương ứng dụng khoa học kỹ thuật để thực hành sản xuất, kinh doanh hợp lý.

Đi thăm các địa phương nhiều vùng biển, Đại tướng thấy:

“Ngành sinh học biển phải đi sâu, thúc đẩy phương hướng kinh tế này.

Cần phải từ đặc điểm của từng vùng biển có những điều kiện vật lý như nhiệt độ, độ mặn, ánh sáng chiếu xuống như thế nào, rồi áp suất sóng, thủy động lực, dòng chảy như thế nào, để kết luận xem những vùng nào nuôi được loại cá nào là thích hợp nhất.

Ta phải làm gì từ bây giờ, làm sao để kết hợp khoa học hiện đại nhất với việc tổng kết những kinh nghiệm, với khả năng sáng tạo của nhân dân lao động. Các đồng chí cũng biết rằng tất cả những sáng kiến phát minh không phải chỉ do các nhà bác học tìm ra mà thôi”.

Đại tướng hết sức coi trọng việc đào tạo và sử dụng cán bộ khoa học: “Tôi không tán thành việc sử dụng bất hợp lý các cán bộ nghiên cứu của chúng ta. Cần phải kiểm kê lại tình hình sử dụng cán bộ.

Sau khi giải phóng miền Nam, chúng ta có thêm những cán bộ khoa học kỹ thuật về biển, đã làm việc dưới chế độ cũ-cần phải hết sức trọng dụng những cán bộ đó, làm sao cho anh chị em phát huy tài năng và trí tuệ để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước ta”.

Trong tầm nhìn rất sâu rộng của Đại tướng, phát triển kinh tế biển không phải chỉ bằng một ngành ngư nghiệp đánh bắt cá, mà còn phải nuôi nhiều loài thủy hải sản, phải trồng trọt thực vật biển, những loài có giá trị kinh tế cao, phải làm nông nghiệp dưới nước và nông nghiệp ven biển có giá trị hàng hóa cao.

Đã có ngành nông nghiệp ven biển, thì ít nhiều cũng phải có ngành lâm nghiệp ven biển. Phải phủ kín nhanh các đồi núi trọc và các bãi cát ven biển. Nếu không tìm cách chắn gió, thì các vị trí bàn đạp ven biển để tiến công ra ngoài biển đảo cũng sẽ gặp khó khăn.

Như vậy là kinh tế vùng biển phải từ đất liền mà phát triển ra biển và các hải đảo. Đưa dân ra làm kinh tế biển đảo, vừa cải thiện được đời sống của dân vừa có lực lượng để thực hiện quốc phòng toàn dân, để giữ vững chủ quyền ngoài biển đảo.

Ở các hội nghị về biển lần thứ 2 (năm 1981) và lần thứ 3 (năm 1985), Đại tướng đề ra hướng đi sâu, xác định các phương hướng trọng điểm của một chiến lược phát triển kinh tế miền biển và hải đảo, nhằm:

Thứ nhất, tổ chức việc đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản một cách hợp lý và khoa học.

Thứ hai, trong lĩnh vực dầu khí, đi ngay vào hiện đại, tập trung đầu tư lớn, hợp tác quốc tế để khai thác nhanh, chuẩn bị những tiền đề và khả năng để tiến tới tự lực triển khai thăm dò ở những nơi có điều kiện, đồng thời nghiên cứu việc xây dựng và phát triển công nghiệp lọc dầu và hóa dầu ở nước ta.

Thứ ba, sớm quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải biển và công nghiệp đóng tàu, xây dựng một đội tàu mạnh gồm tàu pha sông-biển nhằm nâng cao năng lực vận tải Bắc- Nam, tạo điều kiện cho sự giao lưu quốc tế, sự liên kết kinh tế giữa các địa phương trong nước. Ngoài ra với vị trí thuận lợi trên đường hàng hải quốc tế, cần nghiên cứu phát triển dịch vụ tàu biển để lấy ngoại tệ…

Thứ tư, khai thác các khoáng sản và hóa phẩm từ biển. Với kết quả đã thăm dò, cần xây dựng sớm đề án khai thác tổng hợp inmenhit-zircon-monazit để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và sản phẩm xuất khẩu. Nghiên cứu khai thác các quặng phốt phát ở các đảo, để tăng thêm nguồn cung cấp phân bón cho nông nghiệp. Chú ý triển vọng hợp tác quốc tế để khai thác kết thạch sắt-mangan ở đây thuộc vùng biển nước ta.

Thứ năm, phát triển ngành du lịch ven biển, với nguồn tài nguyên du lịch biển phong phú, đáp ứng yêu cầu nhiều mặt du lịch tham quan thắng cảnh, du lịch văn hóa, du lịch an dưỡng và chữa bệnh ở vùng ven biển.

Để khai thác biển và tài nguyên biển một cách có hiệu quả, Đại tướng chỉ ra cần nắm vững một số tư tưởng chủ đạo: Tất cả vì con người, coi trọng năng suất, chất lượng và hiệu quả; xây dựng pháp lệnh quy định rõ nguyên tắc và chế độ khai thác biển; đặc biệt chú trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khai thác, sử dụng biển và tài nguyên biển.

Chiến lược làm chủ biển được Đại tướng đề ra một cách toàn diện và thực cụ thể từ năm 1985 trước Nghị quyết Đổi mới, có điều cho đến vài chục năm sau, do nhiều nguyên nhân vẫn chưa đi vào hiện thực được. Nhưng dù sao, nó vẫn là những minh chứng lịch sử làm sáng rõ tư duy khoa học của nhà chiến lược có tài, cả trên lĩnh vực quân sự cũng như trên lĩnh vực kinh tế và khoa học kỹ thuật.

(theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...

Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Cục Điện ảnh sẽ tổ chức "Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ" từ ngày 24-30/4/2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo nhân lực bán dẫn là "đột phá của đột phá"

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Việt Nam có các điều kiện và nền tảng để thực hiện việc này, các chủ thể liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần chủ động,...

Bảo tàng lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử

Bảo tàng lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ được khánh thành năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Khu vực tham quan của bảo tàng bao gồm tầng trệt và tầng nổi; tầng nổi là Nhà trưng bày, đang trưng bày gần 1.000 hiện vật và hình ảnh cùng với những cảnh quan, cảnh tượng...

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong dịp Lễ 30/4, 01/5 và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng, duy trì hoạt động ổn định các hệ thống thông tin trong thời gian diễn ra những ngày lễ lớn như Kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Ngày Quốc tế lao động 01/5 và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các...

Sự kiện “Tuần Văn hoá – Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Từ ngày 27/4 - 3/5, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức “Tuần Văn hóa - Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024.