Quản lý vùng quế bằng công nghệ số

Không phải “vựa” quế Nậm Đét, Bản Cái, Cốc Lầu (Bắc Hà), hay Vĩnh Yên, Xuân Hòa (Bảo Yên), mà ở vùng quế ít tiếng tăm hơn là Liêm Phú, Nậm Tha (Văn Bàn), nông dân đang đưa công nghệ số vào quản lý vùng trồng quế.

Hơn 2 năm trở lại đây, anh Nông Văn Lực, Trưởng thôn Giằng, xã Liêm Phú (Văn Bàn) kiêm Tổ trưởng Tổ quế hữu cơ của thôn đã quen với việc cập nhật thông tin liên quan đến công việc của từng hộ, từ bón phân, tỉa cành, đến thu hoạch. Thay vì mất rất nhiều thời gian ghi chép thông tin từ từng hộ cung cấp vào cuốn sổ tay nông hộ truyền thống như trước, bây giờ chỉ cần mở app QGS - nhật ký điện tử dành cho sản xuất nông nghiệp được cài đặt trên điện thoại thông minh, chỉ cần vài thao tác vuốt chọn, anh đã cập nhật đầy đủ thông tin, dữ liệu theo yêu cầu của nhà sản xuất về các công đoạn của các hộ trồng quế.

Niềm vui của người trồng quế ở Nậm Tha.

Vừa giới thiệu như một chuyên gia công nghệ, anh Lực vừa mở app QGS rồi thao tác cho tôi xem. Từng mục nội dung: Kế hoạch canh tác hằng năm (diện tích, số cây, tình trạng hữu cơ, sản lượng/năm); mua và tiếp nhận vật tư đầu vào (ngày mua, loại vật tư, sản lượng, ngày hết hạn sử dụng, địa chỉ cung cấp); theo dõi trồng và chăm sóc (thời gian, công việc thực hiện); thu hoạch và bán quế tươi của 44 thành viên đã được anh tổng hợp đầy đủ và rất khoa học. Anh Lực tâm sự: Ngày đầu tiên công ty giới thiệu về app QGS mà cứ như “vịt nghe sấm”, chẳng hiểu nổi, thấy rắc rối quá. Tuy nhiên, khi được chuyển giao công nghệ thông tin của công ty hướng dẫn trực tiếp từng công đoạn, mình thấy mọi việc vô cùng dễ dàng, chỉ mất 1 ngày là thao tác thành thạo, thậm chí còn “sướng” hơn khi phải viết thông tin từng hộ trồng quế vào sổ tay nông hộ như trước. Chỉ mất 2 lần thực hiện, mình đã thành thạo mọi công việc ngay trên chiếc điện thoại thông minh. “Chỉ cần hộ trồng quế thông tin là tổ trưởng cập nhật các dữ liệu ngay, sau khi nhập xong, công ty ở tận Hà Nội xem được ngay. Trong lúc dịch bệnh Covid-19 như thế này, việc đi lại từ Hà Nội lên Lào Cai gần như không thể, nhưng công ty vẫn nắm đầy đủ thông tin, dữ liệu vùng trồng quế hữu cơ ở đây thông qua app QGS thì giải pháp vô cùng hữu ích cho cả người trồng quế và doanh nghiệp”, anh Lực cho hay.

Ngoài Tổ trưởng Nông Văn Lực, còn có tổ phó và thư ký của tổ được hướng dẫn và trực tiếp thực hiện công việc trên nhật ký điện tử dành cho sản xuất nông nghiệp. Điều đáng nói, “không chịu” thua kém lãnh đạo tổ, các thành viên đã đề nghị hướng dẫn họ sử dụng app QGS. Anh Nông Thanh Lý, thành viên Tổ quế hữu cơ thôn Giằng cho biết: Các thành viên trong tổ đều có điện thoại thông minh, nên việc áp dụng công nghệ số sẽ thuận lợi hơn và thuận tiện cho chính mình. Cuộc sống đã thay đổi rất nhiều, công nghệ đã mang đến nhiều tiện ích, do vậy dù là nông dân, nhưng mình cố gắng tiếp cận, trước mắt là cập nhật thông tin, dữ liệu về diện tích quế của gia đình, vừa để lưu trữ, vừa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Kiểm tra dữ liệu vùng quế Liêm Phú trên thiết bị thông minh.

Doanh nghiệp mà người trồng quế ở Liêm Phú nhắc đến là Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế, hồi Việt Nam (Vinasamex). Đây là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu quế, hồi Việt Nam sang các thị trường cao cấp trên thế giới, như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ít ai biết rằng, để có thể chinh phục được các thị trường khó tính ấy, doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, các hệ thống quản lý giám sát để vừa tạo tính cạnh tranh, vừa minh bạch trong sản phẩm. CEO Vinasamex Nguyễn Thị Huyền chia sẻ: Sau nhiều năm hợp tác với khách hàng châu Âu, tôi hiểu rất rõ, họ không đơn thuần mua sản phẩm chất lượng, mà còn quan tâm đến tính minh bạch, giá trị xã hội mà doanh nghiệp làm cho cộng đồng, xã hội.

Chính vì vậy, khi triển khai dự án quế hữu cơ tại Liêm Phú, Nậm Tha (Văn Bàn), Vinasamex đã tập huấn cho người dân để họ tiếp cận và sử dụng, nâng cao năng lực và giúp họ hiểu sâu sắc hơn về giá trị sản phẩm của chính mình làm ra, giá trị về sự minh bạch trong canh tác sản phẩm chất lượng. Qua nghiên cứu các giải pháp công nghệ, Vinasamex đã quyết định áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thông qua app QGS - nhật ký điện tử dành cho sản xuất nông nghiệp. Việc ghi chép nhật ký điện tử nhanh và hiệu quả hơn so với ghi chép bằng tay, phần mềm có tính năng nhắc việc giúp nông dân không quên, đặc biệt không bị thất lạc dữ liệu như cách ghi chép sổ sách trước đây.

Thời gian đầu, khi áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là hướng dẫn bà con duy trì thói quen ghi chép nhật ký điện tử. Các nông hộ hợp tác cùng Vinasamex chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, trình độ hạn chế, việc sử dụng thiết bị điện tử trong sản xuất là thách thức lớn. Song, cán bộ Vinasamex dành thời gian, tâm sức hướng dẫn cho các tổ, nhóm trong chuỗi hữu cơ làm chủ công nghệ. Sau một thời gian, cách làm này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nông dân hai xã Liêm Phú và Nậm Tha đã quen việc ghi chép hoạt động trồng, chăm sóc, khai thác trên nhật ký điện tử.

Nông dân Văn Bàn đưa công nghệ số vào quản lý vùng trồng quế.

Cũng theo CEO Vinasamex Nguyễn Thị Huyền, vượt qua những khó khăn, doanh nghiệp và người dân cùng gặt hái được thành công. Đó là sự khách quan, minh bạch trong sản xuất, kinh doanh. Với các sản phẩm bán lẻ, khách hàng có thể sử dụng điện thoại thông minh quét mã sản phẩm để kiểm tra nguồn gốc, quy trình sản xuất của sản phẩm dễ dàng; đồng thời ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Còn riêng với thị trường xuất khẩu, việc ứng dụng mã vạch, số lô để truy xuất nguồn gốc hàng hóa giúp người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác nhất khi muốn kiểm tra một đơn hàng hoặc khi có bất kỳ vấn đề nào xảy ra về sản phẩm. Hệ thống dữ liệu được cập nhật liên tục giúp Vinasamex quản lý được sản phẩm, có thông báo hoặc điều chỉnh kịp thời đến khách hàng nếu có sự cố, thu hồi. Nông dân tiếp cận với cách làm mới, thay đổi tư duy về canh tác và sản xuất nông sản hữu cơ, từ đó gia tăng giá trị kinh tế, đồng thời hướng đến cách làm bền vững, bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai…

Với phương châm không ngừng phát triển và hoàn thiện, lãnh đạo Vinasamex và người sử dụng đã cùng khảo sát đánh giá kết quả, những tính năng ưu việt của phần mềm cũng như những điểm hạn chế để khắc phục. Chính vì vậy, thời gian gần đây, Vinasamex đã tạm dừng sử dụng để nâng cấp, cải tiến app QGS theo hướng tích hợp thêm phần ghi chép thu mua, vận chuyển, chế biến, lưu kho và xuất bán trên cùng một phần mềm để hệ thống truy xuất nguồn gốc được xuyên suốt không bị gián đoạn, khách hàng có thể xem được từ đầu đến cuối quy trình. Thêm nữa, không áp dụng việc đăng nhập thông thường mà dùng mã quét QR để nông dân càng dễ sử dụng hơn, chỉ cần sử dụng zalo là có thể check mã và ghi chép được, rất tiện dụng.

Dù thời gian triển khai chưa dài, nhưng việc Vinasamex áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thông qua app QGS - nhật ký điện tử dành cho sản xuất nông nghiệp đã hiện thực hoá chủ trương của ngành nông nghiệp: Coi khoa học và công nghệ là chìa khóa để mở cánh cửa phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống nông dân.

https://baolaocai.vn/bai-viet/347386-quan-ly-vung-que-bang-cong-nghe-so

Theo Thanh Nam/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai: Đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông

3 tháng đầu năm 2024, Lào Cai đã triển khai đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) cho Nhân dân.

Văn Bàn chú trọng công tác quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên

Chiều 17/4, tại trụ sở Tỉnh ủy, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên về kết quả triển khai Nghị quyết đại hội Đảng...

Mường Hum tìm giải pháp tạo nguồn kết nạp đảng viên

Trong công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng. Đối với Đảng bộ xã Mường Hum, huyện Bát Xát, trước những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, nhiều giải pháp đang được thực hiện để đạt mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Lào Cai phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024

Cuộc thi được tổ chức nhằm góp phần hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách, khơi dậy niềm đam mê, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ Lào Cai, đặc biệt là phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Hiệu quả trong quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh

Thực hiện quy chế phối hợp trong bảo vệ rừng giữa tỉnh Lào Cai với các tỉnh giáp ranh đã góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.