Tiếp tục cải cách để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển

Thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là chủ trương xuyên suốt của tỉnh Lào Cai; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm cho công cuộc phát triển của địa phương. Đây là chia sẻ của ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai trong cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam Business Forum.

Ông đánh giá như thế nào về công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh Lào Cai những năm gần đây?

Giai đoạn 2016-2020, đối với đầu tư trong nước, tỉnh Lào Cai đã chấp thuận mới 190 dự án với tổng vốn đầu tư tại thời điểm chấp thuận là 31.353 tỷ đồng (trong đó có 16 dự án mới với tổng vốn đầu tư tại thời điểm chấp thuận là 2.315 tỷ đồng trong khu công nghiệp, khu kinh tế). 

Đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến tháng 7/2021, tỉnh Lào Cai có 23 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 571,45 triệu USD. Các dự án FDI trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung trên các lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến, du lịch - dịch vụ; các dự án thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản chiếm tỷ lệ thấp, quy mô nhỏ; các dự án tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp, thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn – là các địa phương có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp, du lịch. 

Các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi đi vào hoạt động đều đảm bảo hiệu quả kinh doanh; giải quyết việc làm cho người lao động; góp phần hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ thương mại trên địa bàn. 

Nhiều dự án có quy mô sử dụng đất lớn cũng đã góp một phần trong việc chuyển đổi nghề nghiệp, sắp xếp dân cư cho người dân trong khu vực giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

Để chuẩn bị cho sự bứt phá về thu hút đầu tư, hành trình tăng tốc phát triển những năm tới, Lào Cai đã chủ động với tâm thế và điều kiện ra sao, thưa ông?

Thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là chủ trương xuyên suốt, vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp có tính cấp bách đặc biệt quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra nhằm thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, một trong những yếu tố quyết định để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh tập trung triển khai  những giải pháp cải thiện mạnh mẽ hướng đến môi trường đầu tư thân thiện, an toàn, công khai, minh bạch; xây dựng các chính sách, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp; khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh để huy động tối đa nguồn vốn trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, phục vụ mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.

 

 

Trong đó, quan trọng nhất là việc chuyển đổi triệt để và thực chất phong cách làm việc từ “quản lý” sang “phục vụ” người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm cho công cuộc phát triển của địa phương, giúp doanh nghiệp chính là giúp mình.

Định hướng phát triển và thu hút đầu tư của tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2021-2025 có điểm mới, khác biệt nào, thưa ông?

Cơ hội để nhà đầu tư đến với Lào Cai khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế - xã hội Lào Cai phát triển là rất lớn, nhất là những ngành, lĩnh vực có lợi thế như phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến, du lịch, các ngành dịch vụ, nông nghiệp chất lượng cao... Theo đó, tỉnh Lào Cai xác định định hướng thu hút đầu tư vào 3 lĩnh vực trọng tâm như sau:

Một là lĩnh vực công nghiệp: Định hướng thu hút phát triển công nghiệp chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu từ nay đến năm 2025. Sau năm 2025 tập trung chuyển mạnh sang chiều sâu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, thân thiện môi trường. Lựa chọn một số ngành công nghiệp nền tảng để ưu tiên phát triển trên cơ sở các nguyên tắc: Dựa trên kết quả phân tích khách quan về tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; sử dụng tiết kiệm đất, áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường; có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao và đóng góp lớn cho xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước. Ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp chế tạo hậu luyện kim, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp chế biến thực phẩm; công nghiệp dệt, may mặc, da giày các khâu  tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá; một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động mà Lào Cai có lợi thế. Thực hiện nhất quán chủ trương chỉ xem xét chấp thuận các dự án đầu tư sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Ngoài khu, cụm công nghiệp chỉ xem xét chấp thuận đối với các dự án lớn có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện khó khăn (Mường Khương, Si Ma Cai), các dự án có tính chất đặc thù không thể sản xuất trong khu, cụm công nghiệp (các dự án sản xuất vật liệu xây dựng; dự án khai thác, chế biến khoáng sản). 

Hai là đối với lĩnh vực dịch vụ: Phát triển dịch vụ - đô thị mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, hình thành một số khu du lịch quốc gia; khu dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh. Dựa trên lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng thế mạnh của tỉnh để phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đồng thời phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung vào các sản phẩm dịch vụ du lịch với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh và các dịch vụ đi kèm như khách sạn, nhà hàng, vui chơi, giải trí, thể thao; dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính - ngân hàng và dịch vụ bưu chính viễn thông.

 Ba là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Phát triển nông nghiệp theo các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở tập trung, tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu. Thu hút đầu tư vào các địa bàn có địa hình phù hợp, khu chăn nuôi tập trung, không đầu tư xây dựng các trang trại, mô hình tại các khu đô thị, khu vực có mật độ dân cư cao, không đảm bảo về khoảng cách và xử lý môi trường.

Chỉ số Gia nhập thị trường năm 2020 tăng 1,29 điểm so với năm 2019; xếp 28/63 và thấp hơn nhiều các năm trước. Theo ông, đâu là nguyên nhân và giải pháp để cải thiện chỉ số này những năm tới?

Mặc dù năm 2020 xếp hạng PCI của Lào Cai tăng 9 bậc, từ 25/63 lên 16/63, tuy nhiên điểm số đạt 65,25 điểm (giảm 0,31 điểm so năm 2019 do xu thế chung chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 các tỉnh đều giảm điểm) thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt chất lượng điều hành kinh tế “Khá”. Điểm sáng của PCI Lào Cai năm 2020 là đã có 05 chỉ số thành phần tăng điểm và 07 chỉ số cải thiện thứ hạng. Đối với Chỉ số thành phần “Chi phí gia nhập thị trường” năm 2019, Lào Cai đạt 6,56 điểm, năm 2020 đạt 7,85 điểm. Mục tiêu của tỉnh Lào Cai là chỉ số này năm 2021 đạt 7,9 điểm trở lên. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực của Tổ hỗ trợ doanh nghiệp làm đầu mối tổng hợp thông tin, đôn đốc việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và đóng góp cho địa phương trong giai đoạn tới. Tiếp tục thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư so với quy định. Tiếp tục thực hiện đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành (DDCI), gắn kết quả DDCI với công tác tham mưu về thi đua, khen thưởng, tạo sự cạnh tranh giúp nâng cao năng lực điều hành.

Đồng thời, Sở tham mưu UBND tỉnh giao thủ trưởng các cơ quan, địa phương chủ động giải quyết thủ tục hành chính chuyên ngành thuộc lĩnh vực phụ trách sau đăng ký thành lập doanh nghiệp để rút ngắn thời gian chính thức đi vào hoạt động cho doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Trần Trang (vccinews.vn)

Tin Liên Quan

Triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch năm 2024

Ngày 12/3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND về triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai năm 2024.

Ký kết hợp tác trong lĩnh vực quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp

Chiều 9/3, tại thành phố Lào Cai, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế thành phố Hải Phòng về một số nội dung hợp tác thuộc phạm vi quản lý trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn hai địa phương.

Xuất - nhập khẩu: Chờ đợi sự khởi sắc

Năm 2024, Lào Cai phấn đấu giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt 4,5 tỷ USD, tăng 264% so với năm 2023. Không phải ngẫu nhiên đặt ra mục tiêu như vậy, bởi thực tế đang có nhiều cơ hội và sự khởi sắc đối với hoạt động xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn.

Lào Cai: Tạo sức bật trong thu hút đầu tư

Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển”, nắm chắc những lợi thế để phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế vùng biên, tỉnh Lào Cai đã và đang đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển hạ tầng, khơi thông điểm nghẽn về logictics, huy...

Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc)

Chiều 12/12, bên lề hội nghị triển khai triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy và nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường thông báo một tin vui khi Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc chính thức ký Nghị...

Trung tâm kết nối giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

Với vị trí “cửa ngõ” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam), những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung phát huy lợi thế riêng có để phấn đấu trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.