Bên hàng rào đá

Bao giờ cũng thế, mỗi vùng đất nơi chúng ta đi qua đều mang những nét riêng, có nét riêng trở thành bản sắc, thành văn hóa mà nơi khác không có được. Trong nhiều chuyến đến các thôn, bản vùng cao Tây Bắc, nơi nhìn lên là vời vợi đá núi tai mèo chạm tới biển mây, tôi hiểu được rằng người vùng cao kiên cường biết mấy. Tôi thích ngắm nhìn những ngôi nhà tường đất được bao quanh bởi những hàng rào bằng đá và suy nghĩ về sự bền bỉ của con người vượt lên muôn vàn gian khó và khắc nghiệt của tự nhiên.
Hàng rào đá vùng cao.

Trong quá trình vận động biến đổi của vỏ trái đất từ hàng triệu năm trước, ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam hình thành nên những dãy núi cao, độ dốc lớn, địa hình hiểm trở. Đặc biệt, khu vực Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, Bát Xát của Lào Cai có nhiều đỉnh núi đá tai mèo, đá vôi sừng sững nằm trong dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, mà cao nhất là đỉnh Fansipan (3.143 m), đỉnh Ky Quan San (3.046 m), đỉnh Lảo Thẩn (2.860 m)… Đó là những “nóc nhà” của vùng đất rộng lớn, trùng điệp núi non.

Lên vùng cao mới thấy có những nơi đâu đâu cũng là đá. Đá nằm trong đất. Đá ẩn dưới suối. Đá đội đất “mọc” lên sau những mùa mưa. Đá chìm trong mây, trong sương… Đá xám xịt cả một vùng rộng lớn. Đá cứ tua tủa những mũi sắc nhọn chọc lên nền trời thành rừng đá, cao nguyên đá như thách thức với muôn loài. Ở mạn Mường Khương, Si Ma Cai, người ta còn tìm thấy những cột đá sừng sững như có bàn tay khổng lồ xếp đặt.

Cứ như vậy, qua hàng nghìn năm, hàng trăm năm, đá cậy mình cứng chắc và sắc nhọn nên nghênh ngang, ngạo nghễ giữa đất trời dường như không gì chiến thắng nổi. Nhưng tự nhiên cũng có quy luật riêng, cây rừng không mọc được trên đá thì buông rễ chằng chịt ôm lấy đá mà sống, cây bám cheo leo trên vách đá, rễ hút từng giọt nước li ti trong kẽ đá, ruột đá để nuôi lá, nuôi cành xanh tốt. Người vùng cao sinh ra giữa vùng núi đá, cũng mạnh mẽ và bền bỉ như cây rừng, sinh tồn cùng đá, làm nhà trên đá, phá đá để trồng lúa, trồng ngô.

Tôi nhớ đến một kỷ niệm khó quên trong chuyến đi công tác ở xã Nậm Chảy (huyện Mường Khương). Trên đường qua một bản nhỏ, tôi gặp ông lão người Mông đang ngồi cặm cụi giữa trời nắng dùng búa đập những mỏm đá xanh trồi lên trên mặt ruộng. Bàn tay ông cụ gầy guộc, gân guốc, chai sần. Những tiếng búa đập vào đá chan chát. Mỗi nhát đập như vậy, tảng đá vẫn trơ trơ, chỉ vỡ ra những mảnh nhỏ. Những giọt mồ hôi của ông cụ rơi trên mặt đá rồi biến mất chỉ trong tích tắc.

Ông cụ bảo phải đập vỡ mấy tảng đá này thì mới cấy lúa được. Tảng đá nào to thì chất rơm, chất củi xung quanh dùng lửa đốt cho đá bở ra rồi đập cho vỡ. Còn chỗ nào nhiều đá quá, đập và đốt không xuể, thì chỉ còn cách dùng đất lấp đầy các hốc đá rồi gieo hạt ngô vào. Chao ôi, ở nơi đá nhiều hơn đất thế này, để có được vài mét vuông đất trồng ngô, cấy lúa, nông dân phải đổ bao nhiêu mồ hôi, xương máu. Đó thực sự là một hành trình sinh tồn quá gian nan.

Đến với các bản làng vùng cao, hình ảnh quen thuộc là những hàng rào đá, những bức tường đá hàng chục, hàng trăm tuổi. Sống cùng đá núi, đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Phù Lá, Hà Nhì… đều biết dùng đá để xếp thành những hàng rào kiên cố bao quanh nương ngô, ruộng lúa, bao quanh nhà ở. Đó vừa là ranh giới đất, vừa là bức tường kiên cố chống sạt lở đất, chống gia súc vào phá cây trồng. Qua bàn tay lao động cần mẫn của con người, từng viên đá vô tri trở thành nguyên liệu quý để xây dựng các công trình phục vụ cuộc sống.

Trong cộng đồng các dân tộc ở vùng cao Lào Cai, người Hà Nhì ở huyện Bát Xát có lẽ là những “bậc thầy” về nghệ thuật kè đá, xếp đá làm hàng rào. Thật bất ngờ khi có những bức tường cao tới chục mét được người Hà Nhì xếp hoàn toàn từ đá, không dùng bất kỳ một chất kết dính nào như xi măng, vôi vữa mà vẫn trường tồn qua hàng chục năm. Điều đặc biệt là mặt tường đá phẳng như xây, từng viên đá phủ rêu xanh tuyệt đẹp.

Các cụ già người Hà Nhì ở xã Y Tý chia sẻ bí quyết để xếp tường đá vững chãi là phần móng tường phải xếp bằng những tảng đá to, đào đất dựng cột đá cho chắc chắn, còn phần mặt tường chọn những phiến đá phẳng đẹp, xếp khít nhau, viên nọ tì lên viên kia. Các kẽ hở giữa những viên đá được phủ bằng đất vụn để đất và đá liên kết với nhau. Xếp đá cần phải tỉ mỉ, kỳ công, chọn đá càng kỹ, xếp đá càng chặt thì tường đá càng bền lâu, dù cho mưa bão cũng không đổ được.

Mùa đông lạnh giá qua đi, rồi mùa xuân lại đến với đất trời Tây Bắc. Khung cảnh bản làng vùng cao bỗng trở nên rực rỡ bởi sắc hoa đào, hoa lê, hoa mận bung nở khắp nơi. Hình ảnh những ngôi nhà vách đất nứt nẻ được bao quanh bởi bức tường đá và những cây đào cổ thụ rực rỡ sắc hoa khiến bao khách lữ hành mê mẩn. Rồi những chiếc váy thổ cẩm xòe hoa phơi trên hàng rào đá rực rỡ như đàn bướm chập chờn trong nắng. Trên phiến đá to đã nhẵn lì, chàng trai nào ngồi thổi sáo, cô gái nào ngồi thêu hoa giữa một trời thương nhớ…

https://baolaocai.vn/bai-viet/348482-ben-hang-rao-da

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Người Tày xã bản Hồ giữ nghề truyền thông

Nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lào Cai: Bảo tồn lễ hội, phong tục tập quán xã hội tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch

Năm 2024, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu: Lập 03 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị ít nhất 01 lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024

Từ ngày 15/4 đến hết ngày 19/4/2024, Lào Cai phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai. Trong đó, ngày 15/4 là ngày phát động đồng bộ thực hiện mặc trang phục truyền thống các dân tộc trên phạm vi toàn tỉnh.