Họa sỹ người Giáy đi tìm ánh sáng nơi heo hút

Ngắm bức vẽ “Ánh sáng không bao giờ tắt” ghi lại cảnh 2 bác sỹ đang làm việc trong đêm tối khi bên ngoài xe cứu thương, xe công an nườm nượp chạy để cứu sống người bệnh cũng như kiểm soát dịch Covid-19, tôi lại liên tưởng đến cuộc đời của chính tác giả - họa sỹ trẻ dân tộc Giáy Vàng Hải Hưng. Sinh ra ở xã Quang Kim (huyện Bát Xát), Hưng quyết tâm theo đuổi hội họa với khát khao thông qua những bức vẽ của mình có thể gợi mở phát triển kinh tế để người dân quê mình bớt nghèo khổ.
Họa sỹ Vàng Hải Hưng (ngoài cùng bên trái) trong buổi Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp đoàn học sinh, sinh viên, vận động viên dân tộc thiểu số tiêu biểu.

Tiếp nối theo tiếng vọng

Là sinh viên hiếm hoi người dân tộc thiểu số của Đại học Mỹ thuật Việt Nam, thế nhưng Vàng Hải Hưng (sinh năm 1995, dân tộc Giáy) đã nỗ lực, phấn đấu để đạt thành tích học tập xuất sắc khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu vào năm 2020. Trước đó, ngay từ khi học năm thứ 2, Hưng đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì “Đã có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện trong năm 2015 và 2016”, đồng thời vinh dự là 1 trong 10 sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu được gặp mặt Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại Phủ Chủ tịch (ngày 27/10/2016). Chính cơ duyên được gặp và nghe lời động viên của đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh: “Trong bộ máy nhà nước, con em đồng bào dân tộc chiếm số lượng không ít, các em hãy cố gắng để tiếp nối theo tiếng vọng ấy” đã thôi thúc Hưng phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để làm được điều gì đó cho dân tộc Giáy, cho quê hương Lào Cai yêu dấu của mình.

Họa sỹ Vàng Hải Hưng.

Tài năng, nhiệt huyết và đam mê nhưng ít ai biết rằng con đường đến với hội họa của Hưng lại không bằng phẳng. Ngay từ khi còn bé, Hưng đã yêu thích vẽ và mong muốn được theo đuổi hội họa nhưng vì sinh ra ở vùng cao, nơi nhận thức của người thân còn hạn chế, họ chỉ nghĩ đó là nghề viển vông, không thực tế. Bởi vậy, để chiều lòng bố mẹ, sau khi tốt nghiệp, Hưng đã theo học Đại học Lâm nghiệp. Tuy nhiên càng trưởng thành, Hưng càng nhận ra hội họa là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Đến năm thứ 2 đại học, Hưng quyết tâm thi lại và đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Cũng vì điều này mà thời gian đầu bố mẹ đã cắt “viện trợ” và Hưng phải khá vất vả, chật vật vừa học vừa làm thêm để có thể “trụ” lại giữa đất Thủ đô đắt đỏ cũng như để khẳng định con đường đi của mình là đúng đắn.

Đi tìm hơi thở hội họa của núi rừng

Chàng trai trẻ Vàng Hải Hưng hé lộ tài năng ngay từ khi ngồi ghế giảng đường đại học tích cực tham gia triển lãm và giành được giải thưởng cao trong nhiều cuộc thi. Hưng đã tham gia nhiều triển lãm có uy tín, như mỹ thuật khu vực 3 Tây Bắc - Việt Bắc tại Lào Cai 2018, họa sỹ trẻ “How much is it” tại Hà Nội 2018; triển lãm sinh viên 2020; triển lãm “Mời bạn vào” 2020; Festival mỹ thuật trẻ 2020; triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2020 và gần đây nhất là triển lãm “Bạn đang nghịch gì?” ở Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom… Dễ dàng nhận thấy trong nét vẽ của mình, Hưng đặc biệt quan tâm đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân tộc thiểu số như bốc vác qua biên  giới, làm việc trên nương hoặc cảnh mây núi biên cương.

Có lẽ, giải thưởng lớn nhất của Vàng Hải Hưng đạt được giải Nhất cuộc thi - triển lãm mỹ thuật sinh viên 2020 với bức “Chi chi chành chành”. Bức vẽ 4 học sinh mặc đồng phục, lưng đeo cặp đang đứng trước vách tường đá cao như truyền đi thông điệp của Hưng là những đứa trẻ vùng cao có những hoàn cảnh khác biệt với những đứa trẻ ở thành phố, chúng phải đối mặt với những khó khăn mỗi ngày, lâu dần tự tạo thành những bức tường đá vô tình cản trở ít nhiều con đường đến với con chữ của các em. Và trong hoàn cảnh này, các em phải tự đối thoại và tự vượt lên để thoát ra khỏi vòng vây đó. Dường như Hưng cũng đang vẽ chính mình ở trong đó. Hoặc bức “Khi ánh dương chìm dần dưới ngọn đồi”, Hưng lấy cảm hứng từ thực trạng của Sa Pa hiện nay đang xây dựng quá nhanh để phát triển du lịch. Hưng trăn trở khi thấy hằng ngày, hằng giờ những ngọn đồi, ngọn núi bị mổ xẻ, diện mạo đô thị đang dần hiện hữu nhưng người dân tộc thiểu số vẫn rất nghèo khổ.

Bức vẽ “Ánh sáng không bao giờ tắt” .

Hưng quan niệm, hội họa phải là cuộc sống. Nếu như nhà văn, nhà báo kể câu chuyện, phản ánh những vấn đề xã hội bằng ngôn ngữ thì họa sỹ sẽ gửi gắm những trăn trở, thông điệp bằng hình ảnh. Bản thân là người dân tộc thiểu số lớn lên trong gian khó, phải tự lực từ khi còn nhỏ nên Hưng thấy rằng chỉ lúc đói nghèo mới là lúc giàu cảm xúc trong sáng tác và hơn thế, cam chịu được cái thiếu thốn khó khăn ấy để sống được bằng nghề thì đó mới là nghệ sỹ thực thụ. Hưng muốn vẽ và nghiên cứu về đời sống con người quê mình để đưa đến góc nhìn nghệ thuật chân thực nhất, sinh động nhất và hy vọng người xem tranh biết đến rồi có cách nào đó giúp cho người dân thoát nghèo và tiến bộ hơn.

Vàng Hải Hưng tâm sự: Nhiều lúc em tự đặt câu hỏi tại sao người dân tộc của mình cứ sống trong nghèo khổ mãi. Câu hỏi ấy khiến em day dứt và trở thành đề tài để em sáng tác. Em nghĩ rằng hội họa là hơi thở cuộc sống, nói đến những hiện thực tối tăm, nói đến cái chưa tốt để ta tìm ra lối đi, hướng đến những điều tích cực. Hoạ sỹ là người phơi mặt ra với đời…

Trong tương lai, Vàng Hải Hưng mong muốn vẽ về văn hóa tập tục của dân tộc mình để mọi người biết đến người Giáy nhiều hơn, qua đó cũng động viên, khuyến khích những bạn trẻ người Giáy hãy cùng nhau gìn giữ và phát triển văn hóa của ông cha để lại. Dẫu biết hành trình phía trước của họa sỹ trẻ người dân tộc Giáy còn rất gian nan nhưng điều quan trọng là Hưng đã bắt đầu đi và đang tràn đầy niềm hy vọng, khát khao được cống hiến cho quê hương bằng chính tài năng nghệ thuật thiên phú của mình.

https://baolaocai.vn/bai-viet/348693-hoa-sy-nguoi-giay-di-tim-anh-sang-noi-heo-hut

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Người Tày xã bản Hồ giữ nghề truyền thông

Nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lào Cai: Bảo tồn lễ hội, phong tục tập quán xã hội tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch

Năm 2024, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu: Lập 03 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị ít nhất 01 lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024

Từ ngày 15/4 đến hết ngày 19/4/2024, Lào Cai phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai. Trong đó, ngày 15/4 là ngày phát động đồng bộ thực hiện mặc trang phục truyền thống các dân tộc trên phạm vi toàn tỉnh.