Mực nước biển dâng và các tác động đến hòa bình, an ninh quốc tế

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cho biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng của Việt Nam là một trong các khu vực bị tác động mạnh mẽ nhất của mực nước biển dâng. Do đó, Việt Nam coi vấn đề biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và tác động an ninh, phát triển của hiện tượng này là một trong các ưu tiên cao trong nhiệm kỳ thành viên HĐBA 2020-2021.
Cuộc họp được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam 

Chiều 18/10, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, đã diễn ra cuộc họp theo thể thức Arria của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về chủ đề Mực nước biển dâng và các tác động đến hòa bình, an ninh quốc tế. 

Cuộc họp được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam, được 10 nước thành viên của HĐBA LHQ gồm Anh, Estonia, Ireland, Mỹ, Na Uy, Niger, Saint Vincent&Grenadines, Pháp và Tunisia cùng 10 nước thành viên LHQ khác gồm CH Dominicana, Đức, Fiji, Guyana, Hà Lan, Malta, Mauritius, Romania, Saint Lucia và Tuvalu đồng bảo trợ và đứng tên tổ chức.

Trợ lý Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề xây dựng hòa bình Khaled Khiari, đồng Chủ trì Nhóm công tác I của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) Valérie Masson-Delmotte và Cố vấn cấp cao của Giám đốc Cộng đồng Thái Bình Dương Coral Pasisi đã báo cáo tại cuộc họp. Ông Khiari cảm ơn và đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam, cho biết mực nước biển dâng làm suy giảm nguồn tài nguyên, nguồn nước, phá hủy cơ sở hạ tầng, có tiềm năng làm tăng tranh chấp, xung đột bao gồm tranh chấp liên quan đến các vùng biển và tài nguyên biển, thậm chí đe dọa chủ quyền, quyền chủ quyền của các nước đảo nhỏ.

Trợ lý Tổng thư ký LHQ Khiari đề xuất các nước tăng hành động khí hậu và khẳng định Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) tiếp tục là văn kiện khung điều chỉnh các tác động của mực nước biển dâng và hệ quả đến hòa bình, an ninh quốc tế.

Cuộc họp thu hút hơn 40 nước thành viên HĐBA và LHQ tham gia phát biểu. Các ý kiến cho rằng sáng kiến của Việt Nam đáp ứng kịp thời quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, là đóng góp quan trọng ngay trước thềm COP26. Trong trao đổi, hầu hết ý kiến khẳng định mực nước biển dâng là mối đe dọa hiện tại và tương lai, thậm chí đe dọa tư cách quốc gia, nhà nước.

Tác động của mực nước biển dâng làm suy kiệt nguồn tài nguyên nông nghiệp, thủy hải sản, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người, phá hủy nhà cửa, dẫn đến người dân di cư, tị nạn hoặc bị buộc phải rời khỏi nhà cửa, làm trầm trọng thêm xung đột.

Các ý kiến nhấn mạnh cần tập trung vào biện pháp giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nước nhất trí hệ quả pháp lý do mực nước biển dâng cần được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Bên cạnh đó, một số ý kiến kêu gọi cần có cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề biến đổi khí hậu.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cho biết, Việt Nam chia sẻ khó khăn của các nước đảo nhỏ đang phát triển, các nước ven biển, dưới mực nước biển đang phải ứng phó với các tác động tiêu cực hiện tại và tương lai từ mực nước biển dâng. Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết, châu Á là nơi sinh sống của hơn 70% dân số toàn cầu có nguy cơ bị tác động mạnh mẽ nhất do mực nước biển dâng. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng của Việt Nam là một trong các khu vực bị tác động mạnh mẽ nhất của mực nước biển dâng.

Do đó, Việt Nam coi vấn đề biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và tác động an ninh, phát triển của hiện tượng này là một trong các ưu tiên cao trong nhiệm kỳ thành viên HĐBA 2020-2021.Trước các bằng chứng ngày càng rõ ràng về tình trạng mực nước biển dâng toàn cầu, Đại sứ khẳng định cam kết của Việt Nam thúc đẩy HĐBA đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với thách thức sống còn này.

https://dangcongsan.vn/xa-hoi/muc-nuoc-bien-dang-va-cac-tac-dong-den-hoa-binh-an-ninh-quoc-te-594541.html

Theo dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...