Lào Cai: Tạo động lực phát triển kinh tế vùng Tây Bắc

Với nhiều tiềm năng và lợi thế sẵn có cùng sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ là tiền đề để Lào Cai tăng tốc trong giai đoạn tiếp theo mà còn tạo động lực phát triển kinh tế vùng Tây Bắc. Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai. Ngô Khuyến thực hiện

Tỉnh Lào Cai đang đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, thế mạnh; giới thiệu cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh. Vậy ông có thể điểm qua những tiềm năng, lợi thế so sánh và ưu đãi nổi bật của tỉnh hiện nay?

Lào Cai có lợi thế về vị trí địa lý, chính trị, đóng vai trò trung tâm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường tỉnh Vân Nam và miền Tây Nam Trung Quốc; có hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, liên quốc tế gồm: Đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy và tương lai gần có đường hàng không; Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai với tổng diện tích gần 16 nghìn ha có cơ sở hạ tầng, dịch vụ tương đối đầy đủ và là một trong 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Chính phủ đầu tư; khu du lịch quốc gia Sa Pa với bản sắc văn hóa phong phú, cảnh quan hùng vĩ, thời tiết mát mẻ quanh năm; thế mạnh trong phát triển công nghiệp do có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng lớn như apatit, sắt, đồng… cùng với hệ thống các nhà máy luyện kim, sản xuất phân bón, hóa chất quy mô lớn, hiện đại.

Lào Cai đặt ra các mục tiêu là: Xây dựng thành phố Lào Cai trở thành đô thị loại I, Sa Pa trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế, là thành phố trong mây, Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành trung tâm logistics của cả nước và Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực Trung du miền núi phía Bắc theo định hướng của Trung ương, Chính phủ. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ và đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lào Cai đã thực hiện và đạt được một số tiền đề quan trọng để phát triển trong thời gian tới, cụ thể:

Thứ nhất, về quy hoạch, chiến lược phát triển: Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa; phê duyệt mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai lên gấp 2 lần, từ gần 8 nghìn ha lên 16 nghìn ha. Năm 2017, phê duyệt công nhận Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Năm 2018, phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng thành phố Lào Cai trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa trên tuyến hành lang kinh tế, là trung tâm kinh tế, thương mại, đối ngoại và hợp tác quốc tế; xây dựng thị xã Sa Pa và đô thị Sa Pa là đô thị du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Hiện nay, tất cả các quy hoạch, chiến lược phát triển này đang được Lào Cai xây dựng kế hoạch, dự án chi tiết triển khai một cách đồng bộ.

Thứ hai, về đầu tư cơ sở hạ tầng: Hàng loạt các dự án lớn đang được nghiên cứu, lập quy hoạch và triển khai như: Dự án Cảng hàng không Sa Pa cấp 4C, công suất 3 triệu khách/năm; dự án đường nối Cao tốc Hà Nội – Lào Cai với Sa Pa; dự án nâng cấp quốc lộ 279 nối Lào Cai với Lai Châu, Hà Giang; đường sắt cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; trung tâm logistics tại Khu kinh tế cửa khẩu và các dự án phát triển đô thị, du lịch tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, Y Tý...

Thứ ba, là kết quả tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Tốc độ tăng trưởng GRDP luôn duy trì trên 10%; thu nhập GRDP bình quân vươn lên ngang bằng với mức bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; thu ngân sách luôn tăng cao qua các năm trong đó thu nội địa chiếm khoảng 70%; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân gần 20%/năm; du lịch tăng trên 20%/năm; bước đầu xây dựng các vùng sản xuất nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm bình quân giảm 5,17%; số lượng các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch đề ra; cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh luôn đứng trong top đầu so với các tỉnh/thành phố trong cả nước thể hiện qua các chỉ số PCI, ICT Index, PAPI; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Những vấn đề trên tạo động lực phát triển không chỉ cho riêng Lào Cai mà cho cả vùng Tây Bắc, tạo liên kết vùng ngày càng chặt chẽ và mở rộng.

Tỉnh Lào Cai áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.

Chỉ số PCI tỉnh Lào Cai năm 2020 tăng 09 bậc so với năm 2019; đồng thời tỉnh đặt mục tiêu PCI năm 2021 đạt trên 72 điểm và nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành “Tốt”. Ông đánh giá như thế nào về kết quả năm 2020 và mục tiêu đề ra trong năm 2021 cũng như Lào Cai đang nỗ lực ra sao nhằm gia tăng điểm số, cải thiện thứ hạng trong những năm tới?

Theo dữ liệu của VCCI đánh giá PCI của Lào Cai trong vòng 15 năm qua, Lào Cai từng đứng thứ nhất (năm 2011) và nhiều lần trong top 5, top 10 toàn quốc, nhưng cũng có giai đoạn giảm mạnh chỉ xếp thứ 17 (năm 2013) và thứ 25 (năm 2019). Tuy nhiên, nếu xét trong phạm vi hẹp hơn, Lào Cai năm nào cũng dẫn đầu khu vực Tây Bắc và đứng nhất nhì khu vực miền núi phía Bắc trong bảng xếp hạng PCI. 

Năm 2020, bên cạnh việc tập trung phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó công tác phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh của Lào Cai được đặc biệt quan tâm, việc thăng hạng 9 bậc trên bảng tổng sắp xếp PCI là kết quả nỗ lực của cấp ủy, chính quyền Lào Cai suốt một năm qua với nhiều giải pháp đồng bộ và sáng tạo như: Giãn nợ, giảm lãi vay, miễn giảm nhiều loại thuế phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh mời gọi thu hút đầu tư; tổ chức nhiều hoạt động gặp mặt doanh nghiệp, kích cầu du lịch, các hội nghị, hội chợ kết nối giao thương.

Đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn và lành mạnh; duy trì an toàn trật tự, an toàn xã hội để các doanh nghiệp thuận lợi trong tổ chức sản xuất, kinh doanh; xây dựng cơ chế đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ và tạo điều kiện để doanh nghiệp đối thoại thường xuyên với cấp lãnh đạo cao nhất của tỉnh để có thể giải quyết những khó khăn, rào cản một cách nhanh chóng, kịp thời. Tới đây tỉnh Lào Cai sẽ sớm đưa vào phần mềm tiếp nhận thông tin, kiến nghị của doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ cũng như tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp. Phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025 tiếp tục duy trì Chỉ số PCI của tỉnh trong Top 10 cả nước, tiếp tục duy trì triển khai thực hiện đánh giá xếp hạng năng lực điều hành cấp huyện và sở ngành DDCI.  

Nhằm tiếp tục xây dựng hình ảnh một Lào Cai năng động, đổi mới, ông có chuyển tải thông điệp hoặc cam kết nào của chính quyền tỉnh tới các đối tác, nhà đầu tư?

Tỉnh Lào Cai luôn ủng hộ mạnh mẽ các doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh, luôn đặt quyền lợi của nhà đầu tư lên hàng đầu, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, quy mô sản xuất lớn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đóng góp tích cực vào ngân sách của tỉnh. 

Trong thời gian tới, song song với việc phát triển và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, tỉnh sẽ tập trung mời gọi các nhà đầu tư chiến lược trong nước và nước ngoài để tối ưu hóa những lợi thế của tỉnh, biến thương mại, du lịch thực sự trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, với lợi thế về khoáng sản, cửa khẩu, tỉnh Lào Cai đang tiếp tục quy hoạch mở rộng khu kinh tế cửa khẩu và các khu công nghiệp đủ sức để đón tiếp các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng. 

Ngoài ra, nông, lâm, thủy sản cũng là những lĩnh vực được ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư quy mô lớn để cùng khai thác hiệu quả, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Tỉnh Lào Cai cam kết tuân thủ các qui định hiện hành và dành mức ưu đãi cao nhất cho các cá nhân, tổ chức đến đầu tư kinh doanh, luôn trân trọng chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã, đang và sẽ đến đầu tư, kinh doanh tại Lào Cai. 

Sự thành công, thịnh vượng, phát đạt của các doanh nghiệp chính là sự phát triển của Lào Cai!

Trân trọng cảm ơn ông!

https://vccinews.vn/news/37127/lao-cai-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-vung-tay-bac.html

Theo vccinews.vn

Tin Liên Quan

Triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch năm 2024

Ngày 12/3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND về triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai năm 2024.

Ký kết hợp tác trong lĩnh vực quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp

Chiều 9/3, tại thành phố Lào Cai, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế thành phố Hải Phòng về một số nội dung hợp tác thuộc phạm vi quản lý trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn hai địa phương.

Xuất - nhập khẩu: Chờ đợi sự khởi sắc

Năm 2024, Lào Cai phấn đấu giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt 4,5 tỷ USD, tăng 264% so với năm 2023. Không phải ngẫu nhiên đặt ra mục tiêu như vậy, bởi thực tế đang có nhiều cơ hội và sự khởi sắc đối với hoạt động xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn.

Lào Cai: Tạo sức bật trong thu hút đầu tư

Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển”, nắm chắc những lợi thế để phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế vùng biên, tỉnh Lào Cai đã và đang đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển hạ tầng, khơi thông điểm nghẽn về logictics, huy...

Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc)

Chiều 12/12, bên lề hội nghị triển khai triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy và nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường thông báo một tin vui khi Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc chính thức ký Nghị...

Trung tâm kết nối giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

Với vị trí “cửa ngõ” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam), những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung phát huy lợi thế riêng có để phấn đấu trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.