Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 12/2021

Quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển; Công chức, viên chức không phải bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học; Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước trong 6 tháng…là những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 12/2021

Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước trong 6 tháng

Từ 1/12/2021, Nghị định 103/2021/NĐ-CP về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơmoóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực thi hành.

Mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô, rơmoóc hoặc sơ mi rơmoóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022 bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP và các nghị quyết hiện hành của hội đồng nhân dân hoặc quyết định hiện hành của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Đơn cử như theo Nghị định 20/2019/NĐ-CP thì mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống là 10%, nếu được giảm 50% thì mức thu lệ phí trước bạ sẽ giảm còn 5%.

Nghị định 103/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.

Công chức, viên chức không phải bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học

Đây là nội dung mới tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực từ 10.12.

Theo quy định mới, nội dung bồi dưỡng công chức, viên chức bao gồm: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí công việc.

So với quy định hiện hành, tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP không còn nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.

Nghị định 89/2021/NĐ-CP sẽ là cơ sở để các bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý.

Quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển

Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 18/2021/TT-BTNMT quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển thuộc thẩm quyền giao của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thông tư quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển trong vùng biển 6 hải lý và vùng biển liên vùng. Mức thu tiền sử dụng khu vực biển để nhận chìm là 20.000 đồng/m3.

Mức thu tiền sử dụng khu vực biển để làm cảng biển, cảng nổi, cảng dầu khí ngoài khơi và các cảng, bến khác; làm vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, luồng hàng hải chuyên dùng, các công trình phụ trợ khác; vùng nước phục vụ hoạt động của cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, xây dựng cảng tàu vận tải hành khách; vùng nước phục vụ hoạt động nhà hàng, khu dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao trên biển; khu neo đậu, trú nghỉ đêm của tàu thuyền du lịch; khai thác dầu khí; khai thác khoáng sản; trục vớt hiện vật, khảo cổ: 7.500.000 đồng/ha/năm.

Mức thu tiền sử dụng khu vực biển để xây dựng cáp treo, các công trình nổi, ngầm, lấn biển, đảo nhân tạo, xây dựng dân dụng và các công trình khác trên biển; sử dụng khu vực biển để xây dựng hệ thống đường ống dẫn ngầm, lắp đặt cáp viễn thông, cáp điện; sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, xây dựng cảng cá; sử dụng khu vực biển để khai thác năng lượng gió, sóng thủy triều, dòng hải lưu và các hoạt động sử dụng khu vực biển khác: 7.500.000 đồng/ha/năm.

Đối với những hoạt động chưa có quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển theo quy định trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không thấp hơn 3.000.000 đồng/ha/năm và không cao hơn 7.500.000 đồng/ha/năm.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2021 và có hiệu lực thi hành đến hết ngày 30/3/2026.

Thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn phòng, chống thiên tai đối với công trình

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 13/2021/TT-BNNPTNT quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành, sử dụng các khu khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên khác, đô thị, du lịch, công nghiệp, di tích lịch sử; điểm du lịch; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật khác.

Thông tư nêu rõ quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai; hằng năm, rà soát, đánh giá, tổng hợp báo cáo ủy ban nhân dân cấp tỉnh các trọng điểm xung yếu và phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu đối với công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc phạm vi quản lý trước mùa lũ 15 ngày.

Tổng cục Phòng, chống thiên tai hướng dẫn việc triển khai thực hiện nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; thanh tra, kiểm tra trong việc thực hiện các quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2021.

11 thông tin cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Theo Quyết định 31/2021/QĐ-TTg về Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cổng Dịch vụ công quốc gia (có hiệu lực từ ngày 09/12/2021), các thông tin cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia gồm có:

- Thông tin về thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, quyết định công bố thủ tục hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Thông tin hướng dẫn, hỏi đáp thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, thực hiện nghĩa vụ tài chính có liên quan.

- Thông tin, thông báo về tiếp nhận, trả kết quả, hướng dẫn hoàn thiện, bổ sung hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, về tình hình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

- Thông tin tiếp nhận, giải quyết phản ánh kiến nghị trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

- Thông tin về đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; khảo sát sự hài lòng của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

- Thông tin báo cáo, số liệu, thống kê liên quan đến tình hình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công khác.

- Thông tin địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử hướng dẫn của các cơ quan, cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính; thông tin chủ quản, quản lý, duy trì hoạt động Cổng Dịch vụ công; thông tin đường dây nóng, tổng đài hỗ trợ.

- Thông tin về nghĩa vụ tài chính và thanh toán nghĩa vụ tài chính qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

- Thông tin về dịch vụ bưu chính công ích trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

- Thông tin về điều khoản sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia.

- Các thông tin khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Xe kinh doanh vận tải phải chuyển sang biển số nền vàng

Xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31.12.2021 thay vì nền màu trắng như trước đây.

Nội dung này được Bộ Công an nhấn mạnh tại Thông tư 58/2020/TT-BCA.

Những loại xe phải đổi sang biển số nền màu vàng bao gồm: Xe taxi; xe khách tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh); xe buýt tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh); xe chở khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định; xe chở khách du lịch. 

Nếu không thực hiện đổi sang biển số vàng trước ngày 31.12.2021, chủ xe sẽ bị phạt từ 02 - 04 triệu đồng nếu là cá nhân và từ 04 - 08 triệu đồng nếu là tổ chức do không chấp hành đúng quy định về biển số (theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP). 

Quy định mới về cá nhân vận động từ thiện

Theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 11.12.2021, người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có thể vận động quyên góp từ thiện.

Tuy nhiên, khi vận động, phải thông báo với ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú và công khai trên phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) và thời gian phân phối. 

Quan trọng nhất, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện. Đồng thời, phải có biên nhận các khoản quyên góp nếu các nhà hảo tâm có yêu cầu. Sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận, không được phép nhận thêm tiền ủng hộ. 

Hạn cuối giảm 50% lệ phí làm Căn cước công dân gắn chip

Người dân đi làm Căn cước công dân sẽ giảm 50% lệ phí đến ngày 31.12.2021, theo Thông tư 47/2021/TT-BTC.

Cụ thể, nếu chuyển từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân, mức lệ phí là 15.000 đồng; đổi thẻ Căn cước công dân, lệ phí là 25.000 đồng và cấp lại thẻ Căn cước công dân, lệ phí là 35.000 đồng.

Từ sau ngày 31.12.2021, mức lệ phí trên tăng gấp đôi.

Tại Thông tư này, Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ giảm nhiều loại phí khác nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19. Theo đó, giảm 10% phí hải quan; 20% phí đăng ký giao dịch bảo đảm; 20% phí cấp hộ chiếu, 10% phí sử dụng đường bộ với xe tải chở hàng hóa và 30% đối với xe khác...

 

Quỳnh Hoa (Tổng hợp)

Tin Liên Quan

Bảo tàng lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử

Bảo tàng lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ được khánh thành năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Khu vực tham quan của bảo tàng bao gồm tầng trệt và tầng nổi; tầng nổi là Nhà trưng bày, đang trưng bày gần 1.000 hiện vật và hình ảnh cùng với những cảnh quan, cảnh tượng...

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong dịp Lễ 30/4, 01/5 và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng, duy trì hoạt động ổn định các hệ thống thông tin trong thời gian diễn ra những ngày lễ lớn như Kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Ngày Quốc tế lao động 01/5 và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các...

Sự kiện “Tuần Văn hoá – Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Từ ngày 27/4 - 3/5, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức “Tuần Văn hóa - Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024.

Phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1005/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu: Quân và dân Khu Tây Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Tây Bắc là địa bàn chiến lược cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng an ninh. Nhân dân Tây Bắc có truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường. Khu Tây Bắc được thành lập ngày 17/7/1952, gồm bốn tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, với diện tích 44.300 km2, dân số 440 nghìn người.

Thủ tướng dự gặp mặt, tri ân những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Sáng 17/4, tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự cuộc gặp mặt, tri ân đầy ý nghĩa và xúc động với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.