Sẵn sàng kịch bản cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 (*)

Tại kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khoá XVI, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường đã có bài phát biểu quan trọng để làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu, cử tri trong tỉnh quan tâm.
Quang cảnh kỳ họp.

Bài phát biểu tập trung vào 4 nội dung lớn, đó là: Việc đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; các báo cáo, tờ trình đại biểu tham gia ý kiến, nhất là chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 và vấn đề phân cấp trong lĩnh vực tài chính ngân sách cho giai đoạn 2021 – 2025; công tác chỉ đạo giải quyết những kiến nghị cử tri quan tâm… Báo Lào Cai lược ghi bài phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh, tập trung chủ yếu vào một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022.

Xác định nhiều giải pháp

Tinh thần chỉ đạo chung trong năm 2022, UBND tỉnh bám sát vào 25 mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022 cùng nhiều nội dung mới tỉnh đã triển khai thời gian qua. Ngoài các chỉ tiêu của 18 đề án trọng tâm, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề như: Nghị quyết về phát triển thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai, du lịch, chiến lược về nông nghiệp, văn hóa, con người Lào Cai…

Qua báo cáo trình tại kỳ họp, UBND tỉnh thống nhất trình 25 chỉ tiêu để nghị quyết, đây là những chỉ tiêu cao trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều phức tạp.

Năm 2021 do ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh nên tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối thấp, thấp nhất trong 30 năm tái lập tỉnh (dự báo đạt 5,33%); trong khi đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020 – 2025, trung bình đạt trên 10%. Với dự báo, dự đoán, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh năm 2022 sẽ phấn đấu tăng trưởng kinh tế trên 10%. Nội dung này đã được Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua. Để đạt được mục tiêu, các ngành cũng đã phối hợp với các đơn vị xây dựng kịch bản, tính toán giá trị tăng thêm của ngành cần phải thực hiện để đạt mức tăng trưởng chung.

Cụ thể, đối với ngành nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng phải đạt tối thiểu gần 5%, tương đương với giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản theo giá so sánh năm 2010 đạt trên 8.600 tỷ đồng. Đây là con số hoàn toàn có thể đạt được.

Ngành công nghiệp và xây dựng, tốc độ tăng trưởng phải đạt trên 14,8%, theo giá so sánh năm 2010, giá trị sản xuất phải đạt trên 46.000 tỷ đồng.

Ngành dịch vụ, tốc độ tăng trưởng phải đạt 7,61%, tương đương với giá so sánh năm 2010, giá trị sản xuất phải đạt 22.000 tỷ đồng.

Như vậy, để đạt trên 10% chủ yếu dựa vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Để ngành công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng trên 14,8% là nhiệm vụ nặng nề cần có sự chỉ đạo, điều hành ngay từ đầu năm 2022. Ngoài việc duy trì tiếp tục sản xuất với năng lực hiện có, chúng ta cần phải tập trung vào một số nội dung đó là:

Tập trung khai thác, sản xuất kim loại đồng và tăng giá trị. Tỉnh đã thu hút dự án của Hàn Quốc xây dựng nhà máy chế tạo dây cáp đồng siêu cao áp. Năm 2022, tiếp tục chỉ đạo đánh giá trữ lượng quặng đồng tới mức -600 (âm sáu trăm) và đưa được nhà máy này vào hoạt động, cố gắng quý I/2022 khởi công xây dựng, từng bước nâng cao giá trị khai thác, sản xuất kim loại đồng.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn đối với quặng loại 3 apatít. Hiện nguồn nguyên liệu quặng loại 3 thiếu làm cho các nhà máy của Công ty Apatít sản xuất với công suất rất thấp, ảnh hưởng đến nguyên liệu đầu vào của các nhà máy hóa chất ở Khu công nghiệp Tằng Loỏng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Văn phòng Chính phủ giúp tháo gỡ khó khăn về quặng loại 3 với tổng khối lượng khoảng hơn 20 triệu tấn đáp ứng cho các nhà máy chế biến quặng apatít.

Tháo gỡ khó khăn nguồn nguyên liệu cho nhà máy gang thép. Nhà máy Graphít phải đi vào hoạt động ổn định và bắt đầu tăng năng suất tối đa. Kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi để một số tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dệt may, thu hút lao động trên địa bàn, tạo việc làm, thu nhập cho người dân và giá trị sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, một số nhà máy khác về thủy điện sẽ đi vào hoạt động theo dự kiến… sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho ngành công nghiệp.

Với các ngành dịch vụ, thương mại nội địa, xuất nhập khẩu và du lịch trong năm 2022 khi tình hình dịch bệnh theo chiều hướng tích cực hơn, chắc chắn sẽ khởi sắc. Đến thời điểm này, sau khi tỉnh tổ chức chương trình “Hương sắc vùng cao - Tinh hoa Tây Bắc”, lượng khách đến Lào Cai bắt đầu tăng trưởng tương đối tốt. Thời gian tới tiếp tục tổ chức lễ hội mùa đông tại huyện Bắc Hà để kích cầu du lịch.

Bằng nhiều giải pháp cụ thể nêu trên, kế hoạch cho mức tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt trên 10% hoàn toàn có cơ sở thực hiện, khả năng cao để đạt được, nhưng với điều kiện chúng ta phải cơ bản kiểm soát và không để bùng phát dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường phát biểu tại kỳ họp.

Xây dựng nông thôn mới không chạy theo thành tích

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội.

Như phân tích ở trên, mặc dù ngành nông nghiệp tăng trưởng dự kiến đạt gần 5% và đóng góp vào GRDP chưa đến 1% điểm, nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn được tập trung chỉ đạo, ưu tiên quan tâm. Bởi tỉnh có 74% dân số ở vùng nông thôn, 66% đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng nông thôn. Tỉnh đã có chiến lược phát triển về nông nghiệp theo Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy, chọn 5 nội dung đột phá gồm: Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây, con khác hiệu quả cao hơn; gắn với sản xuất, chế biến; Đề án 3.200 ha quy chủ lại rừng; phương thức quản lý và phát triển sản xuất, chế biến, tập trung vào các hợp tác xã.

Xây dựng nông thôn mới, quan điểm đi vào thực chất, không chạy theo thành tích. Mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI phấn đấu có trên 2 cấp huyện hoàn thành nông thôn mới, đến nay đã có Bảo Thắng và thành phố Lào Cai là 2 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Năm 2022 phấn đấu có 10 xã được công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng dự kiến kết thúc năm chỉ công nhận hoàn thành 19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới đối với số xã trên.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực cho công tác giảm nghèo; đầu tư nâng cao chất lượng y tế cơ sở; quy hoạch tổng thể mặt bằng cho các trường học, đầu tư kinh phí xây dựng phòng học và hoàn thành phổ cập mầm non 4 tuổi; quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động ở 10 xã nghèo nhất tỉnh; trong đó có giải pháp phát triển công nghiệp tăng giá trị và tạo việc làm mới cho người lao động. Quan tâm đến công tác xóa nhà tạm; đầu tư đưa công nghệ thông tin về các xã, thôn, bản… Tất cả những nội dung trên góp phần từng bước cải thiện các tiêu chí giảm nghèo theo tiêu chuẩn mới.

Giữ mức thu ngân sách nhà nước đạt 9.500 tỷ đồng

Năm 2022 tỉnh vẫn đặt mục tiêu thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 9.500 tỷ đồng, bằng với mức thực hiện năm 2021. Theo tính toán, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP tăng 10% thì thu ngân sách phải tăng. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 xảy ra, lĩnh vực thuế, phí được Chính phủ hỗ trợ thông qua các nghị quyết như: Nghị quyết 68, 116, 105… và khả năng vẫn tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nên việc thu ngân sách liên quan đến cân đối của toàn tỉnh, do đó để mức thu 9.500 tỷ đồng là phù hợp với thực tế hiện nay. Nếu tình hình khả quan, đến kỳ họp giữa năm 2022, có thể UBND tỉnh sẽ trình với HĐND tỉnh thay đổi chỉ tiêu thu ngân sách. Trong giao kế hoạch năm 2022 thời gian tới, UBND tỉnh dự kiến sẽ phấn đấu thu ngân sách năm 2022 là 10.500 tỷ đồng.

Đại biểu tham dự kỳ họp.

Thực hiện mạnh phân cấp nguồn thu

Năm 2021 tỉnh đã thực hiện 16 phân cấp, 16 đổi mới, trong đó Nghị quyết 89 về phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi là đổi mới quan trọng. Phải giữ được nguyên tắc ngân sách tỉnh vẫn là chủ đạo, giảm tối đa việc xin – cho, chuyển việc thu thuế không theo cơ quan thu mà theo địa bàn. Toàn bộ cơ chế xin – cho có thể thực hiện đưa vào đặc thù, phân cấp, thực hiện việc chi trong Nghị quyết 89. Nếu thực hiện được việc này, thành phố Lào Cai sẽ tự chủ được kinh phí về chi thường xuyên, có 4 phường của thành phố và 1 phường của thị xã Sa Pa cũng tự chủ được. Việc này sẽ khơi thông nguồn lực từ cấp xã, đến cấp huyện và cấp tỉnh.

Thích ứng linh hoạt với dịch bệnh Covid-19

Xác định năm 2022 dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, công tác phòng, chống chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, hiệu quả và an toàn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của tỉnh.

Mặc dù là địa bàn có khả năng lây nhiễm cao, nhưng chỉ có 237 ca mắc Covid-19, thấp hơn nhiều so với một số tỉnh lân cận, tỉnh đã tổ chức tiêm mũi 1 cho công dân trên 18 tuổi đạt 99% (còn khoảng 7.000 người chưa tiêm, tiếp tục chỉ đạo thực hiện tiêm hết trong thời gian tới), mũi 2 đạt 89%; công dân từ 12 đến 17 tuổi tiêm mũi 1 đạt 70%, mũi 2 đạt khoảng 8%.

Tỉnh chủ động xây dựng các kế hoạch, kịch bản phòng, chống dịch; năng lực xét nghiệm, điều trị, tiêm phòng vắc xin đảm bảo theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Lào Cai có thể xét nghiệm được trên 40.000 mẫu/ngày, 30.000 mũi tiêm/ngày. Một số nội dung mới về thích nghi, Lào Cai đã thực hiện cách ly F1 tại nhà và sẽ ban hành điều trị F0 tại nhà theo hướng dẫn của ngành y tế. Trong số 237 ca đều chưa phải điều trị bằng thuốc đặc trị.

Tôi kêu gọi toàn thể Nhân dân trong tỉnh nâng cao ý thức góp phần hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, tạo tiền đề quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế trong năm 2022 đã đề ra...

https://www.baolaocai.vn/bai-viet/350430-san-sang-kich-ban-cho-phat-trien-kinh-te--xa-hoi-nam-2022

Báo Lào Cai

Tin Liên Quan

Lào Cai: Đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông

3 tháng đầu năm 2024, Lào Cai đã triển khai đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) cho Nhân dân.

Văn Bàn chú trọng công tác quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên

Chiều 17/4, tại trụ sở Tỉnh ủy, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên về kết quả triển khai Nghị quyết đại hội Đảng...

Mường Hum tìm giải pháp tạo nguồn kết nạp đảng viên

Trong công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng. Đối với Đảng bộ xã Mường Hum, huyện Bát Xát, trước những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, nhiều giải pháp đang được thực hiện để đạt mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Lào Cai phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024

Cuộc thi được tổ chức nhằm góp phần hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách, khơi dậy niềm đam mê, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ Lào Cai, đặc biệt là phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Hiệu quả trong quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh

Thực hiện quy chế phối hợp trong bảo vệ rừng giữa tỉnh Lào Cai với các tỉnh giáp ranh đã góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.