Người Tày giữ nghề làm thổ cẩm

Men theo giai điệu Khắp Nôm, chúng tôi về Văn Bàn một ngày cuối đông đầy nắng. Bên sườn núi, rặng cúc quỳ nở muộn vàng rực, lẫn trong triền xanh của cây lá là những đốm lửa trạng nguyên thắp đỏ… Nắng chiều dần phai, nhưng bên khung cửi của nghệ nhân Hoàng Thị Quanh, vẫn tiếng “lách cách” đều đặn con thoi đưa sợi qua lại để những vuông vải dài thêm. Thời gian buông chầm chậm trong nếp nhà sàn lá cọ, mặc cho ngoài sân, lác đác những bông hoa đào bật mầm nụ bé xinh nở sớm…
Phụ nữ Tày ở Làng Giàng duy trì nghề dệt vải thêu thổ cẩm.

Nghệ nhân Hoàng Thị Quanh (xã Làng Giàng) đang lắp cuộn sợi, còn mấy phụ nữ cùng thôn, người thêu thùa hoa văn làm gối, người bật bông kéo sợi, tiếng nói cười vui vẻ, rộn vang cả nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày dưới chân núi Gia Lan. Vừa thoăn thoắt bện sợi dây bao dao, nghệ nhân Hoàng Thị Quanh vừa tâm sự: Giờ thế hệ trẻ người Tày ở Văn Bàn ít mặn mà với nghề dệt thêu thổ cẩm, làm đệm bông lau, chăn ga, gối… Chị em chúng tôi luôn trăn trở làm sao để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền lại cho con cháu.

Hơn ai hết, những người đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” như bà Quanh và nhiều phụ nữ Tày ở Văn Bàn luôn đau đáu về việc giữ gìn bản sắc văn hóa đang dần mai một trong đời sống hiện đại. Bởi vậy, dù bận rộn với Câu lạc bộ Khắp Nôm và một số công việc ở xã, nhưng bà Quanh vẫn dành thời gian thêu gối, làm đệm ngồi thủ công, đây cũng là dịp cho con cháu trong nhà nhìn mà học tập.

Chị Hoàng Thị Điệp, thôn Nà Bay, xã Làng Giàng dẫn chúng tôi lên nhà sàn và giới thiệu bộ chăn, đệm, gối, đệm ngồi vẫn còn thơm mùi chàm của con dâu chị mới làm khi về nhà chồng. Chị bảo, dù có thể không nhiều người trẻ biết làm nữa, nhưng trong những bản làng người Tày ở mảnh đất bên dòng suối Chăn thơ mộng vẫn gìn giữ được phong tục khi về nhà chồng, người con gái sẽ làm chăn, đệm, gối, đệm ngồi tặng ông bà, bố mẹ và các anh chị em bên gia đình nhà chồng, đủ mỗi người 1 bộ. Phong tục thể hiện lòng tôn kính, hiếu thuận của con gái khi về nhà chồng, cũng là thể hiện với gia đình mới rằng mình cũng khéo tay, đảm đang…

Để có vải thêu, phụ nữ Tày phải chăm chỉ trồng bông, thu hái, tách bông khỏi hạt, bật bông cho tơi rồi vê bông thành lọn tròn để kéo sợi rồi mới dệt. Còn để thêu thổ cẩm, người Tày dùng sợi chỉ màu tạo nên những hoa văn trên vải. Đưa cho chúng tôi xem chiếc dây bao dao dệt hoa văn thổ cẩm tỉ mẩn, dài chừng 3 sải tay, bà Hoàng Thị Quanh bảo: Nhìn đơn giản vậy thôi, nhưng để dệt xong một chiếc dây bao dao phải mất cả tuần. Con gái Tày thường dệt chiếc dây này tặng người mình yêu thương với lời gửi gắm “Em tặng anh chiếc dây đan/Để anh lên núi Gia Lan chặt vầu”. Vừa nói bà Quanh vừa hát cho chúng tôi nghe bài dân ca bằng tiếng Tày về chiếc dây bao dao.

Cùng với giai điệu Khắp Nôm, những sản phẩm dệt thủ công truyền thống của người Tày giúp “nhận diện” về miền di sản của người Tày ở vùng đất Văn Bàn. Thế nên, hồn quê hương được neo giữ trong từng hoa văn, trong từng sản phẩm, mà ở đó chất chứa yêu thương. Mộc mạc, giản dị nhưng cũng đầy sắc màu độc đáo, làm nên bản sắc riêng thổ cẩm người Tày ở vùng này. Văn hóa là cuộc sống, chính vì vậy, trong những sản phẩm gối, đệm của đồng bào Tày, có thể nhận hình ảnh cách điệu mô phỏng con nhện, cây cỏ bợ, lá cọ và hoa lá trong vườn nhà… rất gần gũi với cuộc sống đời thường.

Đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng hằng ngày, bà Phùng Thị Tưởng, Chủ nhiệm Hợp tác xã thổ cẩm thị trấn Khánh Yên vẫn miệt mài bên khung cửi truyền thống, bên chiếc máy may cũ kỹ, rồi thêu thêu, dệt dệt không ngừng tay. Bởi, với người phụ nữ đã đi gần hết chặng đường của cuộc đời, được làm những sản phẩm truyền thống của dân tộc mình là một niềm vui, cũng là bảo tồn, giữ gìn, truyền lại cho đời sau nghề của cha ông… “Còn sức khỏe trời cho ngày nào, tôi vẫn sẽ làm thổ cẩm, vì đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi”, bà Tưởng chia sẻ.

Không chỉ có vậy, Hợp tác xã thổ cẩm truyền thống của bà Tưởng còn đáp ứng các đơn đặt hàng từ các vùng đồng bào người Tày trong huyện, trong tỉnh và các vùng phụ cận. Những sản phẩm truyền thống của Hợp tác xã còn theo chân gia chủ đến từng nhà, trang trí không gian sống mang màu sắc quê hương, dân tộc mình trong đó.

https://baolaocai.vn/bai-viet/351661-nguoi-tay-giu-nghe-lam-tho-cam

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.