Vườn yêu thương

Mặc không khí lạnh tràn về tái tê, mẹ vẫn lụi cụi ngoài vườn nhặt nhạnh đám lá già, cẩn thận bắt sâu non từ những luống rau, rồi tưới nước xua tan sương muối đọng trên từng chiếc lá đang lên mơn mởn. Nhắc mẹ giữ gìn sức khỏe thì mẹ nói: “Chỉ cần ngơi một tí là mất rau ăn tết đấy con!”.

Nói là vườn thực ra chỉ có khoảng hơn chục mét vuông đất thừa ở khu tam giác nằm giữa hai dãy phố trước cửa nhà. Ở nơi phố phường chật hẹp này, có mảnh đất trống ấy thật quý như vàng. Thấy đám đất mọc đầy cỏ hoang và là nơi xả rác của nhiều người, mẹ xuýt xoa tiếc. Một ngày, thấy mẹ hì hụi bên đám đất, lúc nhổ cỏ, lúc cuốc đất, vun luống, chẳng mấy chốc mảnh vườn nhỏ xinh đã nên dáng, nên hình. Rồi mẹ tìm giống rau về gieo trồng mùa nào thức nấy, hè đến thì rau muống, rau đay, mồng tơi; đông tới là su hào, các loại rau cải, rau thơm…

 Mẹ có mấy người con đều đã trưởng thành, lập gia đình riêng và sống cùng thành phố. Từ ngày bố mất, mẹ vẫn ở một mình trong căn nhà tràn đầy kỷ niệm mà cả đời bố mẹ chắt chiu xây dựng được. Hằng ngày, mình mẹ quẩn quanh trong mấy căn phòng nên luôn cảm thấy bí bức, buồn chán. Từ ngày làm được mảnh vườn nhỏ, mẹ như tìm được nguồn vui cho riêng mình. Sáng, chiều mỗi ngày, mẹ bỏ tâm chăm chút những luống rau nên loại nào cũng tốt bời bời. Khi được thu hoạch, mẹ lại cắt, tỉa cẩn thận để vào từng túi nilon, rồi gọi các con, các cháu đến lấy.

Những loại rau mẹ gieo trồng làm phong phú thêm bữa ăn cho gia đình nhỏ của các con, nhất là trong những ngày phải giãn cách xã hội vì dịch bệnh. Mỗi đọn rau xanh như một món quà của mẹ, tuy giá trị nhỏ thôi nhưng ở đó có giọt mồ hôi, có tình yêu thương của mẹ. Hễ không thấy các con, các cháu về lấy rau, mẹ lại sốt ruột, réo rắt qua điện thoại: “Không qua nhà mẹ lấy rau à? Mẹ sắp sẵn cho mỗi đứa một túi đây rồi. Nhà có rau sạch đừng đi đâu mua cho tốn kém?”…

Mẹ mong ngóng các con, các cháu về đâu chỉ để lấy mấy mớ rau xanh, trong tâm tư sâu kín của mẹ chính là những khoảnh khắc hạnh phúc được gặp các con, các cháu. Trong cuộc sống hối hả, bận bịu, từng đứa con cứ lần lượt xa dần vòng tay của mẹ. Mỗi tuần, mỗi tháng, ngoại trừ lúc có việc, thoảng lắm các con mới về thăm mẹ, kể dăm ba câu chuyện gia đình nhỏ mình. Nào chàng rể nhiều lúc quá chén quên cả đường về nhà, chuyện con dâu cằn nhằn, khó tính, rồi các cháu ở lớp còn mắc tật nọ, tật kia… Mẹ hiểu các con vẫn luôn quan tâm mẹ, đứa mua hộp sữa, túi thuốc bổ, ngày lễ, tết còn dẫn mẹ đi mua sắm, may quần áo mới. Nhưng niềm hạnh phúc thật sự của mẹ đôi khi chỉ là được nghe giọng nói choa chỏa của cô con gái lớn kể tội chồng, tiếng phàn nàn của con trai khi làm ăn không thuận lợi, còn có tiếng nô đùa đến nhức óc, inh tai của đám cháu…

Mấy năm vừa rồi, dịch bệnh khắp nơi, các con vất vả, bươn chải kiếm sống, mẹ xót lắm. Mẹ chẳng biết làm gì để giúp các con, các cháu, ngày ngày chỉ cuốc xới mảnh vườn nhỏ, không cho đất nghỉ, gieo trồng đủ loại rau, rồi hằng ngày tận tay thu hái gửi cho con, cháu. Trước tết mấy tháng, mẹ còn trồng thêm hoa đồng tiền, hoa cúc ven vườn. Mẹ bảo: “Tết này các con không phải lo mua rau, mua hoa nhé! Thời buổi khó khăn thế này, tiết kiệm được tí nào hay tí ấy”.

Nói rồi, mẹ đội sương lạnh xách ô doa ra vườn tưới cho mấy luống rau, hoa đang e ấp trốn rét, chờ tia nắng ấm để bật lá, đơm hoa…

https://baolaocai.vn/bai-viet/351956-vuon-yeu-thuong

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.