Nức tiếng phở Bắc Hà

Bắc Hà từ lâu được ví như “Đà Lạt” thu nhỏ ở khu vực Tây Bắc. Không chỉ cảnh sắc nên thơ, con người giản dị mà những nét văn hóa ẩm thực của cộng đồng các dân tộc nơi đây cũng rất đặc sắc.

Đến Bắc Hà vào những ngày cận Tết, khách viễn xứ có cảm giác rất lạ trước cảnh vật thoắt ẩn, thoắt hiện trong màn sương giăng kín. Sẽ thật cảm xúc khi được cùng hòa mình vào dòng người nô nức đi chợ phiên Bắc Hà, cùng ngồi quanh chiếc bàn gỗ ven chợ co ro hơ tay bên bếp lửa bập bùng, mỗi khi nói chuyện, miệng ai cũng thở ra những khối khí bảng lảng như sương.

Hấp dẫn phở Bắc Hà.

Càng đặc biệt hơn khi cùng nhau chờ đợi chị chủ quán thân thiện bưng ra một bát phở được chan bởi nước dùng đang sôi sùng sục trong cái nồi lớn. Hương thơm của các loại gia vị đặc trưng không nơi nào có theo làn gió tỏa đi cả một khu chợ như tha thiết mời gọi thực khách.

Cũng như bao chợ phiên khác, hôm nay vợ chồng ông Vừ Seo Sinh ở xã Tả Củ Tỷ xuống chợ phiên Bắc Hà từ tờ mờ sáng. Sau khi bán được đôi gà đen và một con lợn “cắp nách”, vợ chồng ông Sinh rủ nhau vào khu ẩm thực để ăn tô phở nóng hổi. Ông Sinh cho biết: Hằng ngày ở nhà ăn cơm, ăn mèn mén nhiều rồi, đi chợ phiên nếu không được ăn phở thì cảm thấy bứt rứt lắm!\

Cũng là phở Bắc Hà, nhưng ăn phở ở các khu vực nhà hàng, đường phố sẽ khác rất nhiều trong chợ phiên. Khác biệt có lẽ ở nồi nước dùng, người trong chợ nấu nước dùng ninh từ các loại xương lợn đen, cũng kết hợp luộc các loại thịt lợn, thịt gà bản địa… Khi mang thứ nước đó chan với bánh phở được tráng thủ công từ loại gạo xay từ thóc cũ màu hồng sẽ cho mùi vị thơm nồng, thanh ngọt, để lại vị đậm đà mà không phải vị ngọt từ đường hay mì chính.

Chị Giàng Hoa, một chủ quán có thâm niên gần 20 năm bán phở ở khu vực ẩm thực chợ văn hóa Bắc Hà chia sẻ: Bí quyết để có bát phở ngon quan trọng nhất là khâu lựa chọn nguyên liệu. Lợn, gà dùng nấu phở phải là do người bản địa nuôi, trong quá trình chăn nuôi họ không sử dụng thức ăn công nghiệp, chủ yếu dùng cám gạo, ngô, cây chuối và các loại rau rừng, khi chế biến sẽ không bị hôi.

Người vùng cao đến chợ phiên không thể bỏ qua món phở Bắc Hà.

Điều đặc biệt làm cho phở Bắc Hà “nức tiếng” bấy lâu nay còn phải kể đến bánh phở. Không phải thứ bánh phở trắng phau làm từ gạo của miền xuôi như ngoài phố thường thấy, bánh phở Bắc Hà có màu hồng nhạt đặc trưng do làm từ loại gạo được gieo trồng dài ngày trên nương ruộng. Bản thân thứ gạo làm ra bánh phở này vốn rất cứng nhưng khi làm ra sợi bánh phở lại dai, đậm đà hơn rất nhiều so với gạo trắng thông thường. Vì thế ăn bát phở Bắc Hà, nhiều người cứ lưu luyến mãi vị bánh phở ngọt dai.

Ngoài phở chan đặc trưng nhất ở Bắc Hà, cũng từ loại bánh phở đó, người ta còn biến tấu thành món phở chua, phở trộn xa xíu đặc sắc không kém. “Tiếng lành đồn xa”, thời gian qua, nhiều người làm YouTube đã tìm đến chợ phiên Bắc Hà để tìm hiểu, thưởng thức món phở đặc sản của Bắc Hà. Những video khi được đăng tải trên nền tảng mạng xã hội đã thu hút hàng triệu lượt người xem, chia sẻ và bình luận, góp phần đưa hình ảnh văn hóa, con người và ẩm thực Bắc Hà đến với người xem không chỉ ở Việt Nam mà còn tới bạn bè quốc tế.

https://baolaocai.vn/bai-viet/352626-nuc-tieng-pho-bac-ha

 

Tin Liên Quan

Thực hiện quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu tại huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa

Đó là mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch Triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh Lào Cai.

Bánh chưng cốm của người Thái

Vùng đất Thẳm Dương (Văn Bàn) không chỉ nổi tiếng với giống nếp đệ nhất “nữ hoàng” Khảu Tan Đón, còn có món bánh chưng cốm đang được cấp ủy, chính quyền cùng đồng bào dân tộc Thái nơi đây xây dựng trở thành thương hiệu riêng.

Làng làm bánh chưng Ún Tà vào tết

Đến làng Ún Tà, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) những ngày tháng Chạp. Từ đầu làng, chúng tôi đã nghe tiếng máy cắt ống cây nứa, tiếng lách cách chẻ ống lam, đặc biệt là mùi gạo nếp thơm nức của những mẻ bánh chưng vừa luộc sẵn sàng phục vụ khách hàng chuẩn bị đón tết.

Dúa chỏ - Món quà vặt của vùng cao

Cách trung tâm huyện Bắc Hà khoảng 10 km, xã Hoàng Thu Phố có 5 thôn, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quần thể cây chè di sản và bất cứ du khách nào đến Hoàng Thu Phố cũng được người dân mời thưởng thức món “dúa chỏ” (bánh nếp đường)...

Tạo sự đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu

Việc mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát...

Bản Hồ mùa cốm mới

Khi tiết thu se lạnh, những ruộng lúa nếp bắt đầu chắc hạt, người dân xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) háo hức bước vào vụ cốm mới. Những hạt cốm màu xanh ngọc, dẻo thơm càng cuốn hút du khách đến với vùng đất này.