Về miền khắp Nôm

Men theo dòng suối Chăn, trong ngân vang câu hát hòa cùng nhịp đàn tính, chúng tôi thong dong về miền Khắp Nôm vào một chiều tháng Chạp. Hoàng hôn buông chậm dưới chân Pú Gia Lan huyền thoại, phủ lên khắp không gian của xứ sở Mường Thát Luông, Mường Thát Nọi xưa một màu cam đỏ. Trên gian bếp nhà sàn, ánh lửa bập bùng, phảng phất hương xôi nếp quyện với mùi tro cây núc nác, mùi lá dong tỏa hương thơm từ bánh chưng đen truyền thống của người Tày.
Buổi luyện tập của các thành viên Câu lạc bộ Tính tẩu xã Thẳm Dương.

Quây quần quanh bếp lửa, Đội văn nghệ Khắp Nôm xã Thẳm Dương hăng say luyện tập những điệu hát múa chuẩn bị cho dịp vui xuân, đón tết cổ truyền và biểu diễn trong lễ hội Xuống đồng đầu năm mới. Lửa ấm dường như xua tan cái lạnh giá cuối đông, dọn chỗ cho nàng xuân ấm áp đang ngập ngừng ngoài ngõ. Ông Hà Văn So, thành viên Câu lạc bộ Khắp Nôm xã Thẳm Dương hằng ngày sau giờ lên nương, rảnh rỗi là ông lại ôm cây đàn ra hiên nhà sàn để luyện, thả hồn cùng với những thanh âm trầm bổng tính tẩu, như tự sự với chính mình, như chiêm nghiệm cuộc đời. Ông So không nhớ chính xác mình biết chơi đàn từ năm nào, chỉ biết rằng từ khi còn là chàng thanh niên hằng ngày theo cha lên nương, theo ông nội vào rừng lấy củi, những giai điệu của văn hóa truyền thống ấy đã ngấm vào tâm trí ông cho đến tận bây giờ, khi trên đầu ông đã hai thứ tóc. Không chỉ tìm nguồn vui cho mình, ông So còn lan tỏa niềm yêu ca hát, say mê âm nhạc dân tộc cho bà con trong bản, cho thế hệ trẻ tiếp nối.

Không chỉ có ông Hà Văn So mà hầu như bất cứ ai sinh ra và lớn lên trong cái nôi của điệu hát Nôm Tày, thường ngấm vào máu thịt một tình yêu da diết với câu dân ca quê mình. Chính vì thế, làn điệu Nôm từ lời cổ cho đến lời mới được sáng tác đều ngợi ca tình yêu đất nước, quê hương tươi đẹp, tình yêu lứa đôi, nghĩa vợ chồng... “Lời yêu em chưa nói hết, lời thương em chưa tỏ được, chỉ biết gửi qua làn điệu dân ca quê mình mà thôi”. Bấy nhiêu cũng đủ để ai đó một lần trót yêu làn điệu Khắp Nôm cũng thỏa sức mà đắm chìm trong một khoảng không gian đầy chất thơ của mạch ngầm di sản văn hóa đồng bào Tày bên dòng ngòi Chăn. Những vần, những điệu ấy cứ ngân vang để bắc nhịp cầu đưa gửi tâm tình, trao duyên hò hẹn, tỏ lòng yêu kính bậc sinh thành, bảo ban con cháu gìn giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ…

Phụ nữ Làng Giàng biểu diễn hát dân ca Nôm Tày.

Nặng lòng với giai điệu quê hương, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Thị Quanh gác lại bề bộn công việc của gia đình những ngày cuối năm, miệt mài cùng các thành viên trong câu lạc bộ Khắp Nôm xã Làng Giàng duy trì buổi luyện tập định kỳ. Mọi người vừa tranh thủ may nốt những đường chỉ cuối, hoàn thành chiếc áo mới để đón Tết vừa cất vang giai điệu Khắp Nôm. Thuộc từng câu dân ca Tày từ tấm bé, lớn lên cùng làn điệu múa Then, câu hát Nôm, bà Hoàng Thị Quanh đã hơn bốn mươi mùa hoa xuân “truyền lửa” cho thế hệ mai sau gìn giữ nét đẹp truyền thống. Bà đã truyền dạy và góp công trong việc đưa Khắp Nôm vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Gói gọn bằng hai chữ “đam mê”, nghệ nhân già cứ thế cần mẫn bước thấp bước cao, băng qua các thôn, bản, nhen nhóm niềm yêu dân ca trong cộng đồng làng bản, rồi cứ thế lan tỏa mong ước giữ hồn quê hương, bản sắc văn hóa dân tộc…

Chảy trong mình dòng máu “cân tay” (tiếng Tày có nghĩa là người Tày), bà Phùng Hoàng Oanh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Văn Bàn cũng đã nhiều năm xuôi ngược, những ngày tháng không quản nắng mưa đến tận thôn, xuống từng xã tham gia cùng địa phương tổ chức, thành lập các câu lạc bộ, tham gia lập hồ sơ di sản, như thấu hiểu hơn ai hết ý nghĩa của Khắp Nôm trong đời sống cộng đồng người Tày. Theo bà Phùng Hoàng Oanh, “không đơn thuần là công việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Khắp Nôm, mà còn là trọng trách thiêng liêng khi mình cũng là người con của dân tộc Tày trên quê hương Văn Bàn”.

Trân trọng, nâng niu gìn giữ như một báu vật của đồng bào mình, giờ đây, 12 xã trên địa bàn huyện Văn Bàn có đông đồng bào Tày sinh sống duy trì sinh hoạt thường xuyên 12 câu lạc bộ Khắp Nôm. Điều này góp phần tôn vinh giá trị của giai điệu Khắp Nôm trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Tày ở Văn Bàn. Cùng với các di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh như nghi lễ then “Khoăn”, trò chơi kéo co, lễ hội Xuống đồng, nghi lễ “Mo tham thát”, tục cúng Thổ công đầu năm mới... điệu Khắp Nôm đã góp thêm một gam màu sống động trong bức tranh di sản văn hóa của đồng bào Tày ở mảnh đất Văn Bàn. Tất cả tạo nên dòng chảy văn hóa, tiếp nối để trường tồn bởi những người đang “mài” những viên ngọc di sản ấy luôn sáng. Chính sự đam mê, nhiệt huyết từ trái tim những người con của đồng bào Tày đã thắp lên ngọn lửa di sản văn hóa, để giai điệu Khắp Nôm cứ ngân mãi bên dòng ngòi Chăn mỗi mùa xuân về với niềm tin, khát vọng no ấm, an vui.

Mang theo âm vang của giai điệu Khắp Nôm, chúng tôi rời mảnh đất bên dòng ngòi Chăn khi sương đêm đã ướt đẫm vạt cỏ ven đường, không quên lời hẹn “Tết này, nhớ về Làng Giàng tham dự lễ Mo tham thát cùng bà con người Tày nhé!”.

https://baolaocai.vn/bai-viet/352640-ve-mien-khap-nom

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Người Tày xã bản Hồ giữ nghề truyền thông

Nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lào Cai: Bảo tồn lễ hội, phong tục tập quán xã hội tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch

Năm 2024, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu: Lập 03 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị ít nhất 01 lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024

Từ ngày 15/4 đến hết ngày 19/4/2024, Lào Cai phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai. Trong đó, ngày 15/4 là ngày phát động đồng bộ thực hiện mặc trang phục truyền thống các dân tộc trên phạm vi toàn tỉnh.