Thế giới tuần qua: Khủng hoảng Ukraine chưa giảm nhiệt

Tuần qua (14 – 20/2), thế giới liên tục phải cập nhật những diễn biến nóng không chỉ của đại dịch COVID-19 mà còn từ tình hình căng thẳng tại Ukraine cũng như biến động tăng mạnh của giá vàng hay việc EU khiếu nại WTO khúc mắc với Trung Quốc về bằng sáng chế công nghệ.

Khủng hoảng Ukraine chưa giảm nhiệt

Binh sỹ Ukraine luyện tập tại một công viên ở thủ đô Kiev ngày 22/1. (Ảnh: AP/TTXVN) 

Tuần qua, thế giới vẫn hàng ngày cập nhật những diễn biến mới xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, song chưa có tin tức nào cho thấy những căng thẳng diễn ra tại đất nước Đông Âu này đang dần hạ nhiệt.

Nếu như trong tuần trước, việc Nga kéo quân tới tập trận chung với Belarus ngay gần biên giới Ukraine khiến phương Tây cho rằng Nga sẽ nhanh chóng tấn công Ukraine, thì ngày 15/2, Nga tuyên bố điều một phần binh sĩ trở lại căn cứ sau khi hoàn thành các cuộc tập trận ở Crimea. Tuyên bố rút quân cùng bằng chứng Nga đưa ra đã phần nào khiến cuộc khủng hoảng giảm bớt căng thẳng, song ngay sau tuyên bố của Nga, Mỹ và các đồng minh phương Tây đều đồng loạt cho rằng Nga đã “lừa dối” thế giới trong chuyện rút quân. Phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá việc Nga rút quân sẽ là điều tốt nhưng ông chưa thấy bằng chứng của động thái này.

Đến ngày 18/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc Moscow đang tìm cách mở đường can thiệp quân sự, tấn công Ukraine trong những ngày tới đây, thậm chí kích động phe đòi độc lập ở miền Đông nước Nga vi phạm lệnh ngừng bắn với Kiev. Cùng ngày, Nhà Trắng cũng thông báo rằng lãnh đạo Mỹ và những người đồng cấp tại châu Âu bao gồm Anh, Pháp, Đức, Italy, Ba Lan, Romania, đã tái khẳng định ủng hộ của hộ với “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” đồng thời cảnh báo Nga về việc “xâm lược” nước láng giềng Ukraine.

Về phần mình, Nga đã bác bỏ các cáo buộc liên quan đến “xâm lược Ukraine” và cho rằng phương Tây "đang làm trầm trọng thêm tình hình”. Bộ Quốc phòng Nga ngày 18/2 thông báo bắt đầu rút thêm xe tăng và các xe bọc thép khác ra khỏi các khu vực gần biên giới với Ukraine. Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các đơn vị xe tăng của Quân khu miền Tây đã quay trở về căn cứ thường trực tại tỉnh Nizhny Novgorod sau khi hoàn thành các bài tập theo kế hoạch. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết 10 máy bay chiến đấu đã rút khỏi Bán đảo Crimea. Theo quan điểm của Moskva, việc NATO vẫn đang tìm cách mở rộng về phía Đông và đưa vũ khí vào lãnh thổ Ukraine cũng đang đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.

Phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 58 ngày 18/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã kêu gọi các bên liên quan cuộc xung đột ở Ukraine có biện pháp giảm leo thang, trong đó nhấn mạnh giải pháp ngoại giao cho căng thẳng hiện nay. Nhà lãnh đạo Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ leo thang khôn lường, trong đó mối đe doạ đối với an ninh toàn cầu hiện nay phức tạp và quy mô lớn hơn nhiều so với giai đoạn Chiến tranh Lạnh trước đây.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đề cập tới cuộc khủng hoảng Ukraine, cảnh báo nguy cơ về một cuộc chiến tranh mới ở châu Âu. Bà cũng một lần nữa lưu ý tới những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị và chiến lược nếu chiến tranh nổ ra ở Ukraine.

Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 19/2 đã ra tuyên bố chung về vấn đề Nga - Ukraine, trong đó khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy Nga đang giảm các hoạt động quân sự tại khu vực gần biên giới với Ukraine, đồng thời khẳng định vẫn dành mối quan tâm lớn tới diễn biến tại khu vực này. Theo tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Anh công bố, ngoại trưởng các nước này đã kêu gọi Nga lựa chọn các biện pháp ngoại giao, giảm leo thang căng thẳng, rút quân khỏi khu vực gần biên giới với Ukraine, đồng thời tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế.

Nhiều quốc gia nới lỏng hạn chế phòng COVID-19

 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh. (Ảnh: THX/TTXVN)

Với chủ trương sống chung an toàn với COVID-19, các nước trên thế giới tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

Tại châu Âu, Đức là một trong những quốc gia mới nhất ở châu lục này dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 vốn đã làm gián đoạn cuộc sống của người dân trong hai năm qua. Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa thông báo lộ trình 3 bước, trong đó hầu hết các hạn chế ở nước này sẽ được thu hồi trước ngày 20/3.

Trước Đức, vào đầu tháng này, Đan Mạch là nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên dỡ bỏ mọi hạn chế và chỉ duy trì số ít biện pháp tại khu vực cửa khẩu biên giới, với những người chưa tiêm phòng đến từ các quốc gia không thuộc khối đi lại tự do Schengen. Thụy Sĩ và Bồ Đào Nha cũng loại bỏ gần như tất cả hạn chế liên quan đến đại dịch bắt đầu từ ngày 17/2, bao gồm khuyến nghị làm việc tại nhà hay yêu cầu xuất trình giấy tiêm chủng ở nơi công cộng.

Tại Pháp, ngày 16/2, các câu lạc bộ đêm đã được mở cửa trở lại lần đầu tiên trong vòng 3 tháng, đồng thời tất cả quy định về đeo khẩu trang sẽ được dỡ bỏ và quy định về thẻ thông hành sẽ được nới lỏng từ giữa tháng sau. Hà Lan đã bắt đầu trở lại tình trạng gần như bình thường từ ngày 18/2, trong khi người chưa tiêm phòng ở Áo có thể sử dụng dịch vụ tại nhà hàng và đến các cửa hàng không thiết yếu từ ngày 19/2 nếu xét nghiệm âm tính.

Tại Anh, theo kế hoạch mới, những người có triệu chứng COVID-19 sẽ không phải xét nghiệm PCR, trong khi việc phân phối miễn phí các bộ xét nghiệm nhanh có thể sẽ bị cắt giảm.

Ngày 17/2, Nhật Bản thông báo nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2, bao gồm việc nâng số người được phép nhập cảnh vào Nhật Bản lên 5.000 người mỗi ngày từ 3.500 người hiện tại. Cơ quan liên bộ đặc trách về COVID-19 của Singapore cũng cho biết nước này sẽ tiếp tục đơn giản hóa các biện pháp kiểm soát biên giới đối với những người đã tiêm đủ vaccine và mở rộng thêm các tuyến đi lại đã tiêm chủng với nhiều quốc gia hơn khi tình hình cho phép. Về phần mình, Thái Lan đã khởi động lại chương trình du lịch không cách ly sau 5 tuần tạm dừng do biến thể Omicron lây lan, còn Malaysia cam kết mở cửa biên giới cho tất cả công dân nước ngoài vào tháng 3.

Tại Canada, từ ngày 28/2, những người đã tiêm phòng đầy đủ sẽ không bị bắt buộc xét nghiệm RT-PCR trước khi đến đây, trong khi chính quyền Ottawa cũng chỉ khuyến cáo người dân nước này thận trọng đối với các chuyến đi cho những mục đích không thiết yếu. Ecuador và Peru cũng thống nhất mở cửa trở lại các cửa khẩu biên giới đường bộ giữa hai nước kể từ ngày 18/2. Trước đó, Cộng hòa Dominica đã quyết định dỡ bỏ toàn bộ hạn chế, dẫu rằng vẫn chưa đạt mục tiêu bao phủ tiêm chủng cho 70% người trưởng thành.

Australia và New Zealand cũng công bố kế hoạch mở cửa trở lại, mặc dù có phần dè dặt hơn so với nhiều nơi khác. Theo đó, Australia sẽ đón du khách nước ngoài tiêm ít nhất hai liều vaccine từ ngày 21/2, trong khi Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đặt mục tiêu đến tháng 10 tới đây sẽ cho phép tất cả du khách nước ngoài nhập cảnh.

Tuy nhiên, theo trang thống kê worldometers.info, tính đến chiều 20/2, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 423.823.808 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.901.350 ca tử vong. Số người đã bình phục là 348.878.604 ca. Hiện có 82.549 ca đang phải điều trị tích cực.

Giá vàng thế giới tăng mạnh nhất trong 9 tháng

Giá vàng thế giới đã liên tiếp phá vỡ khi vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce. (Ảnh: thehansindia.com)

Tuần qua, giá vàng thế giới đã vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce. Trên thị trường thế giới, lúc 7h30 sáng 19/2 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên Kitco là 1.899,2 USD/ounce sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 là 1.902,22 USD/ounce hồi đầu phiên. Trong tuần này, giá vàng thế giới tăng 2,4%, tăng 3,63% so với đầu năm và tăng 6,75% trong 52 tuần qua.

Giá vàng đang phụ thuộc vào những diễn biến địa chính trị liên quan đến cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Mặt khác, giới đầu tư vẫn mạnh tay bán cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc "đỏ" sàn. Trong phiên 17/2, giá vàng thế giới tăng lên mức cao kỷ lục của 8 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng mọi dấu hiệu cho thấy Nga đã lên kế hoạch thực hiện hành động quân sự liên quan tới Ukraine. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên tăng 1,6%, lên 1.902 USD/ounce.

Theo đánh giá của ông Adrian Ash, Giám đốc nghiên cứu của nền tảng giao dịch vàng BullionVault, có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), trong những tuần tới, giá vàng có thể có xu hướng giảm nếu căng thẳng tại Đông Âu giảm bớt, nhưng các động lực cơ bản vẫn được duy trì. Còn theo ông Peter Spina, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của chuyên trang về thị trường vàng GoldSeek.com (Mỹ), giá vàng có thể nhanh chóng tiếp tục đi lên để đạt được mục tiêu tiếp theo là 1.920 USD/ounce.

EU khiếu nại WTO khúc mắc với Trung Quốc về bằng sáng chế công nghệ

 Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis (Ảnh: Reuters)

Liên minh châu Âu (EU) đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khúc mắc với Trung Quốc liên quan vấn đề bằng sáng chế công nghệ, cáo buộc Bắc Kinh ngăn cản các công ty công nghệ châu Âu sử dụng các tòa án quốc tế trong bảo vệ bằng sáng chế của họ. Trong một tuyên bố ngày 18/2, Phó Chủ tịch điều hành EU Valdis Dombrovskis nêu rõ: "Các công ty EU có quyền tìm kiếm công lý khi công nghệ của họ bị sử dụng một cách bất hợp pháp. Đó là lý do tại sao ngày hôm nay chúng tôi tham vấn WTO".

Theo EU, kể từ năm 2020 đến nay, các tòa án ở Trung Quốc đã đưa ra nhiều án phạt tài chính và những quyết định pháp lý khác gây bất lợi cho các công ty EU, buộc những công ty này phải đệ đơn kiện lên các tòa án trên khắp thế giới. EU cho rằng các hành động pháp lý này tạo điều kiện cho các nhà sản xuất Trung Quốc "có thể tiếp cận công nghệ của châu Âu với chi phí thấp, hoặc thậm chí là miễn phí".

Đơn khiếu nại của EU lên WTO chỉ rõ các công ty bị ảnh hưởng bởi chiến lược này của Trung Quốc bao gồm Conversant, Ericsson, InterDigital và Sharp.

Các quan chức EU cho biết họ đã nêu vấn đề này với Trung Quốc tại WTO, trên phương diện song phương và tại nhiều diễn đàn pháp lý khác, nhưng không nhận được phản hồi thỏa đáng từ Bắc Kinh.

Động thái của EU đánh dấu một chương mới trong căng thẳng thương mại giữa khối này và Trung Quốc, vốn đã tồn tại nhiều vấn đề căng thẳng khác./.

https://dangcongsan.vn/thoi-su/the-gioi-tuan-qua-khung-hoang-ukraine-chua-giam-nhiet-604348.html

 

Theo dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...