Nâng cao thu nhập từ sản xuất vụ đông

Những năm trước, ngành nông nghiệp đều phấn đấu sản xuất vụ đông hơn 10.000 ha, nhưng năm 2021, kế hoạch được giao chỉ còn 4.000 ha, còn lại người dân sản xuất an sinh sẽ không thống kê vào kế hoạch. Thực hiện kế hoạch, tổng diện tích cây trồng vụ đông hàng hóa, tăng vụ trên đất ruộng đạt 4.005 ha (thành phố Lào Cai 324 ha, Bát Xát 322 ha, Văn Bàn 1.089 ha, Bảo Yên 414 ha, Bảo Thắng 705 ha, Mường Khương 160 ha, Bắc Hà 360 ha, Si Ma Cai 431 ha, Sa Pa 200 ha), đạt 100,1% so với kế hoạch. So với những năm trước, kế hoạch sản xuất vụ đông giảm nhiều về diện tích nhưng tập trung theo hướng hàng hóa thay vì sản xuất an sinh như trước đây.
Nông dân Y Tý (Bát Xát) chăm sóc rau vụ đông.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành nông nghiệp đang có xu hướng chuyển đổi từ nông nghiệp an sinh sang nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm thì việc chuyển đổi trong vụ đông là cần thiết và phù hợp. Thực chất, diện tích cây vụ đông năm 2021 là diện tích sản xuất hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định và nâng cao giá trị trên 1 ha đất canh tác.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tổng sản lượng cây trồng vụ đông ước đạt hơn 57.000 tấn (47.600 tấn rau các loại, 5.100 tấn ngô, 2.800 tấn khoai lang, 1.500 tấn khoai tây) và 778.320 bông hoa (cúc, lay ơn). Tổng giá trị sản xuất cây trồng vụ đông đạt 569 tỷ đồng, giá trị bình quân đạt 142 triệu đồng/ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã linh hoạt trong hướng dẫn cơ cấu, lịch thời vụ, rải vụ đảm bảo sản lượng rau cung ứng đúng dịp khan hiếm, nâng cao giá trị cho người dân; các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế được người dân lựa chọn mở rộng. Giá trị sản xuất vụ đông của một số địa phương tăng, đạt hơn 250 triệu đồng/ha, điển hình như thành phố Lào Cai và các huyện Bắc Hà, Bảo Thắng, thị xã Sa Pa…

Trước những khó khăn do giá vật tư nông nghiệp tăng, thị trường tiêu thụ hạn chế, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn, chỉ đạo người dân tăng sử dụng các loại phân hữu cơ sẵn có tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và chuẩn bị vật tư nông nghiệp đầy đủ, bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý (ưu tiên trồng các cây có củ, quả thuận tiện trong vận chuyển và bảo quản lâu dài như khoai tây, khoai lang, cà chua, su hào, củ cải... Bố trí trồng luân canh, xen canh, rải vụ các loại rau ăn lá, đầu tư chăm sóc để nâng cao năng suất, đảm bảo nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa trong thời gian chính vụ. Bố trí trồng rau trong nhà lưới, nhà kính nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất do thời tiết rét đậm, rét hại, sương muối… Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng trước vật tư cho người dân ngay từ đầu vụ và bao tiêu sản phẩm.

Trong vụ đông năm 2021, các địa phương tập trung liên kết sản xuất với các đơn vị bao tiêu. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình tiếp tục tham gia liên kết sản xuất vụ đông với người dân, tổng diện tích sản xuất theo hướng liên kết đạt hơn 200 ha. Sản xuất theo “đơn đặt hàng”, chủ động đầu ra cũng đã góp phần không nhỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Ngành nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt nói riêng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ tổ chức sản xuất, bố trí thời vụ, áp dụng biện pháp kỹ thuật, đến dự báo thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm… kịp thời và hiệu quả. Sản lượng cây trồng vụ đông sản xuất ra đáp ứng nhu cầu thị trường, giá bán tăng so với cùng kỳ, không có tình trạng tồn đọng sản phẩm. Một điều rất quan trọng nữa là sự chủ động, tích cực vào cuộc của người dân trong sản xuất, người dân không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Sản xuất vụ đông dần trở thành vụ sản xuất chính trong năm, từng bước mở rộng diện tích, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung sản xuất các cây trồng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định, giúp người dân nâng cao thu nhập và yên tâm sản xuất.

https://baolaocai.vn/bai-viet/353442-nang-cao-thu-nhap-tu-san-xuat-vu-dong

Theo Thúy Phượng/LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Sáng 19/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án khai thác, chế biến khoáng sản và thủy điện.

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh quảng bá rộng rãi và tiêu thụ nông sản hiệu quả.

Vận tải hàng hóa xuyên biên giới Việt-Trung tiếp tục sôi động

Số lượng chuyến tàu liên vận cũng như hàng hóa được vận chuyển giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng cao so cùng kỳ năm ngoái, cho thấy hoạt động vận tải hàng hóa xuyên biên giới giữa hai nước tiếp tục sôi động.

Hải quan Lào Cai thực hiện soi chiếu trên 5.500 container

Từ đầu năm đến nay, Hải quan Lào Cai đã thực hiện soi chiếu 5.517 container (trung bình trên 450 container/tháng), trong đó trên 5.000 lượt container hàng hoá nhập khẩu, còn lại container hàng hoá xuất khẩu.

Doanh nghiệp nhỏ ở Lào Cai kết nối vượt khó

Khoảng 95% doanh nghiệp Lào Cai là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sau 3 năm dịch bệnh, trước những tác động tiêu cực từ thị trường, không ít doanh nghiệp của địa phương buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể. Trong bối cảnh đó, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp Lào Cai đã kết nối...

Nhiều đặc sản của Lào Cai tham gia Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023

Gạo Séng cù và nhiều sản phẩm OCOP, đặc sản Lào Cai tham gia Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.