Các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa- Phần VII

Châu bản triều Nguyễn là một loại văn bản hành chính của các vương triều phong kiến Việt Nam dưới thời các vua nhà Nguyễn. Việc xác lập và thực thi chủ quyền của triểu đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thể hiện và chứng minh rõ ràng qua các châu bản triều Nguyễn còn lưu lại đến nay.
Ngày 15 tháng  4 năm MINH MỆNH thứ 15 (1834)
 
Xuất xứ: Quan bố chính, Án sát tỉnh Quảng Ngãi
 
Nơi lưu trữ: Ủy ban Biên giới Quốc gia
 
 
 
 
Dịch nghĩĩa
 
Quan Bố chính, Án sát tỉnh [Quảng] Ngãi căn cứ vào công việc cấp bằng.

Theo tờ tư1 của bộ Binh nhận được tháng trước có đoạn trình bầy: Vâng theo sắc lệnh2 [của nhà vua], bộ đã tư [cho tỉnh] chuẩn bị điều động trước ba chiếc thuyền lớn3, cho tu sửa chắc chắn đợi tại kinh, Phái viên4 và Biền binh5 thủy quân đến trước để hiệp đồng nhanh chóng đi khảo sát các xứ của Hoàng Sa. Hãy tuân mệnh.

[Kính vâng theo, tỉnh thần6] làm lễ cầu khấn7, [sau đó], điều động, thuê ba chiếc thuyền nhanh, nhẹ ở tỉnh cùng các vật kiện theo thuyền, mỗi loại đều cho tu bổ [cẩn thận]. Lại phái Vũ Văn Hùng, người được cử đi năm trước và chọn thêm dân phu miền biển am hiểu đường biển sung làm thủy thủ phục vụ trên thuyền trước sau, mỗi thuyền 8 người cộng 24 người, [đến] mùa từ hạ tuần tháng 3 thuận gió, thì nhanh chóng cho thuyền ra khơi.

Nay các việc lo liệu xong xuôi, Phái viên đã đi thuyền đến. Nay căn cứ vào các lý lẽ tuyển lựa của Vũ Văn Hùng [là] phù hợp, [tỉnh thần] thực hiện cấp bằng cho những thủy dân thạo đường biển là bọn Đặng Văn Xiểm đảm đương công việc lái thuyền, [bọn Đặng Văn Xiểm] hãy đi trên một chiếc thuyền, dẫn theo các thủy thủ trong đoàn theo Phái viên, Biền binh và Vũ Văn Hùng đến Hoàng Sa thực hiện công vụ.

Chuyến đi này có tầm quan trọng đặc biệt, các người phải dốc lòng thực hiện công việc cho thực sự thỏa đáng. Nếu sao nhãng, sơ xuất tất bị trọng tội.

Tất cả số người bao nhiêu đều liệt kê dưới đây. Các người lái thuyền là bọn Đặng Văn Xiểm, người phường An Hải huyện Bình Sơn, Dương Văn Định người thôn Hoa Diêm được cấp bằng trên đây chiểu theo thi hành.
 
Ngày 15 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 15 (1834)
 
Thủy thủ:
 
Tên Đề Phạm Vị Thanh, người phường An Hải
 
Tên Trâm Ao Văn Trâm, người Lệ Thủy Đông (hai tên)
 
Tên Sơ Trần Văn Kham, người phường An Vĩnh
 
Tên Xuyên Nguyễn Văn Mạnh, người phường An Hải
 
Tên Lê Trần Văn Lê, người ấp Bàn An
 
 Tên Doanh Nguyễn Văn Doanh, người thôn Thạch Óc An Thạch huyện Mộ Cách.
 
Từ đội Kim Thương đưa sang hai tên
 
Vũ Văn Nội
 
Trương Văn Tài.
 
Chú thích:
 
1. Tư :thuật ngữ chỉ một loại hình văn bản hành chính dành cho các quan. Các quan sử dụng loại văn bản này để truyền đạt công việc như dạng công văn ngày nay.
 
2.  Sắc:thuật ngữ chỉ một loại hình văn bản hành chính chuyên dành cho nhà vua. Nhà vua sử dụng loại văn bản này để ban mệnh lệnh yêu cầu quần thần phải thực hiện một công việc nào đó.
 
3.  Chinh thuyền: một loại thuyền lớn chuyên dùng cho việc đi tuần nơi biển khơi xa xôi.
 
4.  Phái viên: người của triều đình được cử đi thực hiện công vụ.
 
5. Biền binh: chức quan võ cấp thấp trong quân đội thời phong kiến
 
6. Tỉnh thần: tên gọi chung cho các quan làm việc ở tỉnh. Ở đây chỉ quan Bố chính và Án sát.
 
7. Kỳ :thuật ngữ trong tế lễ. Xét ở góc độ từ loại, kỳ là động từ thì mang nét nghĩa cầu mong, kỳ là danh từ thì mang nét nghĩa là một loại hình thức tế lễ cầu khấn. Từ kỳ xuất hiện trong văn bản hành chính, mang nét nghĩa tế lễ cầu khấn, điều này phù hợp với tập tục của người dân vùng biển, trước khi đi biển bao giờ họ cũng làm lễ cầu khấn, mong sự bình yên trước khi ra khơi./.
(theo vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Thời kỳ từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến Chiến thắng Mùa xuân 1975

Bản đồ cổ Trung Quốc khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Nhiều bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ đều cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Thêm tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Cuốn sách vừa được phát hiện mang tên "Khải đồng thuyết ước” được xác định là cuốn sách viết bằng chữ Hán và chữ Nôm từ thời vua Tự Đức, ghi chép về thiên văn, địa lý do soạn giả Kim Giang Phạm Phục Trai thi Ân khoa năm Thiệu Trị thứ...

Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên các bản đồ nước ngoài

Hiện tại các trung tâm lưu trữ trên thế giới còn lưu giữ nhiều bản đồ cổ, trong đó thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam.

Các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Phần XV

Châu bản triều Nguyễn là một loại văn bản hành chính của các vương triều phong kiến Việt Nam dưới thời các vua nhà Nguyễn. Việc xác lập và thực thi chủ quyền của triểu đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thể...

Các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Phần XIV

Châu bản triều Nguyễn là một loại văn bản hành chính của các vương triều phong kiến Việt Nam dưới thời các vua nhà Nguyễn. Việc xác lập và thực thi chủ quyền của triểu đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thể...