Nỗi lo nguồn cung lương thực

Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) mới đây cảnh báo, an ninh lương thực toàn cầu đối mặt thêm thách thức do cuộc xung đột Nga-Ukraine sau hai năm gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố như biến đổi khí hậu, gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch, việc bảo đảm an ninh lương thực là bài toán không dễ giải đối với nhiều quốc gia.

Với việc Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và Ukraine là nước lớn thứ năm, cả hai nước cung cấp tới 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.

Thêm vào đó, Nga và Ukraine cũng là những nhà cung cấp hạt cải dầu hàng đầu và chiếm 52% thị trường xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới. Bởi thế, các biện pháp gia tăng trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và các nước phương Tây, cuộc xung đột ở Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng và hậu cần đối với sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine và Nga, cũng như các hạn chế đối với xuất khẩu của Nga gây lo ngại sẽ để lại những hậu quả đáng kể về an ninh lương thực.

Ðiều này đặc biệt đúng đối với khoảng 50 quốc gia phụ thuộc vào Nga và Ukraine về nguồn cung lúa mì từ 30% trở lên. Nhiều nước trong số đó là các nước kém phát triển nhất hoặc các nước có thu nhập thấp, thiếu lương thực ở Bắc Phi, châu Á và Cận Ðông. Nhiều quốc gia châu Âu và Trung Á phụ thuộc vào Nga hơn 50% nguồn cung phân bón của họ cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp kéo dài.

Khả năng gián đoạn hoạt động nông nghiệp của hai nước xuất khẩu chủ yếu Nga và Ukraine có thể khiến tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn. FAO cảnh báo, có tới 30% diện tích cây trồng ở Ukraine sẽ không được trồng hoặc không được thu hoạch trong năm nay do xung đột.

Theo ước tính của FAO, cuộc xung đột ở Ukraine làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng trên toàn cầu, giá lương thực và thực phẩm quốc tế có thể tăng từ 8% đến 20%. Số người suy dinh dưỡng toàn cầu có thể tăng thêm từ 8 đến 13 triệu người trong giai đoạn 2022-2023. Các nhà điều hành doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp nhận định, người tiêu dùng trên khắp thế giới sẽ cảm nhận tác động mạnh của cuộc khủng hoảng Ukraine do giá lương thực tăng cao và tình trạng gián đoạn đáng kể đối với các chuỗi cung ứng nông nghiệp.

Ông John Rich, Chủ tịch điều hành hãng cung cấp lương thực hàng đầu Ukraine MHP, bày tỏ lo ngại về vụ xuân năm nay - một vụ mùa quan trọng không chỉ đối với nguồn cung nội địa ở Ukraine mà còn với khối lượng lớn ngũ cốc và dầu thực vật mà nước này xuất khẩu trên toàn cầu. Theo ông, cuộc xung đột hiện nay tác động to lớn đến nguồn cung của Ukraine và Nga ra thế giới. Giá hàng hóa tăng vọt sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, với giá lúa mì có lúc lên mức cao nhất từ trước tới nay.

Chủ tịch MHP cũng cảnh báo về "vòng xoáy lạm phát" đối với giá lúa mì, ngô và các loại hàng hóa khác, vốn đã tăng cao trước khi xảy ra căng thẳng ở Ukraine do hạn hán và nhu cầu tăng do các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Trước tương lai ảm đạm của bức tranh lương thực, FAO đã đề ra một số kiến nghị chính sách nhằm bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Ðó là cần giữ cho thương mại lương thực và phân bón toàn cầu được mở, đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm. Các chính phủ cần mở rộng mạng lưới an toàn xã hội để hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, trong khi cần tránh các phản ứng chính sách đặc biệt nếu chưa xem xét đến tác động tiềm tàng của chúng đối với thị trường quốc tế.

FAO cho rằng, cần tăng cường minh bạch thị trường và đối thoại để giúp các chính phủ và nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt khi thị trường hàng hóa nông sản có nhiều biến động. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass kêu gọi người dân và doanh nghiệp không tích trữ lương thực và xăng dầu. Chủ tịch Malpass hy vọng các nhà sản xuất trên thế giới sẽ phản ứng mạnh mẽ để tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu thực tế.

Ông cũng dự báo nguồn cung lương thực bên ngoài Nga và Ukraine sẽ tăng mạnh, qua đó giảm tác động của việc giá cả leo thang và giúp duy trì đà phục hồi kinh tế. Chủ tịch WB nhấn mạnh, việc cần làm trong tình hình hiện nay không phải là đi mua lương thực dự trữ, mà mỗi người dân trên thế giới cần nhận thức được rằng nền kinh tế toàn cầu hết sức năng động và sẽ phản ứng phù hợp, bảo đảm đủ nguồn cung.

https://nhandan.vn/binh-luan-quoc-te/noi-lo-nguon-cung-luong-thuc-689361/

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...