Dịu dàng hương bưởi

Mùi hương từ hoa tươi trong vườn của ngoại đúng độ nở cứ mãi ám ảnh, đeo đuổi tôi theo năm tháng, để đến tận bây giờ, trên dặm dài thiên lý phận người, tôi vẫn không thể nguôi quên hương hoa dung dị ấy, nhất là mỗi độ tháng Ba về.

Dù cho người ta có thể chiết xuất ra mùi hương từ hoa tươi thành thứ nước hoa để tôi có thể thỏa cơn thèm khát quay về ký ức bất kỳ tháng nào trong vòng tuần hoàn của thời gian bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, thế nhưng vẫn không thể nào bằng chờ đợi để được đắm chìm trong không gian hương bưởi dịu dàng của tháng Ba nơi vườn của ngoại.

Còn nhớ, hồi nhỏ, tôi được ở gần với ngoại. Vườn ngoại có cây bưởi, ra hoa mỗi độ tháng Ba. Ngoại kể cho tôi nghe, trước hôm ông ngoại lên đường ra trận, ông đun một nồi nước bồ kết, hương nhu, lá sả thật to và không thể thiếu những cánh hoa bưởi thơm dìu dịu nữa, để bà gội đầu. Và chiến trường xa cách đã khiến mỗi độ mùa cây bưởi đơm hoa, ngoại lại ra sau vườn, tự tay hái hoa bưởi và đun nước gội đầu cho mình, vắng chồng. Trong bức thư viết cho ông, ngoại cũng không quên ép những bông hoa bưởi đầu mùa với bao nhung nhớ gửi ra mặt trận.
Cứ thế, cho đến ngày ông ngoại trở về, trên mình mang vết thương bom đạn chiến tranh. Song, như một sự sắp đặt, cũng đúng dịp ấy, cây bưởi nở hoa trắng muốt. Bà đón ông trong nồng nàn hương bưởi… và hẳn là bà được ông dội từng gáo nước bồ kết thoảng hương bưởi lên mái tóc đã vơi rụng bởi đợi chờ. Sau này, khi có mẹ tôi, rồi khi có tôi, ngoại vẫn truyền cho con gái và đứa cháu gái món dầu gội gia truyền ấy... Trong ký ức tuổi thơ tôi vẫn in rõ hình ảnh ông ngoại cẩn thận tách từng cánh hoa bưởi vừa hái trên cây xuống để tự tay ướp trà hoa bưởi, uống trong ngày. Tôi lớn lên trong ngào ngạt hương bưởi và tình yêu thương của ngoại. Để rồi, mùi hương ngan ngát sau nhà ấy cứ theo tôi mãi trong hành trình của tháng năm.

Tôi ra thành phố học, thi thoảng mới được về thăm ngoại. Rồi tôi có gia đình, những tháng Ba được về bên ngoại, bên mẹ, để chạy ùa ra vườn, để hít hà hương thơm từ chùm hoa bưởi nở buổi sáng sớm rồi cũng thưa dần… Ngoại tôi tóc đã phai, trắng như màu hoa. Ngoại biết tôi thích hoa bưởi nên mỗi độ tháng Ba về vẫn không quên nhắc mẹ tôi hái gửi ra cho đứa cháu ngoại ở xa một ít hoa bưởi và dặn, nhớ bảo nó gội đầu bằng nước bồ kết nhé, đừng dùng mấy thứ xa xỉ phẩm ấy, hại tóc. Còn mẹ tôi thì tỉ mỉ ngồi nướng bồ kết trên than hoa, rồi say thành bột mịn gửi cho con gái tiện pha nước gội đầu. Mỗi lần nhận quà từ ngoại, có hôm tôi dành nguyên cả một ngày chỉ để đọc sách, uống trà và thả lỏng tâm hồn mình trong hương hoa bưởi mà thôi.

Đôi lúc, mải miết giữa dòng xe tấp nập trên đường, bất chợt tôi gặp một gánh hàng hoa đủ sắc màu. Trong góc nhỏ khiêm nhường của gánh hàng hoa ấy, trắng muốt một màu hoa bưởi. Giật mình tháng Ba! Nhớ ngoại. Những lần như thế, chưa thể về với ngoại, tôi lặng lẽ mua vài chùm hoa bưởi, để trên bàn làm việc và hít hà hương thơm. Thế rồi, cứ mải bộn bề với những toan lo thường nhật của cuộc sống, tôi đã đi qua mùa hoa bưởi một cách vội vã lúc nào không hay.

https://baolaocai.vn/bai-viet/354280-diu-dang-huong-buoi

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.