Dặt dìu tiếng khèn Mông

Khi tiết trời bắt đầu nắng ấm, cây cối đâm chồi, nảy lộc, chút dư âm của mùa xuân còn vương ở các bản Mông cheo leo trên núi cao cũng là khi tiếng khèn Mông âm vang vách đá. Tiếng khèn là lời sâu lắng đưa tiễn người đã khuất; là lời thổ lộ tình cảm của chàng trai với người thương, lúc trầm, lúc bổng, ngân nga, dìu dặt.
Các thành viên trong Câu lạc bộ Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông  xã Nậm Chày học thổi khèn.

Cùng với sự phát triển của xã hội và hội nhập, nhiều nét văn hóa truyền thống của các dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một. Để nêu cao tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của dân tộc, tại xã Nậm Chày (huyện Văn Bàn), Câu lạc bộ Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông đã ra đời. Tuy mới đi vào hoạt động nhưng câu lạc bộ đã phát huy được hiệu quả trong việc truyền dạy, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông.

Hằng tháng, Câu lạc bộ Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông xã Nậm Chày tổ chức 2 buổi sinh hoạt với sự tham gia của đầy đủ các thành viên. Tại đây, các bạn trẻ được tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo, được nghệ nhân truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Mông, đặc biệt là nghệ thuật múa khèn. Những lúc nông nhàn, trong sân nhà văn hóa hoặc gốc cây đầu thôn, bất cứ nơi nào có không gian rộng, thoáng là các chàng trai trong câu lạc bộ lại rủ nhau mang khèn ra thổi. Vàng A Đông, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ: Từ khi xảy ra dịch Covid-19, các thành viên không thể tập trung, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên tự tập thổi khèn tại nhà.

Ngoài Vàng A Đông, trong câu lạc bộ còn có nhiều thành viên “9X” như Vàng A Trầu, Vàng A Thắng… Vàng A Thắng, thành viên trẻ nhất câu lạc bộ tâm sự: Tôi học thổi khèn cách đây đã 3 năm, tuy nhiên vẫn còn nhiều bài khèn chưa biết. Thi thoảng thầy đi thổi khèn tiễn người đã khuất, tôi được thầy cho đi cùng để hỗ trợ và học hỏi thêm kỹ thuật thổi khèn.

Xã Nậm Chày có 8 thôn, bản với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tuy nhiên số người thực sự am hiểu văn hóa dân tộc Mông trên địa bàn xã còn rất ít. Bởi thế, khi câu lạc bộ được thành lập, những người cao tuổi rất vui mừng và tâm huyết truyền dạy người trẻ kế tục điệu khèn cũng như lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mông, trong đó có ông Vàng A Páo. Ông Páo năm nay 70 tuổi, là người thành thạo và am hiểu về khèn Mông. Tiếng khèn gắn bó với ông từ ngày thơ ấu. Năm 30 tuổi, ông cùng một thanh niên trong thôn lặn lội đi bộ 6 - 7 km tìm thầy dạy và học khèn. Suốt nhiều năm, tiếng khèn của ông đã đưa tiễn hàng trăm người đã khuất về nơi chín suối và ông cũng là người miệt mài chỉ dạy cho con cháu để lưu giữ lại nét văn hóa của dân tộc mình. Ông Páo cho biết: Khèn là nhạc cụ độc đáo của người Mông. Trước kia, dù đi đâu, con trai dân tộc Mông cũng luôn mang cây khèn bên mình như một vật dụng tùy thân. Nhưng bây giờ, cuộc sống đổi thay, mọi người biết đến nhiều loại nhạc cụ khác, thế nên chỉ cần các con, cháu đam mê và yêu thích thì tôi không ngại việc chỉ dạy.

Ông Vàng A Páo dạy thổi khèn cho các thành viên trong CLB.

Câu lạc bộ Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông xã Nậm Chày không giới hạn các thành viên tham gia sinh hoạt và học tập, tuy nhiên đa phần là nam, số lượng nữ học khèn rất ít, bởi với người Mông, thổi khèn chủ yếu là nam giới. Anh Vàng A Đông chia sẻ thêm: Chúng tôi đặt tên là Câu lạc bộ Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông xã Nậm Chày, bởi ngoài khèn, câu lạc bộ còn có nhiều môn nghệ thuật cần được lưu giữ và học tập, như sáo, đàn môi, đàn nhị, khèn lá, rồi hát dân ca, hát truyền thống. Chúng tôi đã khảo sát, có nhiều đoàn viên, thanh niên rất thích các môn này. Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ đã xây dựng chuyên đề đưa vào mỗi buổi sinh hoạt, như vậy sẽ thu hút lực lượng trẻ tham gia câu lạc bộ.

Đến nay, tiếng khèn của người Mông ở Nậm Chày vẫn giữ được những nét đặc thù, độc đáo, không hề lẫn với âm nhạc của bất cứ dân tộc nào. Tuổi trẻ xã Nậm Chày luôn nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, để những giá trị văn hóa truyền thống ấy luôn được phát huy và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng.

https://baolaocai.vn/bai-viet/354831-dat-diu-tieng-khen-mong

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Người Tày xã bản Hồ giữ nghề truyền thông

Nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lào Cai: Bảo tồn lễ hội, phong tục tập quán xã hội tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch

Năm 2024, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu: Lập 03 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị ít nhất 01 lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024

Từ ngày 15/4 đến hết ngày 19/4/2024, Lào Cai phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai. Trong đó, ngày 15/4 là ngày phát động đồng bộ thực hiện mặc trang phục truyền thống các dân tộc trên phạm vi toàn tỉnh.

Nét đẹp văn hóa của chợ tình Sa Pa

Không chỉ có tiềm năng từ thiên nhiên ban tặng, Sa Pa còn giàu về văn hóa, lối sống, phong tục và con người. Điển hình trong đó không thể không nhắc đến chợ tình Sa Pa.