Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Thực hiện kế hoạch xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn các ngành, địa phương tỉnh Lào Cai đã xây dựng, lồng ghép các nội dung vào chương trình công tác hàng năm. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đồng hành cùng doanh nghiệp từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Để tạo lập môi trường cạnh tranh thuận lợi và bình đẳng trong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các sở, ngành tỉnh, các địa phương triển khai hiệu quả kế hoạch cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có trên 230 doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp (chiếm khoảng 5% tổng số doanh nghiệp) với số vốn đăng ký đạt trên 7.500 tỷ đồng. Đã có 50 dự án do các doanh nghiệp đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, có sử dụng đất thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và chế biến nông, lâm sản với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5.000 tỷ đồng; tổng diện tích đất được sử dụng cho các dự án trên 17.100 ha. Ngoài ra, còn có 6 dự án được chấp thuận nghiên cứu đầu tư với tổng kinh phí dự kiến trên 250 tỷ đồng; 15 dự án đang hoàn thiện hồ sơ xin nghiên cứu đầu tư và đang nghiên cứu đầu tư; 27 dự án khuyến khích thu hút đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp đã khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh về đất đai, lao động, đầu tư vào sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, xây dựng nhà máy chế biến… Các vùng sản xuất hàng hóa tập trung từng bước được hình thành như: Vùng rau an toàn, rau trái vụ vùng cao tại Sa Pa, Bắc Hà; vùng sản xuất dược liệu tại Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, thị xã Sa Pa; vùng chè tại Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà; vùng dứa, vùng chuối tại Mường Khương, Bảo Thắng; vùng quế tại Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên…

Người dân Thanh Bình (Mường Khương) thu hoạch chè.         Ảnh TL.

Các dự án đầu tư cơ bản đã áp dụng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn, đảm bảo yếu tố kỹ thuật nên năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa của sản phẩm được nâng cao. Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được mở rộng với 57 liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với tổ hợp tác, hộ nông dân theo chuỗi với các sản phẩm: chè, dược liệu, rau, lúa gạo, chuối, dứa… quy mô khoảng 12.000 ha, liên kết với trên 15.000 hộ nông dân, tổng giá trị sản xuất tiêu thụ sản phẩm ước đạt 820 tỷ đồng. Các dự án chế biến nông, lâm sản (đặc biệt chế biến chè, dứa, gỗ, tinh dầu quế) đã tạo đầu ra ổn định cho nông sản giúp ổn định đời sống một bộ phận Nhân dân sản xuất nông, lâm nghiệp.

Các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo việc làm và thu nhập cho trên 16.000 lao động tại địa phương, nhiều dự án đầu tư đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước như chè hữu cơ Bản Liền, quế hữu cơ Nậm Đét, tinh dầu quế, gạo séng cù, lê tai nung, cá hồi Sa Pa… qua đó đã góp phần xây dựng thương hiệu nông sản, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư được các ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện. Kịp thời hỗ trợ tư vấn pháp lý vướng mắc cho các doanh nghiệp ngay sau khi nhận được yêu cầu. Triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời vận dụng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chế biến sâu phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội; thu hút đầu tư vào các nội dung ưu tiên, khuyến khích đầu tư trên từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, phát triển nông thôn và chương trình OCOP,… góp phần xây dựng lòng tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục hoàn thiện, đổi mới mô hình phát triển ngành nông nghiệp, kịp thời xây dựng mới hoặc điều chỉnh các quy hoạch, định hướng liên quan; thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững./.

Nguyễn Quang

Tin Liên Quan

Triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch năm 2024

Ngày 12/3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND về triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai năm 2024.

Ký kết hợp tác trong lĩnh vực quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp

Chiều 9/3, tại thành phố Lào Cai, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế thành phố Hải Phòng về một số nội dung hợp tác thuộc phạm vi quản lý trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn hai địa phương.

Xuất - nhập khẩu: Chờ đợi sự khởi sắc

Năm 2024, Lào Cai phấn đấu giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt 4,5 tỷ USD, tăng 264% so với năm 2023. Không phải ngẫu nhiên đặt ra mục tiêu như vậy, bởi thực tế đang có nhiều cơ hội và sự khởi sắc đối với hoạt động xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn.

Lào Cai: Tạo sức bật trong thu hút đầu tư

Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển”, nắm chắc những lợi thế để phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế vùng biên, tỉnh Lào Cai đã và đang đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển hạ tầng, khơi thông điểm nghẽn về logictics, huy...

Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc)

Chiều 12/12, bên lề hội nghị triển khai triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy và nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường thông báo một tin vui khi Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc chính thức ký Nghị...

Trung tâm kết nối giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

Với vị trí “cửa ngõ” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam), những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung phát huy lợi thế riêng có để phấn đấu trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.