Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị

Với việc ưu tiên thu hút đầu tư vào chế biến sâu khoáng sản và khai thác tiềm năng thủy điện hợp lý, ngành công nghiệp Lào Cai góp phần mang lại giá trị gia tăng và tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho nhiều lao động.
Vận hành dây chuyền tuyển tại Nhà máy Tuyển đồng số 2, Chi nhánh Tuyển đồng Sin Quyền.
Trên công trường khai thác Mỏ đồng Sin Quyền (Bát Xát).

Lào Cai có thế mạnh lâu dài về công nghiệp chế biến gắn với khai khoáng. Với 35 loại khoáng sản khác nhau, 150 điểm mỏ có giá trị, trong đó nhiều loại chất lượng cao, trữ lượng lớn như quặng apatit, đồng, sắt, vàng, đất hiếm, graphít, fenpat... các loại khoáng sản giữ vai trò chiến lược trong chuỗi sản xuất toàn quốc. Giai đoạn năm 2001 - 2010, Lào Cai đã có hàng loạt giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp. Tỉnh hình thành 2 khu công nghiệp là Đông Phố Mới (100 ha) và Tằng Loỏng (1.100 ha); đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải (80 ha). Trong 10 năm 2001 -  2010, cơ sở sản xuất công nghiệp tăng 2,3 lần, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7 lần. Công nghiệp Lào Cai trở thành ngành kinh tế có quy mô lớn nhất trong cơ cấu kinh tế và ảnh hưởng ngày càng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế công nghiệp nhanh và cao nhất trong nền kinh tế Lào Cai, giai đoạn 2001 - 2005 bình quân đạt 15,5%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 đạt 32,3%, bình quân trong 10 năm đạt 23,9%/năm.

Giai đoạn 2011 - 2021, ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh; từng bước khẳng định là trung tâm luyện kim, hóa chất, phân bón của vùng và cả nước. Các dự án chế biến sâu khoáng sản được ưu tiên đầu tư, nhiều nhà máy đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả. Tiềm năng thủy điện được khai thác hợp lý. Các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư hoàn thiện hạ tầng, hệ thống quan trắc, xử lý môi trường. Chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp của tỉnh được triển khai hiệu quả, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh xác định tiếp tục duy trì phát triển công nghiệp đảm bảo là trụ cột quan trọng cho phát triển; tập trung công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, vật liệu, công nghiệp phụ trợ; chú trọng áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trong sản xuất. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 phấn đấu tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Kỹ sư, công nhân Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai kiểm tra chất lượng sản phẩm đồng sau luyện.

Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và bền vững, trong những năm qua, tỉnh chỉ đạo lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực tài chính và dự án áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, sản xuất sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, thế giới, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường. Đã có những doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu quả sản xuất cao, như Dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai; Dự án Nhà máy Tuyển đồng Tả Phời; Dự án Nhà máy Tuyển đồng số 2 thuộc Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền; một số tổ hợp chế biến sâu quặng apatit tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh đã khởi công Dự án Nhà máy sản xuất dây điện và cáp điện công nghệ cao tại xã Bản Qua (Bát Xát) có tổng vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng; công suất thiết kế 60.000 tấn sản phẩm/năm. Nhà máy sử dụng 100% công nghệ và thiết bị của châu Âu,  Mỹ, sản xuất dây điện, cáp điện cao thế, siêu cao thế. Hoặc Dự án Nhà máy sản xuất hàng may, thêu xuất khẩu tại Khu Công nghiệp Đông Phố Mới (thành Phố Lào Cai) dự kiến đi vào hoạt động giữa quý II/2022; khi dự án đi vào hoạt động ổn định, doanh thu hằng năm dự kiến đạt 160 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động địa phương.

Trao đổi với phóng viên, ông See Gun Ok (David), Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nexus Technologies & Cable (Hàn Quốc) - chủ đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất dây điện và cáp điện công nghệ cao - cho biết: Lào Cai có nguồn nguyên liệu đồng lớn, có đường biên giới và cửa khẩu giao thương với Trung Quốc thuận tiện cho việc xuất khẩu. Điều quan trọng hơn cả là tỉnh có chính sách ưu đãi đầu tư rất thu hút nên chúng tôi chọn Lào Cai để thực hiện dự án. Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương với môi trường lao động và đãi ngộ tiêu chuẩn quốc tế, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng.

Còn ông Hoàng Ngọc Minh, Giám đốc Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai cho biết: Dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai được đầu tư hiện đại, nhiều công đoạn được tự động hóa. Đi vào hoạt động từ cuối tháng 6/2021, nhà máy đã và đang góp phần gia tăng chuỗi giá trị khoáng sản, khai thác hiệu quả, triệt để nguồn quặng đồng hiện có, tăng sản lượng đồng tấm sản xuất tại Lào Cai từ 10 nghìn tấn đồng tấm/năm lên 30 nghìn tấn đồng tấm/năm và một số sản phẩm vàng 99,9% Au, bạc 99,9% Ag, axit H2S04, thạch cao… Nhà máy thiết lập hệ thống cây xanh, thảm cỏ và khuôn viên, tạo quang cảnh “nhà máy trong công viên, công viên trong nhà máy”.

Với mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 60.000 tỷ đồng, tỉnh Lào Cai ưu tiên, chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, công nghiệp điện, công nghiệp nhẹ (may mặc); tiếp tục đẩy nhanh thu hút nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh.

https://baolaocai.vn/bai-viet/355360-phat-trien-cong-nghiep-theo-huong-nang-cao-gia-tri

Theo Viết Vinh/LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Sáng 19/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án khai thác, chế biến khoáng sản và thủy điện.

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh quảng bá rộng rãi và tiêu thụ nông sản hiệu quả.

Vận tải hàng hóa xuyên biên giới Việt-Trung tiếp tục sôi động

Số lượng chuyến tàu liên vận cũng như hàng hóa được vận chuyển giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng cao so cùng kỳ năm ngoái, cho thấy hoạt động vận tải hàng hóa xuyên biên giới giữa hai nước tiếp tục sôi động.

Hải quan Lào Cai thực hiện soi chiếu trên 5.500 container

Từ đầu năm đến nay, Hải quan Lào Cai đã thực hiện soi chiếu 5.517 container (trung bình trên 450 container/tháng), trong đó trên 5.000 lượt container hàng hoá nhập khẩu, còn lại container hàng hoá xuất khẩu.

Doanh nghiệp nhỏ ở Lào Cai kết nối vượt khó

Khoảng 95% doanh nghiệp Lào Cai là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sau 3 năm dịch bệnh, trước những tác động tiêu cực từ thị trường, không ít doanh nghiệp của địa phương buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể. Trong bối cảnh đó, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp Lào Cai đã kết nối...

Nhiều đặc sản của Lào Cai tham gia Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023

Gạo Séng cù và nhiều sản phẩm OCOP, đặc sản Lào Cai tham gia Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.